Yêu cầu cấp bách
Phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị khẩn trương chuẩn bị các điều kiện, rút ngắn thời gian khâu chuẩn bị văn bản hướng dẫn để đưa các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám đi vào thực tiễn nhanh nhất, hiệu quả nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đây là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh nền kinh tế đang cần những động lực mới để phục hồi và phát triển sau những khó khăn và thách thức kéo dài.
Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã thông qua 18 luật và 21 nghị quyết, trong đó có 4 nghị quyết quy phạm pháp luật. Với định hướng xây dựng luật khung, số lượng văn bản quy định chi tiết cần ban hành để thực thi các luật, nghị quyết mới tương đối lớn. Dự kiến Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành phải ban hành 122 văn bản hướng dẫn, trong đó có 60 nghị định, 6 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 56 thông tư.
Khối lượng công việc này hết sức nặng nề song cần phải khẩn trương hoàn thiện như Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu, bởi vì các văn bản quy định chi tiết sẽ quyết định khả năng thực thi và hiệu quả của luật, nghị quyết mới được thiết kế dạng khung. Nếu chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn, các chính sách mới không thể phát huy tác dụng ngay lập tức. Điều này sẽ làm chậm quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Vào lúc này, cần áp dụng triệt để Luật Đất đai năm 2024 và các luật về nhà ở, bất động sản trong việc xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành. Công tác chuẩn bị ở cả cấp Trung ương và địa phương cần phải được quan tâm và đầu tư thỏa đáng với tinh thần “từ sớm, từ xa” để bảo đảm cả tiến độ và chất lượng của văn bản. Đặc biệt, các nghị định, thông tư không được phát sinh quy trình, thủ tục, “giấy phép con”, “giấy phép cháu” trái quy định, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, làm xấu môi trường kinh doanh. Những nội dung chuyển tiếp cần được hướng dẫn chi tiết để tạo cơ sở cho việc thực hiện thông suốt, thống nhất, tránh tạo khoảng trống pháp lý.
Với khối lượng công việc lớn, yêu cầu công việc cao như vậy, cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo các văn bản hướng dẫn luật có thể tham khảo kinh nghiệm của các ủy ban của Quốc hội, mở rộng cửa, mời gọi sự tham gia, thảo luận, góp ý kiến của chuyên gia, của cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan. Đây là cách huy động chất xám thiết thực nhất và cũng là một phần trong tiến trình truyền thông về các quy định mới.
Quốc hội và Chính phủ cần bảo đảm cơ chế lấy ý kiến các bên liên quan được thực hiện nghiêm túc để mở rộng cánh cửa tham gia ý kiến và giám sát việc “cài cắm lợi ích”. Nhấn mạnh điều này là bởi, trong quá trình xây dựng nghị định, thông tư, “cánh cửa” tham gia góp ý kiến và được lắng nghe thường hẹp hơn so với cơ hội tham gia trong tiến trình làm luật, do thời hạn góp ý thường ngắn hơn và có những nghị định ban hành theo thể thức rút gọn, được phép bỏ qua giai đoạn lấy ý kiến. Là đối tượng chịu tác động trực tiếp, các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, các tổ chức đại diện ý kiến người dân buộc phải năng động và tích cực hơn trong tiến trình xây dựng nghị định, thông tư. Quốc hội cũng cần tăng cường yêu cầu các ủy ban chuyên môn giám sát quá trình xây dựng nghị định, bảo đảm rằng ý chí và định hướng của đại biểu Quốc hội, những người đại diện cho cử tri, được truyền tải và duy trì trong văn bản này.
Dù áp lực về thời gian và khối lượng công việc rất lớn song điều này không được phép ảnh hưởng đến chất lượng văn bản hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tìm được điểm cân bằng giữa tốc độ và chất lượng để các chính sách được ban hành kịp thời, có tính khả thi và hiệu quả cao, phục vụ tốt nhất cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/yeu-cau-cap-bach-post399062.html