THẢO LUẬN TẠI TỔ 05: ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ
Chiều ngày 22/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2020; kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội.
Tổ 05 gồm các đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Quốc hội ở trung ương thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Bình Thuận.
Tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu đánh giá Báo cáo của Chính phủ khá chi tiết, rõ ràng; Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội tương đối toàn diện. Theo đó, các đại biểu cho rằng, Chính phủ, các Bộ, ngành đã chủ động, tích cực để kịp thời sửa đổi, ban hành mới các văn bản đáp ứng công tác quản lý điều hành, điều chỉnh, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng khác trong việc thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhất là chính sách hỗ trợ đối tượng chịu sự tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, vẫn còn những chính sách, quy định đã được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, theo một số đại biểu, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế có tăng nhưng chưa bền vững, các nhóm đối tượng tham gia chưa đồng đều; số đối tượng ở nhóm người lao động và người sử dụng lao động đóng giảm do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Còn khoảng gần 10% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế, nhưng chưa có giải pháp và chiến lược cụ thể.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, đại biểu Trần Thị Hồng An- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi chỉ ra rằng, 08 chỉ tiêu đã hoàn thành là các chỉ tiêu được xác định tại các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, 04 chỉ tiêu chưa đạt liên quan đến cơ chế đầu tư, hỗ trợ tài chính, trong đó có chỉ tiêu chưa đạt trong nhiều năm. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm tổng kết việc thực hiện Nghị quyết này để đưa ra đề xuất về một nghị quyết thay thế cho phù hợp với tình hình mới.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh và một số đại biểu chỉ ra rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, mở rộng tự do hóa thương mại, làn sóng ký kết các Hiệp định thương mại tự do đang trở nên mạnh mẽ trên khắp thế giới và trở thành một xu thế mới trong quan hệ kinh tế quốc tế. Trong những năm qua, Việt Nam rất tích cực tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định này, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều lao động nước ngoài vào Việt Nam, nhiều lao động Việt Nam ra làm việc tại nước ngoài. Do đó, chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam cần có những cải tiến, đổi mới để tiệm cận với thế giới nhằm góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút lao động nhân lực cao đến Việt Nam.
Quan tâm đến việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, đại biểu Nguyễn Lâm Thành- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên chỉ ra rằng, vai trò của ngành bảo hiểm xã hội trong công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cần được đầu tư, đẩy mạnh và đa dạng hơn về phương thức thực hiện. Theo đại biểu, hiện dư địa phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội ở vùng nông thôn còn tiềm năng lớn, do đó, cần có hướng phát triển đối tượng tham gia ở khu vực này. Đồng thời, việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cần có sự tính toán theo lộ trình, căn cứ trên cơ sở cơ cấu lao động và chất lượng lao động.
Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của ngành và cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành hữu quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đảm bảo hình thức tuyên truyền phong phú, nội dung đa dạng; xử lý nghiêm những hành vi trốn đóng bảo hiểm y tế, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế và hành vi vi phạm pháp luật khác về bảo hiểm y tế./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=59761