Đề xuất sửa quy định để máy bay do Trung Quốc sản xuất vào Việt Nam

Bộ Xây dựng sửa các quy định tạo điều kiện cho máy bay Trung Quốc sản xuất được nhập khẩu vào Việt Nam.

Để ‘mở đường’ cho máy bay Trung Quốc sản xuất nhập khẩu vào Việt Nam, Bộ Xây dựng đang tiến hành sửa Thông tư 01/2011 (Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực máy bay) và Nghị định 92/2016 của Chính phủ về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Theo đó, đối với Nghị định 92, Bộ Xây dựng đề xuất sửa theo hướng bổ sung thêm các chủng loại máy bay được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Cụ thể ở đây là máy bay Trung Quốc.

Sở dĩ có đề xuất như vậy, vì hiện nay trong nước chỉ cho phép nhập khẩu các máy bay được Cục Hàng không liên bang Mỹ, Cơ quan An toàn hàng không châu Âu, hoặc nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp chứng nhận loại máy bay.

Điều này có nghĩa máy bay Trung Quốc sản xuất không nằm vào diện được nhập khẩu vào Việt Nam, do chưa được các đơn vị nêu trên cấp “chứng nhận loại máy bay”.

 Chiếc C919 đầu tiên do Trung Quốc sản xuất đã được bàn giao cho hãng China Eastern Airlines vào tháng 12-2022. Ảnh: REUTERS

Chiếc C919 đầu tiên do Trung Quốc sản xuất đã được bàn giao cho hãng China Eastern Airlines vào tháng 12-2022. Ảnh: REUTERS

Thêm vào đó, Bộ Xây dựng cũng đề xuất bổ sung thêm các chủng loại máy bay được nhập khẩu vào Việt Nam khi được nhà chức trách hàng không Brazil, Canada, Nga, Anh cấp hoặc công nhận giấy chứng nhận loại máy bay.

Đối với thông tư 01, Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung thêm quy định thừa nhận chứng chỉ loại máy bay do Trung Quốc sản xuất.

“Việc này sẽ tạo điều kiện về mặt pháp lý cho máy bay Trung quốc tham gia vào thị trường khai thác của Việt Nam, tăng thêm sự lựa chọn cho các hãng hàng không Việt Nam trong việc đa dạng hóa nguồn máy bay”- Bộ Xây dựng cho hay.

Điểm đáng chú ý, Nghị định 92 được Bộ Xây dựng đề xuất xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn để có hiệu lực ngay khi ban hành. Đây là động thái giúp máy bay do Trung Quốc sản xuất có thể được nhập khẩu vào Việt Nam ngay trong năm nay.

Trước đó, từ ngày 15-1 đến 24-1, Cục Hàng không Việt Nam cử đoàn công tác làm việc trực tiếp với Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) và Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc tại Thượng Hải để tìm hiểu tổng quan về kỹ thuật, khai thác, bảo dưỡng và các tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo, thử nghiệm và quy trình cấp giấy chứng nhận loại máy bay ARJ21- 700 (C909)…

Trên cơ sở đó, Cục Hàng không đánh giá các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay của Trung Quốc chỉ có một số khác biệt nhỏ liên quan đến việc sử dụng tiếng Trung Quốc trong các nhãn mác trên máy bay.

Nhà chức trách hàng không nhận định việc đề xuất công nhận tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo của Trung Quốc sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động hàng không dân dụng trong nước trước bối cảnh thiếu hụt máy bay.

Tháng 12-2024, hãng hàng không Vietjet báo cáo Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) về kế hoạch thuê ướt (thuê cả máy bay, phi hành đoàn…) hai máy bay C909 của nhà sản xuất máy bay Comac để bay chặng Hà Nội đi TP.HCM và Côn Đảo dịp Tết Ất Tỵ 2025. Tuy nhiên, kế hoạch này không thể thực hiện.

Sau đó, Vietjet tiếp tục đề nghị Bộ và Cục hỗ trợ thủ tục phê chuẩn giấy chứng nhận loại máy bay (TC Type Certificate) cho C909 theo hoạch định phát triển lâu dài.

Ngày 5-1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có buổi tiếp ông Tan Wangeng, Phó chủ tịch Tập đoàn Comac. Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát, sửa đổi quy định hiện hành để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình đưa máy bay Trung Quốc sản xuất vào khai thác tại Việt Nam.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-sua-quy-dinh-de-may-bay-do-trung-quoc-san-xuat-vao-viet-nam-post842341.html