Tháo gỡ vướng mắc thực tiễn khi thi hành pháp luật về hộ tịch
Sau 6 năm thi hành, Luật Hộ tịch đã tạo cơ sở pháp lý ổn định cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở nước ta, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch theo quy định. Tuy nhiên, thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề mà Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa giải quyết được.
Thiếu nguồn lực thực hiện
Một trong những điểm mới cơ bản của Luật Hộ tịch là phân cấp mạnh cho chính quyền cơ sở, nhất là các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình đăng ký các sự kiện hộ tịch. Tuy nhiên, việc phân cấp nhiệm vụ nhưng không bổ sung nguồn nhân lực, kinh phí… dẫn đến các cơ quan đăng ký hộ tịch gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện nhiệm vụ. Việc sử dụng một lúc nhiều phần mềm, sổ (phần mềm một cửa điện tử, phần mềm hộ tịch điện tử, phần mềm chứng thực, phần mềm hồ sơ công việc, ghi chép sổ hộ tịch giấy…) làm mất nhiều thời gian của công chức tư pháp-hộ tịch.
Việc quy định người dân được lựa chọn nơi đăng ký hộ tịch một mặt tạo thuận lợi cho người dân nhưng đồng thời cũng tạo ra áp lực không nhỏ đối với công chức làm công tác hộ tịch. Theo đó, khối lượng và độ phức tạp của công việc tăng lên, nhất là những địa phương hiện nay đang trong quá trình thực hiện số hóa sổ hộ tịch, công việc chuyên môn nhiều, sổ, giấy tờ hộ tịch bị mất, hư hỏng, sai hoặc thiếu thông tin… Trong khi đó, đội ngũ công chức tư pháp-hộ tịch không ổn định, thường xuyên thay đổi nên cần thời gian nghiên cứu văn bản để xử lý công việc.
Mặc dù Luật Hộ tịch đã nhanh chóng được triển khai, áp dụng đồng bộ, thống nhất và đạt được những kết quả tích cực nhưng thực tiễn cho thấy các việc hộ tịch luôn phát sinh hết sức đa dạng, phức tạp, nhiều trường hợp tuy là các sự kiện hộ tịch thường xuyên xảy ra như việc sinh, việc tử, thay đổi họ, tên… nhưng lại có nhiều tình tiết phức tạp, nhạy cảm mà Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành chưa dự liệu được.
Cụ thể, theo khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch quy định: “Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh”. Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Họ của các nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán”. Tuy nhiên, Điều 26 Luật Hộ tịch chỉ quy định về thay đổi họ, chữ đệm, tên của cá nhân trong nội dung đăng ký khai sinh mà không có quy định thay đổi quê quán.
Pháp luật hộ tịch không quy định trường hợp cải chính hộ tịch cho người chết, tuy nhiên, do liên quan đến các quan hệ dân sự, nhất là quyền thừa kế nên một số địa phương có tiếp nhận các yêu cầu cải chính thông tin hộ tịch cho người chết. Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp thì Sở Tư pháp địa phương có chỉ đạo cơ quan đăng ký hộ tịch yêu cầu đương sự (người thân thích của người chết) cung cấp toàn bộ hồ sơ, giấy tờ cần thiết có liên quan; chủ động xác minh, nếu có đủ cơ sở thì báo cáo Sở Tư pháp cho ý kiến giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể nhưng do không có cơ sở pháp lý nên một số cơ quan đăng ký hộ tịch đã từ chối giải quyết.
Vướng mắc khi giải quyết việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài
Việc đăng ký kết hôn, ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được thực hiện tại nước ngoài nhưng sau đó công dân Việt Nam không thực hiện thủ tục ghi chú tại Việt Nam, gây khó khăn cho công tác đăng ký và quản lý các việc hộ tịch có liên quan như: đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài về nước cư trú, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân…
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư số 04/2020/TT-BTP về việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài, có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam hoặc cha mẹ đều là công dân Việt Nam, chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài, về cư trú tại Việt Nam thì phải nộp các giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp và cư trú tại Việt Nam và văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc trẻ em đang cư trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ em sinh ra tại một số nước láng giềng, khi cha mẹ đưa con về cư trú Việt Nam lại không thực hiện các nguyên tắc, thủ tục theo quy định về xuất nhập cảnh nên không có giấy tờ chứng minh trẻ em đã nhập cảnh vào Việt Nam.
Từ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền cần kịp thời hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung những vướng mắc bất cập trong Luật Hộ tịch và các văn bản có hướng dẫn thi hành bằng hình thức phù hợp. Cùng với đó tiếp tục kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch ở 3 cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã. Tăng cường đào tạo, tập huấn nghiệp vụ hộ tịch, nhất là kỹ năng giải quyết công việc, xử lý các tình huống hộ tịch và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch cho đội ngũ làm công tác hộ tịch các cấp.