THẢO LUẬN TẠI TỔ 05: ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT, ĐỒNG BỘ CỦA DỰ ÁN LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM (SỬA ĐỔI) TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

Sáng ngày 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đa số các đại biểu bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Luật; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Tổ 05 gồm các ĐBQH chuyên trách, ĐBQH ở trung ương thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Bình Thuận.

Tại phiên thảo luận Tổ, đa số ý kiến đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Theo các đại biểu, nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, dự thảo Luật này sau khi được thông qua sẽ song song tồn tại với nhiều luật khác. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Các đại biểu cũng cho rằng, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi có phạm vi điều chỉnh bao quát hơn, đã bổ sung nội dung quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bổ sung quy định về đối tượng áp dụng để quy định rõ, cụ thể hơn những đối tượng được điều chỉnh bởi luật.

Tại Phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lâm Thành- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên và một số đại biểu cho rằng hợp đồng bảo hiểm là chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; nhất trí với việc bổ sung quy định về thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về nội dung này. Tuy nhiên, theo các đại biểu, cần tiếp tục rà soát quy định về chính sách phát triển bảo hiểm để quy định cụ thể hơn; làm rõ các quy định về hình thức hợp đồng bảo hiểm; điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, đơn phương chấm dứt hợp đồng...; đồng thời, giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết để tạo linh hoạt trong triển khai thực hiện bảo đảm các chính sách này khả thi trên thực tế.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên phát biểu

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên phát biểu

Về nội dung bảo hiểm vi mô, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, chỉ rõ, đây là một trong những hình thức bảo hiểm hướng đến người dân yếu thế, thu nhập thấp, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Đại biểu cho rằng Hợp tác xã là nhân tố quan trọng thúc đẩy, phổ biến, nâng cao tính hiệu quả của hình thức bảo hiểm vi mô. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung Hợp tác xã thành tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ bảo hiểm vi mô, nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên tham gia bảo hiểm trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Trần Thị Hồng An- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh tới thị trường lao động, số lượng lớn người lao động chuyển về vùng nông thôn, càng cần quan tâm đến bảo hiểm vi mô. Với đặc điểm phí thấp, bảo hiểm với số tiền nhỏ, sản phẩm đơn giản và dễ hiểu, bảo hiểm vi mô sẽ dễ dàng tiếp cận đối với bộ phận người lao động thu nhập thấp, các nhóm yếu thế trong xã hội, qua đó giúp họ ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Đại biểu bày tỏ mong muốn các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp cùng tham gia cung cấp dịch vụ bảo hiểm vi mô để mở rộng đối tượng phát triển loại hình bảo hiểm này.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát để có thể thể chế hóa tối đa các chủ trương của Đảng trong việc chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Dự thảo Luật mới chỉ đề cập đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng (thuộc khâu phân phối, bán sản phẩm bảo hiểm), mà chưa làm rõ, ngoài khâu phân phối thì còn khâu nào khác cần thiết phải ứng dụng công nghệ thông tin.

Ngoài ra, một số đại biểu cho rằng, thời gian có hiệu lực như quy định của dự thảo Luật là chậm, đề nghị cân nhắc rõ vấn đề này. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, nhưng cũng không quy định quá chi tiết, cụ thể những nội dung có thể có biến động, ảnh hưởng đến tính ổn định của luật./.

Hồ Hương- Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=59934