Thảo luận Luật Công nghiệp công nghệ số

Sáng 30/11/2024: Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành luật. Đây là bước quan trọng góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công nghiệp công nghệ số. Qua đó, khuyến khích đổi mới sáng tạo; tạo động lực mới cho sự phát triển; mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội; góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát với các luật liên quan (Luật Công nghệ thông tin, Luật Khoa học công nghệ, Luật Giao dịch điện tử…). Cần hết sức quan tâm rà soát mối quan hệ giữa dự án Luật Công nghiệp công nghệ số và Luật Công nghệ thông tin. Nghiên cứu bổ sung quy định còn hiệu lực của Luật Công nghệ thông tin để mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, cân nhắc việc tiến tới thay thế toàn bộ Luật Công nghệ thông tin bằng Luật Công nghiệp công nghệ số, để phù hợp xu thế phát triển trong tình hình mới.

Về chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số (Điều 5), thực tế cho thấy, doanh nghiệp công nghệ số chủ yếu vừa và nhỏ, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ mới. Bên cạnh các chính sách ưu đãi, cần xác định rõ ràng hơn về đối tượng áp dụng; cơ chế khuyến khích, ưu đãi có tính vượt trội, trọng tâm, trọng điểm,vừa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đảm bảo tính khả thi, vừa thực sự góp phần tạo sự đột phá so với công nghệ thông tin. Cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về xử lý, thu hồi sản phẩm bị đào thải trong công nghiệp công nghệ số, buộc doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm quy định về môi trường; sử dụng năng lượng xanh, sạch, bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên.

Điều 56 dự thảo luật dừng lại ở việc quy định chung về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp, các sản phẩm thông thường. Việt Nam là quốc gia tiên phong trong việc xem xét, ban hành một đạo luật để điều chỉnh lĩnh vực công nghiệp công nghệ số. Chính vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung thêm quy định cụ thể hơn, trên cơ sở tăng cường kiểm soát; dự lượng nguy cơ rủi ro. Đột phá càng lớn thì nguy cơ, rủi ro có thể sẽ càng cao, đòi hỏi cơ chế bảo vệ càng phải được chú trọng hơn với những biện pháp đặc thù hơn. Qua đó, bảo vệ tốt hơn an toàn sức khỏe, tính mạng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng trong quá trình thử nghiệm và sau khi kết thúc thử nghiệm.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/thao-luan-luat-cong-nghiep-cong-nghe-so-a410553.html