Tháo gỡ vướng mắc pháp lý trong liên doanh trồng rừng ở Quảng Trị
Hơn 1.000 ha liên doanh, liên kết trồng rừng sản xuất giữa các Ban Quản lý rừng phòng hộ ở Quảng Trị và doanh nghiệp không đúng với quy định của pháp luật. Do đó, hiện nay, cây rừng đến chu kỳ khai thác nhưng vướng thủ tục pháp lý, không thực hiện được.
Thực hiện các quyết định của UBND tỉnh Quảng Trị về việc phê duyệt phương án rà soát chuyển đổi đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh (Phương án 3359), các Ban Quản lý rừng phòng hộ đã xây dựng phương án chi tiết trình UBND tỉnh phê duyệt, tổng diện tích chuyển đổi là 6.140 ha. Theo đó, diện tích đất bàn giao về địa phương hơn 3.100 ha, diện tích được Ban Quản lý rừng phòng hộ giữ lại để sản xuất kinh doanh nhằm thực hiện lộ trình tự chủ của các đơn vị là hơn 3.000 ha. Diện tích này được các Ban Quản lý rừng phòng hộ thực hiện liên doanh, liên kết để trồng rừng sản xuất nhằm huy động nguồn vốn từ tổ chức, cá nhân có đủ năng lực.
Cụ thể, từ năm 2016 - 2018, Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải đã ký hợp đồng kinh tế liên doanh với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trồng được 604,6 ha rừng sản xuất. Tương tự, năm 2020, Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn ký hợp đồng liên doanh với doanh nghiệp, cá nhân trồng được hơn 400 ha rừng sản xuất. Tại các hợp đồng liên doanh trồng rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ góp đất, doanh nghiệp đầu tư chi phí trồng rừng; thời gian thực hiện từ 21 - 30 năm. Hai bên thống nhất, sau khi trừ chi phí đầu tư, Ban Quản lý rừng phòng hộ hưởng 30% lợi nhuận, doanh nghiệp hưởng 70% lợi nhuận.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải cho biết, việc sử dụng đất vào mục đích liên doanh, liên kết thực hiện theo đúng Công văn số 1186/BNN-LN ngày 5/5/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “Hướng dẫn việc liên doanh, liên kết trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến sản phẩm gỗ” nhằm huy động nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, việc liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để trồng rừng mang lại hiệu quả rất lớn, tăng độ che phủ của rừng (từ 67% năm 2007 lên 91% năm 2022), chống xói mòn, bảo vệ và điều tiết nguồn nước, điều hòa khí hậu, đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đơn vị được sử dụng quyền sử dụng đất để góp vốn liên doanh, liên kết phải chuyển từ Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất có thu tiền sử dụng đất và đơn vị phải tự chủ về chi tiêu tài chính. Trong khi đó, hiện nay, các Ban Quản lý rừng phòng hộ tại Quảng Trị chưa được phê duyệt phương án tự chủ và diện tích đất góp vốn liên doanh chưa chuyển đổi từ Nhà nước giao đất sang thuê đất. Do đó, cơ quan thuế không có cơ sở để xác định tiền thuê đất, xác định thời gian sử dụng và tỷ lệ diện tích sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết. Thế nên, diện tích hơn 1.000 ha rừng trồng từ các hợp đồng liên doanh trồng rừng trái quy định này không thể khai thác.
"Hiện, diện tích rừng liên doanh, liên kết đã đến chu kỳ khai thác nhưng do trái với Nghị định 151/2017/NĐ-CP nên rừng không thể khai thác. Cây rừng đã đến chu kỳ nhưng chậm khai thác ảnh hưởng đến việc thu hồi vốn đầu tư, đặc biệt là nguy cơ cháy rừng và ảnh hưởng của thiên tai. Mới đây, ngày 17/5, một vụ cháy đã xảy ra làm thiệt hại hơn 6 ha rừng liên doanh, liên kết", ông Nguyễn Ngọc Hùng cho biết thêm.
Theo ông Thái Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn, hiện nay, Nhà nước không đủ nguồn lực để trồng rừng hết diện tích đất trống. Do đó, việc liên doanh, liên kết với doanh nghiệp là cần thiết, bởi nó mang lại hiệu quả về môi trường - kinh tế, đồng thời tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.
Về việc ký kết các hợp đồng liên doanh trồng rừng trái quy định pháp luật, ông Thái Văn Sơn thừa nhận, Ban Quản lý rừng phòng hộ có sai sót khi chỉ căn cứ vào Quyết định phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững 2019-2029 của UBND tỉnh và Phê duyệt Hồ sơ thiết kế công trình trồng rừng sản xuất năm 2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà không nắm rõ các quy định tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải lý giải tương tự về việc này: Do không có nguồn lực đầu tư trồng rừng và vướng mắc về pháp lý trong liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, hiện nay, hàng ngàn ha đất sản xuất ở Quảng Trị thuộc các Ban Quản lý rừng phòng hộ, khu bảo tồn quản lý đang bị bỏ hoang, gây lãng phí và phát sinh nhiều hệ lụy. Việc các Ban Quản lý rừng phòng hộ liên doanh, liên kết trồng rừng sản xuất mang lại hiệu quả cao, thúc đẩy phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững. Vấn đề còn lại là tháo gỡ một số vướng mắc về cơ chế, pháp lý để các Ban Quản lý rừng phòng hộ (đơn vị sự nghiệp công lập) có thể thực hiện liên doanh, liên kết trồng rừng sản xuất thuận lợi, hiệu quả.
Tại buổi làm việc ngày 16/5 với UBND tỉnh Quảng Trị về giám sát công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2022, ông Lê Quang Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc liên doanh, liên kết trên diện tích các Ban Quản lý rừng phòng hộ giữ lại để thực hiện lộ trình tự chủ là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật. Ông Lê Quang Chiến đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra hồ sơ thủ tục về diện tích rừng liên doanh, liên kết đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, các Ban Quản lý rừng phòng hộ liên doanh, liên kết trồng rừng sản xuất phù hợp tình hình thực tế của địa phương, mang lại hiệu quả tích cực trong quản lý, bảo vệ phát triển rừng nhưng lại trái với quy định của pháp luật, vượt thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh. Ông Hà Sỹ Đồng yêu cầu, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh làm tờ trình gửi Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc này.