Thảo luận Luật Đường bộ: Cần đầu tư đồng bộ đường cao tốc khi xây dựng
Dự thảo Luật Đường bộ mới nhất có 86 điều, chỉnh sửa rất nhiều so với dự thảo trình Quốc hội lần thứ sáu.
Chiều 26/3, tiếp tục chương trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, các đại biểu đã tập trung thảo luận dự án Luật Đường bộ. Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự thảo Luật Đường bộ mới nhất có 86 điều, chỉnh sửa rất nhiều so với dự thảo trình Quốc hội lần thứ sáu.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về tính thống nhất của dự án luật trong hệ thống pháp luật; hệ thống giao thông thông minh, quỹ đất dành cho giao thông đường bộ; quy định giao cấp tỉnh đầu tư quốc lộ, cao tốc; các quy định đầu tư phát triển đầu tư cao tốc; phí sử dụng cao tốc…. Tại phiên thảo luận, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đó là tiêu chuẩn, quy chuẩn đường cao tốc; tổ chức giao thông; đầu tư đồng bộ khi xây dựng cao tốc…
Cao tốc phân kỳ giải phóng mặt bằng một lần hay nhiều lần?
Góp ý vào dự thảo luật, một vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm, đó là giải phóng mặt bằng (GPMB) khi làm đường cao tốc. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) bày tỏ đồng tình với dự thảo luật về việc GPMB theo quy hoạch thay vì GPMB theo phần kỳ vì kinh phí dành cho công tác này chỉ tốn kém dưới 20% tổng kinh phí đầu tư. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cần làm rõ việc sử dụng phần đất đã GPMB xong nhưng chưa đầu tư vì nếu đã giải phóng xong nhưng quản lý không hiệu quả thì sau này lại tốn kém để xử lý.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng trong điều kiện kinh tế hiện nay khi xây dựng, phát triển đường cao tốc thì phải tính toán lâu dài. "Nếu hiện tại không GPMB theo quy hoạch, sau này tiếp tục mở rộng thì sẽ khó khăn, người dân sẽ nói “sao các ông không GPMB một lần cho xong đi”. Với chi phí 10% -20% không quá nhiều. Vì vậy, tôi đề nghị, nếu đầu tư cao tốc phân kỳ thì việc GPMB, tạo hành lang giao thông là cần thiết, để khi cần mở rộng thì không phải GPMB gây tốn kém nữa.” – đại biểu nêu quan điểm.
Quan điểm ngược với các ý kiến trên, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng, đầu tư cao tốc phải tính toán hiệu quả kinh tế, nếu cứ GPMB rồi để đấy sẽ gây lãng phí. “Đã có quy hoạch làm đường giao thông rồi, nếu sợ lấn chiếm thì giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương quản lý, nếu quản lý yếu kém thì GPMB rồi dân vẫn lấn chiếm” – đại biểu nêu quan điểm.
Đầu tư trạm dừng nghỉ cùng lúc với đường cao tốc
Một vấn đề bất cập hiện nay, cũng là nguyên nhân xảy ra một số vụ tai nạn giao thông, đó là trên rất nhiều tuyến cao tốc hiện đã khai thác nhưng không có trạm dừng nghỉ như cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận; Cam Lộ - La Sơn...Lấy ví dụ cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu ý kiến, trạm dừng chân phải thi công cùng một lúc với thi công dự án đường cao tốc. Rất nhiều cao tốc không có trạm dừng nghỉ khiến lái xe mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng lái xe, dễ xảy ra tai nạn. “Tạo sao lúc đầu tư cao tốc không đầu tư luôn trạm dừng nghỉ mà phải chờ đấu thầu? Tại sao lúc thi công không đấu thầu?” – đại biểu nêu ý kiến.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cũng cho rằng, phải đầu tư trạm dừng nghỉ ngay khi đầu tư đường cao tốc. Trong dự thảo, Điều 47 có quy định trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe…Theo tôi, chỉ cần 5 nghìn m2 đất là có thể xây dựng điểm dừng xe được, không nên làm cao tốc xong mới đấu thầu để xây dựng trạm dừng nghỉ.