THẢO LUẬN TẠI TỔ 09: CẦN NHÌN NHẬN, ĐÁNH GIÁ 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRIỂN KHAI CHẬM

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.

Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 9.

Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 9.

Thảo luận tại Tổ 09 có 26 đại biểu gồm 4 Đoàn ĐBQH các tỉnh: Tuyên Quang, Hà Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Tham gia Tổ số 09 có Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi); Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam); Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang); Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định).Tổ trưởng Tổ 9, đại biểu Chẩu Văn Lâm - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang điều hành nội dung Phiên họp.

Đa số các đại biểu cơ bản đồng tình với các Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Báo cáo đã đánh giá được những kết quả đạt được của năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn quốc, diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh và mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Đồng thời cũng chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại, yếu kém cần khắc phục, đề xuất được một số nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến cuối năm 2022.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tại Tổ 09.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tại Tổ 09.

Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, năm 2021 thu ngân sách vượt hơn 9 lần, tại sao có câu chuyện dự báo thấp, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vấn đề này. Đồng thời lí giải vì sao tăng trưởng thấp, nhưng thu ngân sách lại tăng, nguồn thu này chủ yếu là cái gì? “Như vậy có bền vững không và thành tích đó có đáng kể không, so với mục tiêu của chúng ta là chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Vai trò chỉ đạo của ngân sách trung ương như thế nào?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương băn khoăn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đầu năm 2022, cần bám vào Nghị quyết của Quốc hội để đánh giá quý I cả ưu điểm, khuyết điểm, đánh giá tình hình chứng khoán bất thường, hay tình hình các dự án đang chờ quy hoạch, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch bộ, quy hoạch tỉnh…

Nhấn mạnh ba Chương trình mục tiêu quốc gia có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh thì triển khai thực hiện chậm, vẫn cứ loay hoay phân bổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu chỉ rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan. “Một trong những yêu cầu của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì tình trạng chậm triển khai này có lãng phí không, lãng phí như thế nào, lãng phí ở đâu. Đã chậm rồi thì phải làm cho nhanh, nhưng làm nhanh theo cách nào, không được nhanh mà lại sai chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Tổ trưởng Tổ 09, đại biểu Chẩu Văn Lâm - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang điều hành nội dung Phiên thảo luận.

Tổ trưởng Tổ 09, đại biểu Chẩu Văn Lâm - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang điều hành nội dung Phiên thảo luận.

Cũng đề cập đến ba Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Lê Kim Toàn - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định nêu quan điểm, phải chăng do thủ tục quá kỹ, quá nặng nề, nên triển khai thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm? Điển hình, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã chậm 2 năm; hai chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới chậm hơn một năm. Ước còn 3 năm thực hiện, liệu có bảo đảm hiệu quả như mục tiêu Chương trình đề ra? Đại biểu Lê Kim Toàn đề nghị Chính phủ phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá và rút kinh nghiệm.

Cho rằng 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang chậm triển khai 2 năm, ảnh hưởng rất nhiều đến việc giải ngân cũng như phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đại biểu Lò Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đề nghị Chính phủ cần quan tâm các chương trình mục tiêu quốc gia này theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

Bên cạnh đó, đại biểu Lò Thị Việt Hà đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến lĩnh vực việc làm của người có thu nhập thấp, đề nghị cần phân tích rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan các chính sách trợ giúp xã hội đối với người có công và người nghèo theo Nghị quyết 124/2020 của Chính phủ.

Về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đại biểu Lò Thị Việt Hà đề nghị Chính phủ quan tâm tỉ lệ điều dưỡng bác sỹ so với 10 nghìn dân còn thấp so với thế giới, việc thu hút điều dưỡng y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đạt…. Hệ thống y tế cơ sở bộc lộ nhiều khó khăn về nguồn lực và trang thiết bị, đề nghị Chính phủ quan tâm giải quyết nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, giải pháp thanh quyết toán cho vấn đề BHYT; giá dịch vụ y tế chậm được điều chỉnh. Việc thí điểm tự chủ của các bệnh viện chưa được quan tâm, đánh giá; việc mua sắm trang thiết bị còn nhiều vướng mắc. Đại biểu Lò Thị Việt Hà đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến các lĩnh vực về an sinh xã hội.

Có ý kiến đề nghị cần phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, đề nghị báo cáo rõ khả năng hấp thụ nguồn vốn, hoàn thành kế hoạch; việc hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cốt lõi, hệ thống định mức và đơn giá xây dựng làm chậm giải ngân đầu tư công và ảnh hưởng đến chi phí đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đóng góp ý kiến và giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Cũng tại phiên thảo luận Tổ 9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho biết, vấn đề lạm phát, giá dầu tăng cao, gây áp lực lên các doanh nghiệp, gây khó khăn cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến người lao động và thị trường việc làm. Bộ trưởng nhấn mạnh, làm thế nào để tăng được năng lực cho nền kinh tế, sức sống của nền kinh tế là quan trọng nhất. Do vậy các bộ, ngành cần thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển, tập trung đẩy mạnh xây dựng các tuyến đường cao tốc, tập trung vào Nghị quyết số 43 của Chính phủ, đảm bảo sức sống của doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề xuất một số giải pháp chống lạm phát trong giai đoạn hiện nay như: vấn đề giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh và thúc đẩy đầu tư công phát triển.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục giải quyết kịp thời những vấn đề “nóng”, nổi lên trong xã hội thời gian qua. Quan tâm nội dung này, đại biểu Lê Thị Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đề nghị Chính phủ quan tâm giải quyết tình trạng nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu, cần có giải pháp căn cơ, ngoài chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, thì con đường xuất khẩu theo đường tiểu ngạch như thế nào?

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Thị Nga cũng đề nghị, Chính phủ chú trọng xử lý câu chuyện thao túng giá của thị trường chứng khoán, nhất là thời gian qua thị trường chứng khoán tăng trưởng thiếu ổn định, bền vững. Hay tình trạng rủi ro trái phiếu doanh nghiệp. Tình trạng đẩy giá đất lên cao, đầu cơ đất, bất ổn thị trường bất động sản…

Đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho rằng, Quốc hội cần giao Chính phủ rà soát lại các quy định của Nghị quyết số 42 và Luật Tổ chức tín dụng, qua đó tạo hành lang pháp lý vững chắc và ổn định hơn trong việc xử lý nợ xấu.

Cũng tại Phiên thảo luận tổ, một số đại biểu cho ý kiến việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017. Đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho rằng, Quốc hội cần giao Chính phủ rà soát lại các quy định của Nghị quyết số 42 và Luật Tổ chức tín dụng, qua đó tạo hành lang pháp lý vững chắc và ổn định hơn trong việc xử lý nợ xấu./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=64949