Tháo gỡ tình trạng thiếu sách giáo khoa cục bộ
Học sinh vào học chính thức gần 3 tuần, nhưng tình trạng thiếu sách giáo khoa cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều trường tại Hà Nội.
Chị Nguyễn Thị Hải, phụ huynh học sinh ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, chưa năm nào tìm mua sách lại khó như năm nay. Do con thường xuyên mất sách nên chị phải tìm mua ở ngoài. Tuy nhiên năm nay lại rất khó mua. Cụ thể là các bộ sách theo chương trình mới lớp 3, nhiều cuốn không thể mua được tại hiệu sách. Cùng với đó, sách lớp 4 theo chương trình cũ không dễ mua bởi nhiều nhà sách không còn nhập về bán.
Trong khi đó, các phụ huynh học sinh lớp 10 cũng vẫn phải chật vật tìm mua SGK cho con, nhất là sách chuyên đề. Chị Nguyễn Thị Cúc, ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, nhà trường hỗ trợ mua rất tích cực nhưng hiện nay vẫn còn thiếu một vài đầu sách theo chuyên đề lựa chọn của học sinh.
Cô Nguyễn Phương Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT Khương Hạ (Thanh Xuân) cho hay, phần lớn học sinh có đủ sách giáo khoa, chuyên đề. Tuy nhiên, 2 bộ sách còn thiếu là bài tập Hóa học và bài tập Vật lý.
Giữa tháng 7, trường lựa chọn sách và ngày 10/8 đặt 270 bộ sách từ các nhà xuất bản. Trước ngày khai giảng đã nhận được sách và giao cho học sinh nhưng vẫn còn thiếu 2 quyển. Để thuận tiện cho việc học, nhà trường và giáo viên chủ động photo sách, in phiếu giao bài cho học sinh.
Tại Trường THPT Minh Hà (Thạch Thất), ngày 20/9 vẫn chưa nhận được một số bộ sách và đang nỗ lực để học sinh có đủ sách trong thời gian sớm nhất. Trong thời gian đợi sách, nhà trường cho học sinh sử dụng giải pháp tình thế học SGK điện tử.
Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Khương, học sách điện tử cũng có đôi chút bất tiện nhưng các thầy cô đều nỗ lực tối đa. Hơn nữa trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa là tài liệu tham khảo, không có sách, các hoạt động giáo dục vẫn diễn ra bình thường.
Cô Nguyễn Thị Vân, giáo viên Trường THPT Minh Hà cho biết: Trước tiết học, giáo viên sẽ gửi file bài học để học sinh in ra và mang đến lớp học. Lúc đầu, các em còn bỡ ngỡ với phương thức này nhưng qua vài ngày triển khai, giải pháp này bước đầu có hiệu quả.
Theo đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, năm học 2022 - 2023 việc thiếu SGK xảy ra ở một số địa phương do nhà trường đăng ký bổ sung hoặc do thay đổi lựa chọn từ bộ sách này sang bộ sách khác. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang nỗ lực giải quyết, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của học sinh, phụ huynh và các nhà trường.
Về việc sử dụng sách điện tử, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đề xuất các trường học nên duy trì mỗi tuần cố định vài buổi học trực tuyến để giáo viên và học sinh quen dần với sách điện tử, tránh bị phụ thuộc nhiều vào sách in. Cùng với đó cần tuyên truyền, hướng dẫn, thông tin mạnh mẽ hơn để phổ biến SGK điện tử, tạo điều kiện cho phụ huynh và học sinh tiếp cận một cách dễ dàng.