Tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công: Bài 2 - Vì sao chậm giải ngân?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC). Vì thế, cần xác định rõ nguyên nhân, tháo gỡ từng vướng mắc và triển khai đồng bộ giải pháp để thúc tiến độ, đảm bảo thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC). Vì thế, cần xác định rõ nguyên nhân, tháo gỡ từng vướng mắc và triển khai đồng bộ giải pháp để thúc tiến độ, đảm bảo thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án.

Đến ngày 31/5/2024, dự án đường liên kết giữa thị trấn Đà Bắc đi huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã giải ngân đạt 34% kế hoạch vốn giao năm 2024.

Đến ngày 31/5/2024, dự án đường liên kết giữa thị trấn Đà Bắc đi huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã giải ngân đạt 34% kế hoạch vốn giao năm 2024.

Xác định nguyên nhân của từng dự án

Ngày 13/6, đoàn công tác của UBND tỉnh và tổ công tác thúc đẩy giải ngân VĐTC tỉnh đã thị sát địa bàn và làm việc với huyện Cao Phong về tình hình thực hiện các dự án đầu tư công (ĐTC) đang triển khai tại huyện. Trọng tâm là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải ngân các dự án: đường Hợp Phong (xã Hợp Phong); hệ thống mương thoát nước Khu 3 và đường QH 53 (thị trấn Cao Phong); đường khu dân cư mới QH13, QH13B, QH13C (thị trấn Cao Phong, xã Bắc Phong); đường Bắc Phong - Thung Nai (giai đoạn 2) và dự án Xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn dốc Cun (Km78+420 - Km85+100) trên quốc lộ 6.

Theo UBND huyện Cao Phong, các dự án trên được triển khai với nỗ lực đảm bảo tiến độ, bám sát kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đều gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng (GPMB). Ví dụ như dự án đường Hợp Phong bàn giao khoảng 5,2ha/6,4ha (đạt gần 82% mặt bằng), còn lại 1,15 ha thuộc phạm vi 12 hộ sử dụng. Dự án đường khu dân cư mới QH13, QH13B, QH13C có tổng diện tích bị ảnh hưởng 13,43 ha, đến nay mới GPMB đạt 23,21% và có nhiều vướng mắc trong giải phóng diện tích còn lại. Phức tạp nhất là GPMB dự án Xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn dốc Cun, km78+420 - km85+100. Theo báo cáo của chủ đầu tư, trong 136 hộ bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án, mới có 76 hộ đồng ý cho triển khai thi công. UBND huyện đã nhiều lần họp bàn để xác định nguyên nhân và đôn đốc triển khai các biện pháp tháo gỡ vướng mắc, sau đó giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Quản lý (BQL) Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện phối hợp UBND xã Thu Phong và các đơn vị liên quan.

Đồng chí Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Qua thực tế triển khai, UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh tăng một số đơn giá bồi thường cho phù hợp thực tế và điều chỉnh giá chênh lệch giữa một số mục để dễ áp dụng. Đồng thời, có đề xuất giải pháp đối với các dự án chuyển tiếp; các dự án chưa lập, niêm yết, tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân, chưa phê duyệt phương án hỗ trợ và tái định cư... nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB thời gian tới.

Trên phạm vi toàn tỉnh, GPMB là "nút thắt” khiến nhiều dự án ĐTC chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Trong quá trình triển khai, không ít dự án giao thông trọng điểm tại các huyện: Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc, TP Hòa Bình… gặp khó khăn khâu GPMB. Điển hình như dự án Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu); dự án Đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1); dự án Đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối với quốc lộ 6… Xác định GPMB là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách để hoàn thành chỉ tiêu giải ngân VĐTC, UBND tỉnh đã ban hành công văn tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GPMB để giải ngân VĐTC, đặt biệt là các dự án giao thông trọng điểm. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Trưởng Ban chỉ đạo công tác GPMB các dự án đầu tư cấp huyện tích cực lãnh đạo, đôn đốc thực hiện việc kiểm tra, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại địa phương. Quá trình thực hiện cần xác định rõ nguyên nhân của từng dự án, thực hiện "nguyên nhân nào, giải pháp đó” để triển khai phương án tháo gỡ phù hợp.

Thực hiện "nguyên nhân nào, giải pháp đó”

Ban quản lý (BQL) Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư 11 dự án và làm tư vấn quản lý 2 dự án ĐTC. Đây là các dự án có khối lượng thực hiện lớn, điều kiện thi công khó khăn, quá trình triển khai đã phát sinh những vướng mắc cần tháo gỡ.

Đơn cử như dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 436 (đoạn Km0+00 - Km7+00). vì chưa có vật liệu đất đắp nên chưa thể triển khai các hạng mục của công trình, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Đại diện BQL cho biết: Để tháo gỡ khó khăn liên quan đến nguồn vật liệu đất đắp, BQL đã đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm phối hợp, tạo điều kiện triển khai các nội dung liên quan công tác khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường để có vật liệu đất đắp cho công trình, đáp ứng tiến độ dự án. Ngoài ra, quá trình thực hiện còn vấp phải những khó khăn khách quan, ví dụ như kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của huyện Tân Lạc chưa được phê duyệt nên chưa triển khai thực hiện việc thông báo thu hồi đất, kiểm đếm, GPMB; việc chậm xây dựng khu tái định cư ảnh hưởng đến công tác GPMB khu vực ngã ba đầu tuyến; việc triển khai các nội dung liên quan đến di dời công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ GPMB cũng còn khó khăn... Trên cơ sở xác định rõ nguyên nhân để đề xuất giải pháp thực thi phù hợp, BQL đã có những kiến nghị cụ thể gửi các cấp có thẩm quyền và địa phương, đơn vị liên quan phối hợp triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2024.

Trong bối cảnh có nhiều vướng mắc dẫn tới tỷ lệ giải ngân VĐTC đạt thấp, các chủ đầu tư đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn bằng cách xác định rõ nguyên nhân của từng khó khăn, vướng mắc để thực hiện các giải pháp phù hợp từng thời điểm, dự án. Quá trình triển khai, thực hiện phân công công việc rõ ràng, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ và chất lượng công việc để kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chịu trách nhiệm.

Còn tại cấp tỉnh, công tác quản lý và sử dụng VĐTC đã được hệ thống chính trị tỉnh sát sao chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện. Trong bối cảnh tiến độ giải ngân VĐTC chậm hơn dự kiến, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp phụ trách từng nhóm dự án cụ thể để kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án ĐTC. Với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ, tỉnh đã xác định các nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân VĐTC đạt thấp, gồm: nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH được giao muộn; nhiều dự án trọng điểm, có nguồn vốn lớn đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư nên chưa có khối lượng để giải ngân; một số dự án ODA mất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư; một số dự án chậm hoàn thành GPMB vì vướng mắc trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lúa...

"Nhìn chung, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân VĐTC...” - đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác thúc đẩy giải ngân VĐTC tỉnh nhấn mạnh. Vấn đề là cần xác định rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan, hạn chế, yếu kém để từ đó khắc phục khó khăn, tháo gỡ từng vướng mắc và triển khai đồng bộ các giải pháp thúc tiến độ giải ngân, đảm bảo thực hiện hiệu quả các dự án. Quá trình chỉ đạo tổ chức triển khai các dự án ĐTC, UBND tỉnh luôn sát sao đôn đốc từ khâu chuẩn bị đầu tư đến công tác GPMB và triển khai dự án. Đến thời điểm này, tiến độ giải ngân vẫn chậm so với yêu cầu, kế hoạch đề ra. Nguyên nhân đã được xác định. Giải pháp đã được chỉ đạo đồng bộ đến các cấp, sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư. UBND tỉnh giao thời hạn đến ngày 30/6/2024, chủ đầu tư nào còn để tỷ lệ giải ngân 0% thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Từ nay đến cuối năm 2024, UBND tỉnh kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm, khắc phục triệt để nguyên nhân chủ quan làm chậm tiến độ giải ngân VĐTC.

(Còn nữa)

Thu Trang

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/190591/thao-go-vuong-mac-tr111ng-giai-ngan-von-dau-tu-cong-bai-2-vi-sao-cham-giai-ngan.htm