Tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự
Thông tư số 14/2022/TT-BTC ngày 28/02/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2017/TT-BTC và Thông tư số 04/2021/TT-BTC ngày 15/01/2021 của Bộ Tài chính đã sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Gửi kiến nghị tới Bộ Tài chính, cử tri tỉnh Hà Tĩnh đề nghị xem xét khấu trừ phí bảo hiểm xe cơ giới đường bộ cho các phương tiện vận tải hành khách trong thời gian dừng hoạt động do dịch COVID-19.
Giải đáp kiến nghị của cử tri, Bộ Tài chính cho biết, về phí bảo hiểm xe cơ giới, khoản 11 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, phí bảo hiểm là khoản tiền mà bên mua bảo hiểm phải đóng cho doanh nghiệp bảo hiểm theo thời hạn và phương thức do các bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Tại khoản 1 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, bảo hiểm bắt buộc là loại bảo hiểm do pháp luật quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu mà tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện... Một trong những loại bảo hiểm bắt buộc là bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Khoản 1 Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Điểm a khoản 4 và điểm d khoản 5 Điều 39 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, đối với các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài phải đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí với Bộ Tài chính trước khi triển khai. Bộ Tài chính có trách nhiệm công bố mức phí bảo hiểm thuần tương ứng với điều kiện và trách nhiệm bảo hiểm cơ bản làm căn cứ để xác định phí bảo hiểm.
Phí bảo hiểm phải được xây dựng dựa trên số liệu thống kê, bảo đảm khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài và phải tương ứng với điều kiện và trách nhiệm bảo hiểm.
Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15/01/2021 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới quy định, phí bảo hiểm là khoản tiền mà chủ xe cơ giới phải thanh toán cho doanh nghiệp bảo hiểm khi mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Theo Bộ Tài chính, căn cứ các quy định nêu trên, phí bảo hiểm xe cơ giới là khoản tiền bên mua bảo hiểm phải đóng cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm (không phải là khoản thu theo quy định của Luật Phí và lệ phí). Trong đó, đối với bảo hiểm xe cơ giới (trừ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới), mức phí bảo hiểm phải đáp ứng quy định tại điểm d khoản 5 Điều 39 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP và phù hợp với mức phí bảo hiểm thuần.
Đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, phí bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2021/TT-BTC ngày 15/01/2021 của Bộ Tài chính quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15/01/2021 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe.
Để hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm khắc phục hậu quả của dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng, ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2021/TT-BTC theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngày 28/02/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2017/TT-BTC ngày 15/5/2017 và Thông tư số 04/2021/TT-BTC ngày 15/01/2021 của Bộ Tài chính. Thông tư đã sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm.