Tháo gỡ điểm nghẽn trong dạy và học tích hợp

PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, nội dung dạy học tích hợp hay môn học tích hợp sẽ không thể thể hiện được trong thực tế, nếu cách dạy của giáo viên không thay đổi và điều kiện dạy học không được đảm bảo.

Mới đây, tại buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với các nhà giáo trên cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết trên thực tế, việc triển khai dạy học tích hợp, liên môn tại bậc THCS đang gặp rất nhiều vướng mắc. Bộ GD-ĐT nhận thấy đây thật sự là “điểm vướng, điểm nghẽn, điểm khó”.

Bộ trưởng cho biết, căn cứ vào thực tế triển khai, lãnh đạo Bộ GD-ĐT thời gian ngắn sắp tới sẽ quyết định, xem xét, có thể điều chỉnh việc dạy các môn tích hợp ở bậc THCS.

Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các nhà giáo góp ý để việc điều chỉnh không gây ra những xáo trộn tiếp theo, không ảnh hưởng đến việc sử dụng đội ngũ giáo viên và những năng lực của giáo viên đã được chuẩn bị thời gian vừa qua; điều chỉnh để thuận lợi hơn, tốt hơn cho việc triển khai chương trình GDPT 2018 mà không ảnh hưởng đạt đến mục đích của đổi mới.

Thế nào là dạy và học tích hợp?

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai trên phạm vi cả nước từ năm học 2020-2021 theo đúng lộ trình quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14. Chương trình tích hợp các môn: Lịch sử, Địa lí thành môn Lịch sử và Địa lí; Hóa học, Sinh học, Vật lí thành môn Khoa học tự nhiên.

Dạy tích hợp

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam chia sẻ, Chương trình GDPT 2018 mong muốn có sự liên môn, xuyên môn, tức là đưa vào trong chương trình những nội dung, chủ đề có sự “nhuyễn” vào nhau của các môn khoa học.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Ảnh: Quốc Việt)

PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Ảnh: Quốc Việt)

Khi triển khai, người ta phải dùng cách dạy học tích hợp để thể hiện được mục tiêu giáo dục mà chương trình hướng đến. Dù nội dung kiến thức có thể không nhiều thay đổi, nhưng cách dạy học phải thay đổi để đạt được mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất cho người học.

PGS Thơ nhấn mạnh, “năng lực” ở đây không chỉ bao gồm kiến thức mà có rất nhiều thành tố khác như kỹ năng thực hành, thái độ, cảm xúc, các giá trị sống mà người học sẽ được đón nhận, sự rèn luyện, trải nghiệm và thể hiện trong quá trình học tập. Do đó, nếu duy trì cách dạy đơn môn như trước đây, chúng ta sẽ không thể hiện được những điều này.

Một cách nhìn thứ hai để có thể giải thích cho ý nghĩa của việc dạy học tích hợp là trong các nguyên lý giáo dục chúng ta đang áp dụng, có một nguyên lý rất quan trọng, xuyên suốt qua hàng thế kỷ: học đi đôi với hành.

Nguyên lý này có nghĩa, các kiến thức không thể chỉ được đặt ở trong bối cảnh học thuật mà phải được đặt trong bối cảnh đời sống, trong khoa học, để người học khi tiếp cận kiến thức có thể nhìn thấy tính thực tiễn, có thể rèn luyện, giải quyết vấn đề của mình. Đặc biệt, thông qua phương pháp dạy học phù hợp của giáo viên, người học có thể tự được trải nghiệm cách học.

“Hầu hết các chương trình tiên tiến trên thế giới đối với giáo dục phổ thông hiện nay, người ta sẽ chọn cách dạy học tích hợp để triển khai. Ở Việt Nam, còn phải có một cuộc đổi mới, không chỉ đổi mới về cách dạy mà còn phải đổi mới cả nội dung dạy học”, PGS Thơ chia sẻ.

Bà đưa ra khuyến nghị, nội dung dạy học tích hợp hay môn học tích hợp sẽ không thể thể hiện được trong thực tế, nếu cách dạy của giáo viên không thay đổi và điều kiện dạy học không được đảm bảo. Đây có thể là một trong những điều gây cản trở cho việc hiểu về dạy học tích hợp, cũng như triển khai dạy học tích hợp trong thực tế.

“Cách dạy tích hợp sẽ mang đến một môi trường phát triển toàn diện, nơi đó học sinh được phát triển những năng lực chung mà trước đây thầy cô không có cơ hội để làm. Ví dụ, qua việc học nhóm, các em thảo luận với nhau thế nào? Rồi trong những tranh luận, các em có trung thực không, có kiên trì không? Các em có thực hành để thấy những kỹ năng vận động của mình được thể hiện hay không? Tôi tin rằng chúng ta có thể nhìn thấy lợi ích của việc dạy và học tích hợp”, PGS Thơ nói.

Giáo viên phải được "cầm tay chỉ việc"

Sau 2 năm đưa vào triển khai, trên thực tế việc dạy tích hợp vẫn tạo ra áp lực cho không ít nhà trường, giáo viên.

Một kết quả khảo sát nhanh được PGS.TS Chu Cẩm Thơ thực hiện cho thấy, việc đổi mới phương pháp sang dạy học tích hợp đâu đó trong các nhà trường vẫn đang khiên cưỡng, làm cho người ta nghĩ rằng dạy học tích hợp là phương pháp mà chỉ giáo viên thật giỏi mới làm được, có những giáo viên cảm thấy rằng “tôi có thể không làm được”. Bên cạnh đó là việc thiếu điều kiện như các thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm,… để triển khai việc dạy học tích hợp.

Cũng có một số hiệu trưởng và nhà giáo lâu năm khẳng định, sách giáo khoa hiện nay chưa đạt như kỳ vọng, kể cả ở tên môn lẫn cách tổ chức kiến thức ở trong sách. Cách dẫn dắt phương pháp trong các bộ sách giáo khoa chưa thể hiện được tinh thần của tích hợp.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ trong chương trình Talkshow "Dạy và học tích hợp như thế nào cho hiệu quả?" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức (Ảnh: Quốc Việt)

PGS.TS Chu Cẩm Thơ trong chương trình Talkshow "Dạy và học tích hợp như thế nào cho hiệu quả?" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức (Ảnh: Quốc Việt)

Có giáo viên lại phản hồi rằng không có thời gian để chuẩn bị cho việc dạy tích hợp. Bởi giáo viên ở trường phải làm rất nhiều công việc khác nhau, chưa triển khai được hoạt động sinh hoạt chuyên môn để đáp ứng việc dạy học tích hợp, có nghĩa “mạnh giáo viên nào thì giáo viên ấy lên lớp”, không có thời gian để “nhuyễn” vào với nhau.

Trong khi đó, mô hình để triển khai môn tích hợp bắt buộc các giáo viên ở những phân môn khác nhau phải được sinh hoạt chuyên môn cùng nhau để xây dựng kiến thức, xây dựng cách dạy và bù lấp cho nhau những lỗ hổng về kiến thức mà họ đã không được đào tạo ở đại học hoặc trong môi trường trước đây.

Ngoài ra, PGS Thơ cho biết cũng có những giáo viên phản hồi rằng thấy việc thi cử không liên quan gì đến dạy và học tích hợp, sau này các kỳ thi vẫn là thi kiến thức. Do đó, chỉ nên tập trung dạy kiến thức.

Qua làm việc trực tiếp với rất nhiều trường học và các nhà quản lý, PGS Thơ đánh giá, chúng ta đang có rất nhiều hình thức, cấp độ khác nhau của việc dạy và học tích hợp. Có những trường học rất tiến bộ, đã dạy được tích hợp theo đúng nghĩa chuyên môn, tức là dạy có chủ đề, có chủ điểm theo từng kế hoạch năm học và theo sự nhuyễn lại với nhau của các kiến thức, phương pháp.

Cũng có những trường tập trung cải tổ phương pháp dạy học, mong muốn các giáo viên được “cầm tay chỉ việc”, được giúp đỡ để thực hành được. Có những nhà trường lại tạm thời nói tên môn là tích hợp, nhưng thực tế là tích hợp ghép của các giáo viên vào với nhau.

“Trong tất cả những nghiên cứu của tôi, chưa trường học nào làm được việc đồng bộ 4 trụ cột để triển khai một chương trình, trong đó có dạy học tích hợp. Đó là mục tiêu gắn liền với tích hợp; nội dung dạy học và phương pháp dạy học; điều kiện dạy học; hệ thống đánh giá”, PGS Thơ cho hay.

Theo chuyên gia này, tại Việt Nam hiện nay, đối với nhiều trường công lập, sự đầu tư về điều kiện hạ tầng còn hạn chế, trụ cột “điều kiện dạy học” bởi vậy không được thực thi. Về hệ thống đánh giá của địa phương và quốc gia, hiện chưa có khuyến nghị nào để đánh giá năng lực theo Chương trình GDPT 2018.

PGS Thơ cho rằng, chúng ta cần quyết liệt trong khâu đầu tư các hạ tầng, trang thiết bị cho giáo viên. Đặc biệt, tạo niềm tin, động lực cho học sinh và giáo viên về ý nghĩa của việc dạy học tích hợp.

Theo PGS Thơ, một người suy nghĩ không tích cực sẽ nói rằng môn tích hợp rất hời hợt về kiến thức, đang làm kiến thức của học sinh yếu đi. Cững có giáo viên hiểu rằng học tích hợp nhưng không thi tích hợp, nên chắc chắn học sinh mình có kết quả kém, vậy tại sao tôi phải cố gắng dạy tích hợp?

Có những cộng đồng phụ huynh không ủng hộ việc con thực hành nhiều hơn trên lớp. Nhiều phụ huynh khẳng định, con mình sẽ định hướng thi chuyên nên phải tập trung học kiến thức, việc học ở phòng thí nghiệm sẽ làm mất thời gian của con. “Những khó khăn đều đến từ việc hiểu sai về ích lợi của dạy học tích hợp”, PGS Thơ nhấn mạnh.

Giáo viên tập huấn dạy tích hợp bằng mô hình

Tuy nhiên, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng điều khiến dạy học tích hợp không được thực thi, nằm ở cam kết của các địa phương. Hiện nay, hầu hết các giáo viên trường công chỉ được tập huấn dạy tích hợp bằng mô hình của Bộ GD-ĐT, tức là tập huấn về mặt nhận thức, nhưng tất cả về kỹ năng thực hành thì chưa được ai giúp đỡ.

Bên cạnh đó, năng lực cần có của giáo viên hiện nay không chỉ là năng lực về kiến thức, kỹ năng giảng dạy, kỹ năng thực hành mà còn phải thể hiện ở năng lực thấu hiểu học sinh để “chế biến” các hoạt động sao cho phù hợp. “Nhưng đại đa số giáo viên chưa chú trọng điều này trong lúc thực hiện chương trình mới. Giáo viên vẫn đang xoáy sâu vào kiến thức khoa học của chuyên môn, chưa đặt nặng kiến thức rất quan trọng là tâm lý giáo dục”, PGS Thơ nói.

Chia sẻ thêm về khó khăn của việc triển khai dạy tích hợp, trên cương vị là giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy, cô Nguyễn Kiều Anh, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường Liên cấp TH & THCS Ngôi Sao Hà Nội cho biết, hiện môn Khoa học tự nhiên được chia theo chủ đề Vật lý, Hóa học, Sinh học. Với các chủ đề liên quan đến môn Hóa, đương nhiên giáo viên môn Hóa sẽ thấy đơn giản, nhưng với giáo viên môn Lý, Sinh, ban đầu cũng gặp những khó khăn và ngược lại.

Khó khăn đầu tiên là về mặt chương trình, khó khăn tiếp theo là tổ chức dạy như thế nào. Bản thân giáo viên khi dạy tích hợp phải có kiến thức nhiều hơn. Để bài học hấp dẫn, sinh động, những kiến thức giáo viên đưa ra cũng phải có tính liên hệ, gắn với thực tế.

“Rõ ràng, việc liên hệ với với thực tế, giúp học sinh trả lời các câu hỏi để mở rộng kiến thức; rồi làm sao để xây dựng bài học gắn với thực tế thì giáo viên khác với phân môn chuyên của mình sẽ gặp khó khăn. Tôi nghĩ rằng chúng tôi cần có thời gian để tiếp nhận các kiến thức mới, có thời gian để ngẫm sâu hơn", cô Kiều Anh nói.

Cô Nguyễn Kiều Anh, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường Liên cấp TH & THCS Ngôi Sao Hà Nội (Ảnh: Quốc Việt)

Cô Nguyễn Kiều Anh, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường Liên cấp TH & THCS Ngôi Sao Hà Nội (Ảnh: Quốc Việt)

Giáo viên sẽ rất mệt mỏi nếu không nắm được chương trình và lộ trình

Bên cạnh một số khó khăn, cô Nguyễn Kiều Anh, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường Liên cấp TH & THCS Ngôi Sao Hà Nội cho rằng trong việc dạy tích hợp có nhiều ưu điểm.

Theo cô Kiều Anh, với mỗi lớp, mỗi đối tượng học sinh trong cùng một khối, đôi khi giáo án và phương pháp dạy học của giáo viên đã phải khác nhau, chưa nói đến việc qua mỗi năm khi xã hội phát triển, chắc chắn việc dạy học cũng phải phát triển tương ứng. Do đó, nữ giáo viên đồng tình với việc giáo viên nên có sự thay đổi về mặt phương pháp dạy.

Cô Kiều Anh chia sẻ, so với chương trình trước đây, Chương trình GDPT 2018 với môn tích hợp đã có sự thay đổi khá rõ rệt.

“Cách đây khoảng 3 năm, khi chưa áp dụng chương trình mới thì tôi là chỉ dạy môn Hóa và chỉ gặp học sinh lớp 8, lớp 9. Nhưng hiện nay, với sự thay đổi, tích hợp Hóa học, Sinh học, Vật lí thành môn Khoa học tự nhiên thì các chủ đề về Hóa học đã xuất hiện ngay từ năm lớp 6, một phần nội dung của chương trình lớp 8 cũ đã được đưa xuống lớp 6”, cô nói.

Nữ giáo viên cho rằng, khi thực hiện dạy tích hợp, bắt buộc giáo viên phải nắm được chương trình và lộ trình: Khi sách thay đổi thì mục tiêu, bài học có thay đổi hay không? Chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của học sinh là như thế nào? Nắm được những vấn đề này, giáo viên mới xác định được nội dung nào cần truyền đạt cho học sinh.

Bên cạnh đó, giáo viên cần có phương pháp triển khai. Ví dụ, với chủ đề về Oxy trong chương trình Hóa học lớp 8 trước đây, giáo viên phải dạy tất cả nội dung về tính chất của Oxy. Khi kiến thức về Oxygen mang xuống lớp 6, nội dung học sinh được học chỉ đơn giản là Oxygen là gì? Oxygen có ở đâu? Các tính chất vật lý cơ bản nhất chúng ta có thể quan sát? Hoặc trẻ có thể làm một thí nghiệm đơn giản để biết được về Oxygen. Học sinh sẽ phải tìm cách tự tư duy để giải quyết được vấn đề đặt ra.

Cô Kiều Anh cho rằng, điều này đã khơi gợi được niềm yêu thích và hứng khởi của học sinh khi học Khoa học tự nhiên, giúp các em thấy rằng mình không phải học những điều mang tính chất hàn lâm mà chỉ là những điều gần gũi trong cuộc sống. Học sinh sẽ vừa có kiến thức, cũng được rèn luyện các nhóm kỹ năng, năng lực.

Theo nữ giáo viên, đây là điều rất hay của chương trình mới. Bản thân thầy cô cần hiểu rõ về sự đổi mới, sự thay đổi này để có phương pháp dạy và những cách thức tổ chức hoạt động phù hợp với học sinh, thay vì chỉ hiểu đơn giản là nội dung này lấy từ lớp 8 xuống dạy lớp 6.

“Nếu hiểu như vậy, bản thân giáo viên sẽ rất mệt mỏi và nghĩ rằng khó như thế này học sinh lớp 8 học còn chưa hiểu thì làm sao học sinh lớp 6 hiểu được. Nhưng nếu chúng ta hiểu về chương trình mới Bộ GD-ĐT đưa ra, chúng ta sẽ thấy rằng mức độ rất đơn giản và học sinh rất thích, học sinh sẽ tiếp nhận một cách rất nhẹ nhàng”, cô Kiều Anh nói.

Cô cũng chia sẻ thêm, với việc triển khai môn tích hợp, quy trình lên lớp đã có những sự thay đổi, hướng về phía học sinh nhiều hơn.

“Tiếp tục lấy ví dụ về Oxy và Oxygen. Chủ đề Oxy trong chương trình Hóa học lớp 8 chúng tôi chỉ dạy 2 tiết và trong 2 tiết đó giáo viên cần truyền đạt rất nhiều thông tin. Với khoảng thời gian ngắn như vậy, đôi khi việc giáo viên muốn tổ chức hoạt động cho học sinh sẽ gặp khó khăn, bởi giáo viên vẫn phải chịu nhiều áp lực như chuẩn đầu ra.

Tuy nhiên, khi xuống tới chủ đề Oxygen và không khí ở môn Khoa học tự nhiên lớp 6, số tiết chúng tôi dạy tăng lên khá nhiều, về mặt kiến thức cũng được giảm đi, thời lượng tăng lên. Do vậy, việc giáo viên tổ chức các hoạt động cho học sinh trải nghiệm, khám phá hoặc đơn giản cho học sinh có thời gian tự suy nghĩ những câu hỏi giáo viên đặt ra n cũng rộng rãi, thoải mái hơn”, cô Kiều Anh đưa ra dẫn chứng.

Cô giáo Nguyễn Kiều Anh nhấn mạnh, sự thay đổi này đã giúp cột chia hoạt động của giáo viên trong phân công hoạt động giảng dạy ít đi; ngược lại những hoạt động nhóm, trải nghiệm, hoạt động học sinh cần làm sẽ tăng lên. Từ đó năng lực, kỹ năng của học sinh cũng thay đổi rất nhiều.

Nguyễn Liên - Quốc Việt - Xuân Quý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/thao-go-diem-nghen-trong-day-va-hoc-tich-hop--i340652/