Tháo gỡ 'điểm nghẽn' về nhà ở xã hội

Do những vướng mắc về chính sách nên việc triển khai đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người lao động. Vì vậy, Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội ra đời được coi là điểm sáng về chính sách. Hy vọng, với những điều chỉnh, bổ sung, Nghị định 100/2024/NĐ-CP sẽ sớm tháo gỡ những nút thắt về nhà ở xã hội.

Sau hơn 2 năm thực hiện Kế hoạch số 601/KH-UBND, ngày 8/3/2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội; triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động khu công nghiệp (KCN) giai đoạn 2021-2030”, lĩnh vực phát triển NƠXH, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển rõ nét.

Tuy nhiên, do những vướng mắc về chính sách nên việc triển khai đầu tư các dự án NƠXH, nhà lưu trú cho công nhân gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người lao động. Vì vậy, Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý NƠXH ra đời được coi là điểm sáng về chính sách. Hy vọng, với những điều chỉnh, bổ sung, Nghị định 100/2024/NĐ-CP sẽ sớm tháo gỡ những nút thắt về NƠXH.

Khu NƠXH thuộc Khu đô thị Đồng Văn Xanh do Liên danh Công ty cổ phần doanh nghiệp Hà Nam và Công ty TNHH Thi Sơn làm chủ đầu tư.

Khu NƠXH thuộc Khu đô thị Đồng Văn Xanh do Liên danh Công ty cổ phần doanh nghiệp Hà Nam và Công ty TNHH Thi Sơn làm chủ đầu tư.

“Điểm nghẽn” trong phát triển và quản lý NƠXH

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, tính đến năm 2023, Hà Nam đã có 2 dự án NƠXH với tổng số khoảng 936 căn hộ, gồm: NƠXH thuộc Khu đô thị Đồng Văn Xanh do Liên danh Công ty cổ phần doanh nghiệp Hà Nam và Công ty TNHH Thi Sơn làm chủ đầu tư (372 căn) và khu NƠXH tại phường Đồng Văn do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị HUD làm chủ đầu tư (564 căn); cùng 3 dự án NƠXH cho công nhân KCN với tổng số 3.407 căn hộ, gồm: Khu thiết chế công đoàn tại KCN Đồng Văn II do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư (244 căn hộ); khu dịch vụ nhà công nhân KCN Đồng Văn IV huyện Kim Bảng do Tổng Công ty Viglacera- CTTP làm chủ đầu tư (2.235 căn) và khu NƠXH thuộc quy hoạch tổng mặt bằng Khu thiết chế công đoàn tại KCN Đồng Văn II (giai đoạn II) Công ty cổ phần Arita làm chủ đầu tư có tổng diện tích sàn khoảng gần 64 nghìn m2, tương đương 928 căn hộ.

Tính riêng trong quý I/2024, UBND tỉnh đã thực hiện thủ tục chấp thuận Liên danh Công ty TNHH Flamingo Hải Tiến và Công ty cổ phần Hồng Hạc Đại Lải làm nhà đầu tư Dự án NƠXH và nhà ở công nhân tại xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng tại Quyết định số 1642/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023. Đồng thời, chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án về NƠXH, trong đó có 2 dự án về NƠXH cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và 3 dự án về NƠXH cho công nhân, người lao động làm việc tại KCN. Cùng với đó, một số dự án NƠXH khác cũng đang trong quá trình nghiên cứu chuẩn bị thủ tục để thu hút đầu tư như: Dự án khu nhà ở công nhân và NƠXH tại địa bàn các xã Đồng Hóa, Nhật Tân, Đại Cương (Kim Bảng) và Dự án đầu tư xây dựng khu NƠXH thuộc Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu thương mại và nhà ở đô thị tại phường Duy Minh và phường Duy Hải (Duy Tiên).

Nhìn vào những con số trên có thể khẳng định: Chương trình phát triển nhà ở công nhân, NƠXH đã được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, tiến độ đầu tư xây dựng của một số dự án NƠXH cho công nhân và người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn chậm so với mục tiêu và kế hoạch đề ra. Theo ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nam, nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế chính sách chưa hấp dẫn, nhiều thủ tục có liên quan nên chưa thu hút các nhà đầu tư. Việc bố trí quỹ đất 20% phát triển NƠXH theo quy định tại các dự án nhà ở (thuộc các đô thị loại III trở lên) có quy mô khá nhỏ, không mang tính chất tập trung. Đặc biệt, theo quy định của Luật Đất đai, sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng NƠXH lại không thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Tuy nhiên, với quỹ đất NƠXH thuộc quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đã được giải phóng mặt bằng, san nền, đầu tư hạ tầng kỹ thuật xung quanh khu đất (trường hợp Nhà nước sử dụng quỹ đất này để giao cho tổ chức khác thực hiện đầu tư xây dựng NƠXH), sau khi thu hồi đất được bàn giao cho địa phương quản lý để thu hút đầu tư được xác định là tài sản công (quản lý, sử dụng, xử lý thực hiện theo quy định của pháp luật về tài sản công). Những bất cập trong các quy định của pháp luật cũng chính là rào cản ảnh hưởng đến tiến độ thu hút và triển khai các dự án đầu tư NƠXH và nhà ở công nhân.

Vì vậy, để thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030, phấn đấu đến năm 2025, Hà Nam sẽ hoàn thành 327.266 m2 sàn nhà ở cho các đối tượng xã hội; trong đó, có 229.900 m2 sàn nhà ở cho công nhân, rất nhiều nút thắt về cơ chế chính sách cần sớm được tháo gỡ.

Khơi thông nguồn lực phát triển NƠXH

Ngày 26/7 vừa qua, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý NƠXH. Việc ban hành Nghị định 100/NĐ-CP được đánh giá là điểm sáng về chính sách, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn”, khơi thông nguồn lực đầu tư, phát triển NƠXH. Đây cũng chính là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương đưa các quy định vào thực tiễn một cách hiệu quả. Với các quy định mới, nhiều điểm khó được gỡ. Theo Luật Nhà ở 2023, điều 83 đã đưa ra các quy định cụ thể hơn về việc bố trí đất để phát triển NƠXH, khắc phục thực trạng thiếu quỹ đất để phát triển phân khúc này trong thời gian qua.

Cụ thể, Luật Nhà ở 2023 đã bổ sung quy định yêu cầu UBND cấp tỉnh bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển NƠXH theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt. Nghị định 100/NĐ-CP đã quy định chi tiết Khoản 2, Điều 83 Luật Nhà ở 2023, hướng dẫn UBND cấp tỉnh quyết định việc chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng NƠXH. Hoặc bố trí quỹ đất NƠXH đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại đô thị đó hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng NƠXH tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III, căn cứ quy định của Chính phủ bảo đảm thuận lợi trong quá trình triển khai.

Đặc biệt, quy trình thực hiện thủ tục đầu tư dự án NƠXH cũng được rút gọn đáng kể so với Nghị định 100/2015/NĐ-CP; qua đó giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện dự án. Theo Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Khoản 2, Điều 22 Nghị định 100/2024/NĐ-CP xác định chi tiết các thành phần cấu thành tổng chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích NƠXH là căn cứ để tính khoản lợi nhuận tối đa bằng 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích NƠXH theo Luật Nhà ở 2023.

Ngoài ra, chủ đầu tư dự án còn có thể có thêm khoản lợi nhuận từ phần diện tích công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại - chiếm tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Để lựa chọn nhà đầu tư có thực lực thông qua hình thức đấu thầu, Khoản 5, Điều 21 Nghị định 100/2024/NĐ-CP cũng đã quy định rõ ràng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng NƠXH.

Cùng với các quy định khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực NƠXH, Nghị định số 100/2024/NĐ-CP cũng quy định chi tiết những điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH theo hướng nới lỏng hơn cho những người có nhu cầu chính đáng tiếp cận với NƠXH...

Những điểm mới trong nghị định đáp ứng với kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, nhất là đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN. Điều đó sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực NƠXH, nhất là đối với Hà Nam, một trong những địa phương có tốc độ thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp lớn nhất cả nước. Hy vọng, với những “điểm nghẽn” về cơ chế chính sách được tháo gỡ, cùng nhóm giải pháp trọng tâm, trọng điểm được triển khai đồng bộ, Hà Nam sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021 - 2030"; hiện thực hóa giấc mơ có nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.

Minh Thu

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/thao-go-diem-nghen-ve-nha-o-xa-hoi-131664.html