Thảo luận dự thảo chương trình hành động tại đại hội: Chuẩn bị kỹ để tránh hình thức

Để việc thảo luận dự thảo chương trình hành động tại đại hội không hình thức, theo nhiều cán bộ cấp huyện, điều quan trọng là phải chuẩn bị kỹ lưỡng.

Sớm có chương trình hành động sẽ giúp ban chấp hành khóa mới triển khai ngay nghị quyết đại hội. Trong ảnh: Đại hội Đảng bộ Chính quyền huyện Cẩm Giàng bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025

Sớm có chương trình hành động sẽ giúp ban chấp hành khóa mới triển khai ngay nghị quyết đại hội. Trong ảnh: Đại hội Đảng bộ Chính quyền huyện Cẩm Giàng bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025

Trong hướng dẫn mới đây về xây dựng dự thảo chương trình hành động (CTHĐ) trình Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở và cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở và cấp trên cơ sở dành thời gian thỏa đáng để thảo luận về nội dung này.

Do đây là chủ trương mới nên bước đầu thực hiện còn những khó khăn và có nhiều ý kiến khác nhau.

Phát huy trí tuệ tập thể, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống

Các nhiệm kỳ trước, dự thảo CTHĐ thực hiện nghị quyết đại hội thường do cấp ủy khóa mới xây dựng. Vì thế, có một độ trễ nhất định trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống. Có nơi Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra trong tháng 8.2015, nhưng phải đến ngày 1.4.2016, huyện mới thông qua toàn bộ CTHĐ và các đề án. Việc xây dựng và đưa dự thảo CTHĐ vào thảo luận tại đại hội lần này được kỳ vọng sẽ khắc phục hạn chế nêu trên.

Đồng chí Đoàn Đình Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Cẩm Giàng cho rằng đây là việc làm hết sức cần thiết. "Thực hiện chủ trương này, tới đây, cấp ủy khóa mới sẽ phải xây dựng và thực hiện ngay các đề án", đồng chí Tuyến nói.

Theo đồng chí Nguyễn Khắc Toản, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Gia Lộc thì xây dựng và đưa dự thảo CTHĐ thảo luận tại đại hội còn là "việc làm cụ thể, thiết thực phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ và đổi mới".

Đồng chí Toản dẫn chứng, qua đại hội điểm cấp cơ sở tại Đảng bộ xã Gia Lương (Gia Lộc) có thể thấy đảng viên đã thể hiện rõ sự quan tâm của mình với những vấn đề cụ thể, thiết thực trong dự thảo CTHĐ được trình tại đại hội như nguồn lực của địa phương liệu có đáp ứng được việc xây dựng các công trình trọng điểm trong nhiệm kỳ mới hay không?

"CTHĐ là cụ thể hóa nghị quyết đại hội về các nội dung, các mặt công tác, lộ trình thời gian, phương pháp, cách làm… nên việc thảo luận sẽ trọng tâm, trọng điểm hơn. Đảng viên có thể tham gia ý kiến sâu kỹ hơn về tính khả thi của từng công việc.

CTHĐ thường ngắn gọn, cụ thể hơn so với toàn văn báo cáo chính trị, nhưng cũng không quá khái quát như nội dung nghị quyết đại hội nên việc tuyên truyền, thảo luận, lấy ý kiến tham gia đóng góp dễ dàng và hiệu quả hơn", đồng chí Toản nêu ý kiến.

Cần thời gian chuẩn bị

Do hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành ngày 6.3, trong khi hầu hết các đại hội điểm cấp cơ sở diễn ra trong nửa cuối tháng 3 nên nhiều cấp ủy cơ sở phải gấp rút xây dựng dự thảo CTHĐ để đưa nội dung này vào thảo luận tại đại hội.

Đồng chí Trịnh Xuân Hải, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Việt (Thanh Hà) cho biết chuẩn bị trong thời gian ngắn nên một số nội dung được cấp ủy khóa cũ đưa ra vẫn phải tiếp tục điều chỉnh, bổ sung.

Cũng theo đồng chí Hải, vì đây là chủ trương mới nên nếu có hướng dẫn và chỉ đạo từ sớm thì các đảng bộ cơ sở tổ chức đại hội điểm sẽ làm tốt hơn. Nếu đảng viên có thể được tiếp cận nội dung này sớm, cùng thời gian với dự thảo báo cáo chính trị thì việc tham gia góp ý cũng chất lượng hơn.

Có ý kiến cho rằng việc phải xây dựng thêm dự thảo CTHĐ thực hiện nghị quyết đại hội sẽ tăng thêm khối lượng công việc cho cấp ủy khóa cũ trong chuẩn bị đại hội, tăng số văn kiện nói riêng và nội dung chương trình đại hội nói chung.

Chưa kể, mục tiêu, phương hướng, giải pháp và các chỉ tiêu cụ thể cho nhiệm kỳ mới vẫn còn là vấn đề cần thảo luận tại đại hội, có chỉ tiêu phải điều chỉnh, có nội dung có thể không được đại hội thông qua nên việc xây dựng dự thảo CTHĐ trước đại hội sẽ có nhiều bất cập.

Việc bố trí thời gian trình bày dự thảo CTHĐ, thời gian thảo luận, phương pháp thảo luận thế nào cho thỏa đáng cũng là vấn đề đáng quan tâm. Qua các Đại hội điểm Đảng bộ cấp cơ sở cho thấy, mỗi đại hội thường bố trí từ 7-8 ý kiến tham luận về nhiều vấn đề khác nhau, từ công tác xây dựng Đảng đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng...

Các đại hội cấp cơ sở chủ yếu thảo luận tại hội trường nên chỉ có thể bố trí từ 1-2 ý kiến thảo luận về dự thảo CTHĐ. Có đại hội, nội dung thảo luận về dự thảo CTHĐ được lồng ghép trong các ý kiến thảo luận về báo cáo chính trị nên không thể hiện rõ nét quan điểm đối với CTHĐ.

Để việc thảo luận dự thảo CTHĐ tại đại hội không hình thức, theo nhiều cán bộ cấp huyện, điều quan trọng là phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Dự thảo phải ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng và có tính khả thi cao.

Theo Bí thư Huyện ủy Gia Lộc Nguyễn Khắc Toản, cần tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên nói chung và các đại biểu dự đại hội nói riêng tiếp cận sớm, đầy đủ với dự thảo CTHĐ. Bố trí trình bày toàn văn dự thảo CTHĐ ở thời điểm hợp lý tại đại hội, tạo điều kiện cho các đại biểu theo dõi và thảo luận.

Đối với cấp trên cơ sở, nên kết hợp thảo luận báo cáo chính trị (phần phương hướng) với thảo luận dự thảo CTHĐ; thảo luận theo từng nhóm vấn đề ở cả hội trường và ở tổ, trong đó nên ưu tiên thảo luận theo tổ. Nếu thời gian cho phần thảo luận tại đại hội từ 1-1,5 ngày thì thời gian thảo luận về dự thảo CTHĐ nên từ 1/3 đến 1/2 ngày...

HOÀI ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/thao-luan-du-thao-chuong-trinh-hanh-dong-tai-dai-hoi-chuan-bi-ky-de-tranh-hinh-thuc-132249