Tháo gỡ khó khăn cho Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tiền Giang
(ABO) Ngày 15-5, đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc với TAND hai cấp tỉnh Tiền Giang để tháo gỡ những khó khăn và vướng mắc.
Trong 6 tháng đầu, TAND hai cấp thụ lý 10.957 vụ việc các loại; đã giải quyết được 5.967 vụ việc, tỷ lệ giải quyết chung 54,46%. So với cùng kỳ năm 2023, thụ lý tăng 1.665 vụ việc, giải quyết tăng 1.542 vụ việc, tỷ lệ tăng 6,84%. TAND tỉnh Tiền Giang thụ lý theo trình tự sơ, phúc thẩm 1.088 vụ việc các loại; đã giải quyết được 675 vụ việc, đạt 62,04% (không có án quá thời hạn chuẩn bị xét xử). So với cùng kỳ năm 2023, số lượng thụ lý tăng 209 vụ, giải quyết tăng 199 vụ, tỷ lệ tăng 8,69%. TAND cấp huyện thụ lý 9.869 vụ, việc các loại, đã giải quyết được 5.292 vụ, việc, đạt tỷ lệ 53,62%. So với cùng kỳ năm 2023, thụ lý tăng 1.456 vụ, giải quyết tăng 1.343 vụ, tỷ lệ giải quyết tăng 6,68%.
Trong công tác thi hành án, TAND hai cấp tỉnh Tiền Giang thụ lý 1.060 bị án có bản án có hiệu lực pháp luật, đã ra quyết định thi hành án 1.060 bị án đủ điều kiện thi hành án phạt tù. Trong đó, cấp tỉnh số người phải ra quyết định là 95 bị án, đã ra quyết định thi hành án 95 bị án; cấp huyện số người phải ra quyết định là 965 bị án, đã ra quyết định thi hành án 965 bị án.
6 tháng đầu năm 2024, số vụ việc đã hòa giải, đối thoại thành 651/1.223 vụ việc, tỷ lệ 53,23%. Trong đó, cấp tỉnh 3/3 vụ việc, tỷ lệ 100%; cấp huyện 648/1.220 vụ việc, tỷ lệ 53,11%. TAND hai cấp tỉnh Tiền Giang đã tiến hành tổ chức 82 phiên tòa rút kinh nghiệm, bình quân 0,54 phiên tòa/thẩm phán; công bố 1.995/1.995 bản án, quyết định có hiệu lực trên Cổng thông tin điện tử đúng theo quy định về thời gian; tổ chức được 16 phiên tòa trực tuyến…
Thời gian qua, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật TAND hai cấp tỉnh Tiền Giang hiện chưa đáp ứng yêu cầu công việc, phòng xử án chưa đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết 33 ngày 12-11-2021 của Quốc hội về phiên tòa trực tuyến. Các đơn vị còn khó khăn trong việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án như: Bố trí, sắp xếp phòng hòa giải, đối thoại riêng, phòng làm việc của hòa giải viên…
Đặc biệt, trụ sở của TAND tỉnh Tiền Giang và một số TAND cấp huyện còn chật hẹp, chưa có các phòng chức năng để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Mặc dù được sự quan tâm hỗ trợ của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, tuy nhiên, việc bố trí quỹ đất để xây dựng trụ sở mới cho TAND tỉnh và TAND cấp huyện gặp nhiều khó khăn.
Trong công tác phối hợp đo đạc, định giá còn hạn chế về mặt thời gian, việc cung cấp chứng cứ, tài liệu của các cơ quan chuyên môn còn chậm nên cũng ảnh hưởng đến công tác xét xử của TAND hai cấp. Một số trụ sở TAND cấp huyện, như: TAND TP. Gò Công, TAND huyện Gò Công Đông xây dựng từ năm 1997, chỉ có 12 phòng làm việc, diện tích chật hẹp; TAND huyện Gò Công Tây, chỉ rộng hơn 1. 000 m2… không đáp ứng tốt trong công tác xét xử và nơi làm việc cho lãnh đạo, viên chức và người lao động. Tổng số biên chế TAND hai cấp tỉnh Tiền Giang hiện có vẫn còn thiếu sót với biên chế được phân bổ, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết các loại vụ việc của từng đơn vị.
Tại buổi làm việc, TAND hai cấp tỉnh Tiền Giang kiến nghị với TAND Tối cao tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng trụ sở của TAND tỉnh. Đồng thời, gặp gỡ cán bộ chủ chốt của TAND hai cấp để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết án hình sự; các khó khăn về biên chế, kinh phí, đầu tư xây dựng cơ bản, trang cấp thiết bị phục vụ công tác chuyên môn và các mặt hoạt động khác.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trí Tuệ ghi nhận những đóng góp, những khó khăn, vướng mắc của TAND hai cấp tỉnh Tiền Giang. Mong muốn lãnh đạo TAND hai cấp tỉnh cần phối hợp với chính quyền để tìm vị trí thích hợp xây dựng trụ sở phù hợp. Cần chú trọng hoàn thành chỉ tiêu về chuyên môn, quán triệt Nghị quyết 33 của Quốc hội về phiên tòa trực tuyến, phân bổ nhân sự phù hợp… Thực hiện nghiêm túc Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán; làm tốt công tác giám sát thẩm phán, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.