Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia

Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia. Hàng chục lượt ý kiến đăng ký và phát biểu tại hội trường cho thấy phiên thảo luận rất sôi nổi, các đại biểu Quốc hội đã phát huy vai trò của mình trong 'hiến kế' để triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Kết quả thực hiện các Chương trình đã giúp các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi diện mạo, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An khởi sắc. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch chủ trì phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch chủ trì phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cần có cơ chế đặc thù vùng miền

Trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 được thực hiện ở 19 xã khu vực III, hai bản đặc biệt khó khăn xã khu vực 1.

Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Việc giám sát được thực hiện thường xuyên theo quy định. Các ban của HĐND huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã xây dựng kế hoạch giám sát năm 2023. Qua giám sát cho thấy, các đơn vị thực hiện tốt, có hiệu quả các nội dung của các Chương trình mục tiêu quốc gia. Thường trực HĐND xã, Mặt trận xã và cộng đồng dân cư cùng thực hiện giám sát. Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện để vừa giám sát, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị và các địa phương triển khai thực hiện, vừa chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra sai sót, thực hiện không đúng quy định hiện hành.

Thực tế, quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là nguồn vốn giao lớn nhưng hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn các nội dung thực hiện chưa có, như tiểu dự án 1, dự án 9 thuộc Nghị quyết 88/2019/QH14 (Nghị quyết 88) về hỗ trợ nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, hàng năm bố trí vốn lớn song đến nay chưa có quy định, hướng dẫn chi cụ thể.

Một số dự án vốn giao lớn nhưng định mức chi, nội dung chi chưa phù hợp với địa phương. Một số nội dung cần chi theo thực tế nhưng văn bản không quy định. Như: Tiểu dự án 1, dự án về hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, hàng năm bố trí vốn lớn (năm 2022 hơn 51 tỷ đồng, năm 2023 hơn 44 tỷ đồng) nhưng thiếu nội dung chi phù hợp với địa phương, dẫn đến "thừa tiền". Thông tư 12/2022/TT-BNNPTNT cho phép chi 6 nội dung, tuy nhiên tại Kỳ Sơn, rừng chưa giao cho nhân dân nên chỉ áp dụng được 3/6 nội dung, trong khi hiện nay huyện rất cần kinh phí để hỗ trợ giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp thì Thông tư không quy định. Thông tư 55/2023/TT-BTC quy định hỗ trợ phát triển sản xuất đối với nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, áp dụng hỗ trợ có thu hồi vốn đối với đồng bào Mông, Khơ Mú ở Kỳ Sơn, nội dung này rất khó thực hiện do dân trí thấp và hiện tại dân đi làm ăn xa nhiều, đặc biệt các điều kiện cần cho phát triển kinh tế rất khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu.

Bên cạnh đó, một số dự án được cấp vốn lớn song văn bản quy định về nội dung, định mức chi ban hành muộn, áp lực giải ngân cho huyện. Đến thời điểm hiện nay, huyện Kỳ Sơn chưa thể thực hiện được tiểu dự án 2 thuộc dự án 3, nguyên do các văn bản pháp lý từ Trung ương đến tỉnh hướng dẫn việc thực hiện nội dung này chưa rõ, còn chung chung nên rất khó trong triển khai thực hiện; chưa có cơ chế nào cho phép được trồng dược liệu quý dưới tán rừng phòng hộ, rừng đặc dụng... (theo Luật Lâm nghiệp 2017), trong khi đó phần lớn các loại dược liệu quý chủ yếu trồng và phát triển dưới tán rừng. Phần lớn diện tích rừng để phát triển dược liệu đều do nhà nước làm chủ sở hữu (thông qua Ban Quản lý rừng phòng hộ), trong khi dự án dược liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chưa giao đất, giao rừng cho hộ dân sẽ rất khó thực hiện đầu tư hỗ trợ nên chính sách này đang rất vướng mắc.

Các Chương trình mục tiêu quốc gia có nhiều nội dung toàn diện, liên quan nhiều lĩnh vực, hệ thống văn bản quy định hoàn toàn mới và chưa hoàn thiện, việc tiếp cận áp dụng văn bản tại các địa phương còn lúng túng. Là những năm đầu của giai đoạn triển khai các Chương trình, nguồn vốn bố trí muộn trong khi một số dự án, kế hoạch sau phân bổ còn triển khai các nội dung thẩm định, phê duyệt, đấu thầu... dẫn đến tiến độ triển khai chậm, tỷ lệ giải ngân trong năm đạt thấp.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan (luật, nghị định, thông tư….) phù hợp với tình hình miền núi; đồng thời có cơ chế đặc thù vùng miền để sớm triển khai thực hiện các dự án phù hợp với đặc điểm từng địa phương.

Trong đó, cần có cơ chế chính sách cho phép phát triển vùng dược liệu quý dưới tán rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng…) thông qua việc sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung liên quan có tác động trực tiếp của một số luật như: Luật Lâm nghiệp (2017), Luật Đất đai (2023). Bên cạnh đó, đối với hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, trước mắt cần làm thí điểm một số huyện để đánh giá, rút kinh nghiệm, sau đó phát triển ra toàn quốc và từ đó có cơ sở ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết để áp dụng thực hiện.

Ông Thò Bá Rê đề nghị Trung ương cho phép kéo dài thời gian thực hiện kế hoạch vốn năm 2023 sang thực hiện năm 2024 do nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân còn tồn đọng nhiều, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp chưa có các văn bản hướng dẫn.

Cùng với đó, cần có cơ chế bố trí nguồn vốn trong chương trình để thực hiện việc giao rừng gắn với giao đất cho cộng đồng dân cư, hộ dân sinh sống tại địa phương, khi đó việc triển khai các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thông qua đơn vị chủ trì liên kết mới thực hiện được.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu bổ sung nội dung chi “Hỗ trợ giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp” đối với các địa phương chưa giao đất, làm cơ sở thực hiện tiểu dự án 1, dự án 3 (Hỗ trợ phát triển lâm nghiệp); Ủy ban Dân tộc và Bộ Tài chính bổ sung thêm nội dung hỗ trợ đối với nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn làm cơ sở thực hiện tiểu dự án 1, dự án 9.

Ông Thò Bá Rê kiến nghị cấp trên cần có hướng dẫn cụ thể trong việc sử dụng nguồn vốn sự nghiệp vào mục đích hỗ trợ, đầu tư trực tiếp cho người dân. Cùng với đó, việc giao vốn sự nghiệp hằng năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cần giao tổng kinh phí từng dự án thành phần, không giao chi tiết đến lĩnh vực chi để các địa phương được chủ động phân bổ, phù hợp thực tế từng địa phương.

Sớm có hướng dẫn cụ thể triển khai thực hiện chính sách

Qua 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Quế Phong, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 4 - 5%/năm: Kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2022, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo là 4,65% (đạt chỉ tiêu của Chương trình). Các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đều đạt và vượt so với chỉ tiêu của Chương trình.

Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn khó khăn trong xác định đối tượng học nghề tại tiểu dự án 1, thuộc dự án 4 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn) theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đó là “người lao động có thu nhập thấp”, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để xác định đối tượng trên.

Cùng với đó, chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giữa các Chương trình chưa đồng bộ: Tại khoản 1 Điều 17 của Thông tư số 46/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài không được hỗ trợ chi phí đi lại từ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú đến địa điểm đào tạo. Trong khi đó, cùng chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, cùng đối tượng, cùng địa bàn thì theo khoản 1 Điều 25 Thông tư số 15/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: người lao động là dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ chi phí đi lại từ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú đến địa điểm đào tạo.

Ông Dương Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong nêu lên những tồn tại, hạn chế như: tiến độ thực hiện một số dự án, tiểu dự án còn chậm, tỷ lệ giải ngân còn thấp, kế hoạch vốn năm 2022 phải kéo dài nguồn vốn sang năm 2023 còn lớn; 5/6 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật được cấp kế hoạch vốn năm 2022, 2023 chưa được khởi công xây dựng. Một số chỉ tiêu thuộc Chương trình đạt kế hoạch đề ra hàng năm, tuy nhiên tính bền vững chưa cao như vẫn còn hộ tái nghèo hàng năm.

Khắc phục tình trạng trên, huyện Quế Phong đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo các cấp xây dựng kế hoạch rà soát, phân loại và tìm nguyên nhân thiếu hụt của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó có giải pháp cụ thể hỗ trợ từng hộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá Chương trình giảm nghèo; kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt và khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm nghèo, tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

Huyện tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, dự án hỗ trợ xã bãi ngang ven biển và các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ nghèo được tiếp cận và thụ hưởng từ những chương trình này. Huyện khuyến khích đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế nhằm thu hút và giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Để đẩy nhanh, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ông Dương Hoàng Vũ cũng đề nghị Trung ương sớm có hướng dẫn cụ thể triển khai thực hiện chính sách. Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cách xác định “Người lao động có thu nhập thấp” để triển khai thực hiện tiểu dự án 1, dự án 4 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Quyết định số 90/QĐ-TTg. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính xem xét, bổ sung quy định hỗ trợ chi phí đi lại từ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú đến địa điểm đào tạo cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại tiểu dự án 2 thuộc dự án 4 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Đối với các xã khu vực III, khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, ông Dương Hoàng Vũ cũng đề nghị Trung ương xem xét, có chính sách đặc thù để người dân tiếp tục hưởng thụ các chính sách hỗ trợ như khi xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới với thời gian từ 3 - 5 năm để tạo thêm động lực, người dân quyết tâm hơn trong công tác xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã khu vực biên giới, vì đây là các địa bàn còn rất nhiều khó khăn trong công tác xây dựng nông thôn mới.

Bích Huệ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/thao-go-kho-khan-vuong-mac-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-20231030202036789.htm