Tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp xuất khẩu

Dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (sửa đổi) mà Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo đang lấy ý kiến được các chuyên gia đánh giá là hướng tới sự phù hợp với các thông lệ, hiệp định quốc tế. Tuy nhiên, bà Đào Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Bộ phận Đối ngoại Công ty TNHH Canon Việt Nam chỉ ra rằng, nhiều quy định kiểm tra hàng hóa sản xuất và lưu thông trong nước vốn đã khắt khe hơn so với nhiều nước tiên tiến trên thế giới, nay còn bị siết chặt hơn trong dự thảo.

Dự thảo bổ sung các bước thủ tục như mã truy xuất nguồn gốc, nhãn điện tử vào quy trình sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước, trong khi thông lệ quốc tế chỉ khuyến khích áp dụng. Các yêu cầu này đặt ra thách thức cho doanh nghiệp trong việc phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ, chi phí đầu tư để thực hiện. Thêm vào đó, các doanh nghiệp lo ngại, việc kéo dài thời gian phê duyệt không chỉ làm chậm trễ quá trình đưa hàng hóa ra thị trường, mà còn tăng chi phí tuân thủ, khiến giá thành sản phẩm mất tính cạnh tranh. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, các quy định mới cần cân nhắc giữa yêu cầu quản lý chất lượng và gánh nặng hành chính đè lên doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH Canon Việt Nam chia sẻ.

Theo dự thảo, một số quy định bắt buộc đối với hàng xuất khẩu sẽ được áp dụng, trong khi trước đây ở Việt Nam chỉ mang tính tự nguyện. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về kiểm tra, giám định chất lượng sản phẩm thay vì chỉ kiểm soát nội bộ. Đáng chú ý, trong khi hiện nay hàng xuất khẩu chỉ cần tuân thủ tiêu chuẩn nước nhập khẩu, thì dự thảo lại yêu cầu áp dụng đồng thời quy chuẩn Việt Nam, kéo theo hàng loạt thủ tục phức tạp: từ công bố chất lượng (mất ít nhất 1 tháng), đánh giá sự phù hợp (tốn hàng tỷ đồng/năm cho 20 mẫu sản phẩm), đến thay đổi bao bì, nhãn mác (Canon ước tính chi phí tăng 6,3 tỷ đồng/năm). Đặc biệt, việc bắt buộc đăng ký mã số, mã vạch trong nước khiến doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ trễ hẹn đơn hàng do khó thu thập giấy tờ từ đối tác nước ngoài, như trường hợp Canon phải chi thêm 700 triệu đồng/năm cho thủ tục này. Những quy định cứng nhắc này không chỉ làm tăng chi phí và nhân lực mà còn khiến sản phẩm mất cơ hội xuất khẩu, trong khi phía khách hàng và chính phủ nước nhập khẩu không yêu cầu các tiêu chuẩn bổ sung từ Việt Nam. Doanh nghiệp kiến nghị cần có cơ chế linh hoạt, tránh chồng chéo để vừa đảm bảo chất lượng, vừa giữ vững lợi thế cạnh tranh.

Bà Huyền chia sẻ, quy trình sản xuất và xuất khẩu một kiện hàng thường mất từ 1-2 tháng để hoàn tất, nhưng theo dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sửa đổi, thời gian này có thể kéo dài từ 3-8 tháng. Sự chậm trễ này không chỉ khiến hàng hóa khó tiếp cận thị trường kịp thời, mà còn tạo ra nghịch lý: nhiều doanh nghiệp Việt không sợ cạnh tranh với đối thủ nước ngoài, mà lại lo ngại chính những công ty “anh em” trong cùng tập đoàn đa quốc gia. Lý do là khi cùng sản xuất một mặt hàng, các công ty tại Trung Quốc hay Thái Lan có thể xuất khẩu nhanh chóng nhờ thủ tục đơn giản, trong khi doanh nghiệp Việt Nam lại vướng vào mạng lưới hành chính phức tạp, dẫn đến nguy cơ mất đơn hàng. Đánh mất cơ hội cũng chính là đánh mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về một cơ chế thông thoáng hơn, cân bằng giữa kiểm soát chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội trên thị trường quốc tế.

Cùng với đó, bà Huyền đề xuất loại trừ đối tượng áp dụng đối với hàng xuất khẩu, sản phẩm và nguyên liệu sản xuất nhập khẩu chỉ dùng cho việc sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, hoặc phục vụ cho sản xuất nội bộ mà không tiêu thụ trên thị trường trong nước trong dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Cụ thể, sửa đổi và bổ sung Khoản 1, Điều 32 về điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hóa xuất khẩu như sau: “Người xuất khẩu hàng hóa chỉ cần đảm bảo hàng hóa phù hợp với quy định của nước nhập khẩu, hợp đồng hoặc các điều ước, thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với nước và vùng lãnh thổ liên quan. Hàng hóa đáp ứng các yêu cầu này sẽ được phép xuất khẩu mà không bị kiểm tra bởi cơ quan kiểm tra”; sửa đổi Điều 9 về quyền của người sản xuất hàng hóa lưu thông trong nước và Điều 10 về nghĩa vụ của họ. Thêm vào đó, Khoản 3 của Điều 35 được bổ sung với nội dung: “Sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân mà không tiêu thụ tại thị trường trong nước sẽ không bị kiểm tra bởi cơ quan kiểm tra”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, một số đề xuất trong dự thảo có thể dẫn đến tình trạng phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính và yêu cầu kiểm định, gây tốn kém cho doanh nghiệp mà không thực sự nâng cao chất lượng quản lý. “Chúng ta cần kiểm soát hàng hóa một cách chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, nhưng nếu quy định quá phức tạp, chi phí tuân thủ cao, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong sản xuất và kinh doanh. Điều quan trọng là phải cân bằng giữa mục tiêu quản lý và sự thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Trà Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thao-go-rao-can-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-162099.html