Tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, hợp tác xã
Sau 5 năm thực hiện Nghị định 98/NĐ/2018 của Chính phủ, Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận đánh giá, một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, HTX, nông dân khi tiếp cận và thực hiện chính sách theo Nghị định 98 như cơ chế hỗ trợ sau đầu tư đòi hỏi chủ trì tham gia liên kết phải có đủ năng lực tài chính. Mức hỗ trợ cơ sở hạ tầng còn thấp (30%) nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, HTX có năng lực…
Chuỗi liên kết mang lại hiệu quả
Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (Nghị định 98), ông Phan Văn Tấn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, tính đến năm 2023, toàn tỉnh có 10 chuỗi liên kết được phê duyệt và triển khai tại 3 huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam. Trong đó có 9 chuỗi cấp huyện và 1 chuỗi cấp tỉnh. Tổng kinh phí các dự án, kế hoạch liên kết được cấp thẩm quyền phê duyệt là 51,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 29,4 tỷ đồng. Quy mô tại các dự án, kế hoạch liên kết được phê duyệt tính đến cuối năm 2022 theo các sản phẩm là 10 chuỗi liên kết, quy mô sản xuất 1.124 ha, 154 con bò với 803 hộ tham gia.
Đáng chú ý, hiện nay một trong số các điển hình theo Nghị định 98 trên địa bàn tỉnh là mô hình liên kết cung ứng vật tư dịch vụ đầu vào, chế biến gắn với tiêu thụ lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện Đức Linh - Tánh Linh với sản phẩm chính là lúa, gạo. Các bên tham gia liên kết gồm Chi nhánh Công ty TNHH SX & TM Đại Nhật Phát chủ trì liên kết với 5 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn. Quy mô liên kết 250 ha/357 hộ tham gia, kinh phí đầu tư trên 9,656 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ hơn 4,6 đồng, Chi nhánh Công ty TNHH SX&TM Đại Nhật Phát, hợp tác xã đối ứng khoảng 5 tỷ đồng. Ở mô hình này, chỉ tính năm 2022 thực hiện 100 ha/119 hộ tham gia chương trình, thu mua sản lượng lúa nguyên liệu cho nông dân 600 tấn. Ngoài ra, công ty còn thu mua lúa khô từ các hộ dân không tham gia liên kết khoảng 2.000 tấn/năm và khoảng 20.000 tấn lúa tươi từ các tỉnh khác… Đồng thời cung ứng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa một số tỉnh, thành. Dự kiến đến năm 2024 chuỗi liên kết này tiếp tục mở rộng thêm 150 ha, nâng tổng diện tích lên 250 ha, thu mua sản lượng từ các hộ tham gia liên kết từ 3.000 - 3.500 tấn… Với kết quả đạt được, có sự góp phần của việc tuyên truyền, vận động nông dân tham gia liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó là hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương cấp xã trong việc quán triệt đến các thành viên, hộ nông dân tham gia liên kết phải tuân thủ các điều kiện, quy định sản xuất hàng hóa, nông sản theo yêu cầu, kế hoạch của HTX, doanh nghiệp và đặc biệt là yêu cầu thị trường…
Cần tháo gỡ khó khăn để nhân rộng
Để khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia trong chuỗi liên kết, Nghị định 98 ra đời là một động lực rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng. Tuy vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận nhìn nhận, một số khó khăn, vướng mắc như kinh phí hỗ trợ liên kết còn hạn chế; việc xây dựng dự án, kế hoạch liên kết phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật, định mức, vật tư, do đó các đơn vị thực hiện còn lúng túng trong quá trình xây dựng dự án, kế hoạch liên kết…
Tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện Nghị định 98 (ảnh Đ. Hòa)
Mới đây, tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 98, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đã đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp các sở, ban ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản xuất nông nghiệp. Qua đó, để các chủ thể nâng cao nhận thức xây dựng dự án, kế hoạch liên kết. Ngành nông nghiệp cần chủ trì, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, hợp tác xã trong thực hiện Nghị định 98. Nhất là tập trung nguồn lực hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp, lồng ghép các chương trình của tỉnh, nguồn vốn ngân sách để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành chuỗi liên kết.
Song song, ngành nông nghiệp tỉnh cùng các địa phương cần có trách nhiệm xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng hiệu quả của đội ngũ chuyên môn lĩnh vực nông nghiệp… Riêng các địa phương cần phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét, rà lại việc triển khai thực hiện các chuỗi, đồng thời cần quan tâm hơn các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong thực hiện Nghị định 98. Ngoài ra, các hiệp hội trong tỉnh cần năng động hơn nữa, nhất là vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp, HTX và người dân. Song song, tăng cường thông tin về giá cả thị trường, khuyến cáo để nông dân chủ động sản xuất.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đề ra giải pháp về rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh…