THẢO LUẬN TẠI TỔ 02: SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA 8 LUẬT - CẦN CÓ SỰ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG VỀ CÁC NỘI DUNG

Cho ý kiến tại Phiên họp ở Tổ 02 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của của 8 luật sáng ngày 06/01, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có sự kiểm nghiệm, đánh giá tác động đầy đủ đối với các nội dung được đưa ra.

Thực hiện Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, sáng ngày 06/01, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của của 8 luật gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Thảo luận tại Tổ 2 gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Cao Bằng, Hải Dương, Quảng Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, Vĩnh Long.

Tại Phiên thảo luận ở Tổ, nhiều đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến, đề xuất là cần có sự kiểm nghiệm, đánh giá tác động đầy đủ đối với các nội dung được đưa ra đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của của 8 luật trên.

Toàn cảnh Phiên họp của Tổ 2 sáng ngày 06/01.

Toàn cảnh Phiên họp của Tổ 2 sáng ngày 06/01.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật như trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị cần tuân thủ quan điểm đã nêu trong Tờ trình cũng như là nhấn mạnh trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế là chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung có tính cấp bách, đang thực sự gây khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ ngay nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch COVID-19 để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường những nội dung đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm, được đánh giá tác động đầy đủ; có sự thống nhất cao.

Nghiên cứu Tờ trình, dự thảo luật cũng như các báo cáo của các Ủy ban, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nhận thấy vẫn còn những vẫn đề chưa có sự thống nhất cao; phạm vi sửa đổi luật vẫn còn mở so với quan điểm mục tiêu đã nêu trong Tờ trình. Nếu quy định như dự thảo thì đề nghị cần rà soát, tháo gỡ vấn đề về tự chủ đại học đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học được thông qua 2018, cho đến nay vẫn không thực hiện được đặc biệt là vấn đề tự chủ tài chính, đặc biệt là vướng các quy định trong Luật Đầu tư công, đầu tư, đấu thầu, các luật thuế, luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư...

Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công (Điều 1 dự thảo Luật), đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cơ bản nhất trí việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công như Tờ trình của Chính phủ vì để đẩy mạnh phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý (trừ dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ) nhằm tăng tính chủ động, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và giảm thiểu các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị cần có quy định cụ thể về trách nhiệm các chủ thể này trong việc bảo đảm tính hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tuân thủ, công khai, minh bạch khi tổ chức thực hiện.

Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, đối với các dự án nhóm B, nhóm C, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đồng ý với quy định tại dự thảo Luật nhằm tăng cường phân cấp và bảo đảm tính thống nhất với việc sửa đổi Luật Đầu tư công. Đối với dự án nhóm A của địa phương sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Chính phủ không đề xuất chuyển thẩm quyền (vẫn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ). Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nhất trí với ý kiến đa số của Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị chuyển thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tương tự như các dự án nhóm B, C và Ủy ban Pháp luật như lý lẽ đã nêu trong các báo cáo thẩm tra

Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư (Điều 3 dự thảo Luật) đề cập thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị; về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, quy mô dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt (sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 31, điểm b khoản 1 Điều 32 và bổ sung điểm g vào khoản 3 Điều 33), đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế nhất trí việc sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục không nhất trí với việc Dự án Luật đề nghị sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh đối với các “dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt” vì không phù hợp với pháp luật về di sản văn hóa.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đóng góp ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đóng góp ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị quy định rõ trong nội dung dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư tại các điều khoản liên quan theo hướng thể hiện rõ đây chỉ là các “dự án đầu tư được cho phép theo Luật Di sản văn hóa”. Vì theo quy định pháp luật về di sản văn hóa và Hướng dẫn Công ước 1972 của UNESCO, đối với những công trình xây dựng, dự án bảo vệ, phát huy giá trị di sản, di tích đặc biệt quốc gia và dự án phát triển có khả năng gây ảnh hưởng đến giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thiên nhiên được quốc tế công nhận, trước khi các công trình được bắt đầu hoặc mọi quyết định không thể thay đổi được đưa ra, phải được Thủ tướng Chính phủ tham vấn các tổ chức quốc tế. Do đó, việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư là không hợp lý và không phù hợp với quy định pháp luật và thông lệ về quản lý di sản. Đối với những công trình xây dựng, dự án di tích quốc gia thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì có thể phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Để phân cấp cho địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và rút ngắn thời gian thực hiện dự án, nhưng không mâu thuẫn với Luật Di sản văn hóa và tránh các cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị chỉnh sửa dự thảo Luật đối với nội dung liên quan đến các dự án đầu tư trong khu vực bảo vệ I và II của các di sản theo hướng tách thành tiểu mục riêng. Cụ thể, tại điểm g khoản 1 Điều 31 “dự án đầu tư được cho phép theo quy định pháp luật về di sản không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới”; tại điểm b khoản 1 Điều 32 “dự án đầu tư được cho phép theo quy định pháp luật về di sản không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt (trừ trường hợp quy định tại mục g khoản 1 Điều này); dự án thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị) của đô thị loại đặc biệt”. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn về công tác giám sát và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc thẩm định và chấp thuận chủ trương đầu tư tại Điều 33 Luật Đầu tư.

Cần có đánh giá và kiểm soát thị trường bất động sản khi xem xét đầu tư xây dựng nhà ở thương mại

Liên quan đến Luật Đầu tư, đề cập hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư số 65/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở), đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung) tán thành sự cần thiết nghiên cứu, sửa đổi nội dung này. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá kỹ hơn thực tiễn thi hành Luật, làm rõ vướng mắc nào xuất phát từ quy định của Luật, vướng mắc nào do các nguyên nhân khác để đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp. Việc sửa đổi cần bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, khả thi, tháo gỡ được các vướng mắc thực tế hiện nay; đồng thời, bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai, phòng ngừa việc trục lợi chính sách; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Một số ý kiến cho rằng đây là chính sách lớn, tác động đến nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai, có thể tác động đa chiều đến thị trường bất động sản, do vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng hơn các tác động của chính sách, dự báo tình hình chuyển mục đích sử dụng đất, khả năng phát sinh khiếu nại, tố cáo về đất đai để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Một số ý kiến đề nghị xem xét đồng bộ vấn đề này khi sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở và Luật Đất đai.

Về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ việc áp dụng quy định của dự thảo Luật đối với trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đối với các loại đất khác không phải là đất ở nhưng đã gần hết thời hạn sử dụng đất. Đối với việc thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng các loại đất thuộc dự án đầu tư mà không phải là đất ở, để bảo đảm sự kết nối với quy định của Luật Đầu tư, quy định khác của Luật Nhà ở và pháp luật về đất đai, bảo đảm sự minh bạch về thủ tục đầu tư, đề nghị làm rõ các điều kiện mà nhà đầu tư phải đáp ứng để được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai trong quá trình nhà đầu tư thực hiện thủ tục để được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư; giá trị của văn bản thẩm định về đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (trong giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư) khi nhà đầu tư thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai.

Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai.

Cho ý kiến về vấn đề trên, đại biểu Lê Hoàng Anh-Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho ý kiến liên quan đến nhà ở trong Luật Đầu tư. Theo đó, cần có sự đánh giá tác động, kiểm soát hoạt động của thị trường bất động sản, chứng khoán trong thời gian qua khi xem xét đến hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại. Hiện tại, chưa nên đưa vấn đề này vào việc sửa đổi Luật.

Đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt liên quan đến thuốc lá, đồ uống có cồn, rượu bia, đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng, cần nâng mức đóng thuế đối với các mặt hàng này nhằm góp phần giảm hành vi sử dụng của người dân để tránh tác hại tới sức khỏe.

Đề cập đến các vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, cho rằng, Chính phủ cần xem xét về vấn đề nhà ở trong việc sửa đổi Luật Đầu tư và cần có sự đánh giá tác động rõ ràng hơn khi đề cập thị trường bất động sản cũng như danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện, khái niệm dịch vụ an ninh mạng.

Về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề xuất làm rõ hơn việc xử lý pin không thể sử dụng, tái chế được để đảm bảo môi trường. Việc sử dụng pin mặt trời cũng cần có quy định rõ ràng. Đối với Luật Điện lực, các quy định về phát triển điện lực cần được cụ thể để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, lợi ích và trách nhiệm của họ khi tham gia vào thị trường này như thế nào.

đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nêu quan điểm.

đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nêu quan điểm.

Trong khuôn khổ Phiên thảo luận ở Tổ, các đại biểu Quốc hội còn cho ý kiến đối với vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp khi thực hiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của của 8 luật trên.

Phát biểu kết luận về các nội dung được thảo luận tại Tổ, đại biểu Y Thanh Hà Niê Kđăm – Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của các đại biểu Quốc hội đóng góp về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật. Các ý kiến đều trên tinh thần trách nhiệm cao nhằm hỗ trợ giải quyết những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Các ý đóng góp đều được ghi chép đầy đủ và sẽ được Ban thư ký tổng hợp để báo cáo Quốc hội xem xét tại Phiên họp bất thường lần thứ Nhất này./.

Bích Lan-Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=61614