THẢO LUẬN TỔ 02: CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ HƠN CHÍNH SÁCH BẢO VỆ PHÙ HỢP VỚI TỪNG NHÓM ĐỐI TƯỢNG VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 02/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD). Đa số ý kiến đại biểu tại Tổ 2 đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật BVQLNTD nhưng cần nghiên cứu bổ sung đối tượng người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đồng thời quy định cụ thể hơn chính sách bảo vệ phù hợp với từng nhóm đối tượng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan.

THẢO LUẬN TỔ 2: DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ CẦN ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT VỚI CÁC LUẬT LIÊN QUAN

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 02.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 02.

Tổ 2 gồm 28 đại biểu của Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết điều hành nội dung thảo luận.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD), đa số các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật BVQLNTD theo Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, cần lưu ý về sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới; yêu cầu bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; sự phối hợp, phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý, yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp về BVQLNTD.

Về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương (Điều 7), các ý kiến đề nghị sửa đổi và thể hiện lại khoản 1 Điều này như sau: “Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp xảy ra (nếu có) trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ...”. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương tương tự Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn chính sách bảo vệ phù hợp với từng nhóm đối tượng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan.

Khẳng định việc sửa đổi Luật BVQLNTD là cần thiết, đại biểu Trần Kim Yến – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết, tại Chương 1 và Chương 2 nêu các vấn đề chung cũng như các vấn đề liên quan giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, dự thảo Luật đã nêu khá cơ bản tuy nhiên cần làm rõ hơn các điều khoản để hoàn thiện luật. Đại biểu nêu ví dụ Điều 17 về các hành vi bị cấm, có 15 nội dung chi tiết, tuy nhiên muốn chứng minh đây là hành vi bị cấm để có thể xử phạt cá nhân và tổ chức vi phạm Luật này thì cần làm rõ hơn.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Khoản 4 Điều 11 có nêu là tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập sử dụng thông tin phải có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn cho phép hoặc không cho phép. Tuy nhiên đại biểu Trần Kim Yến nhận thấy, nếu gửi giao dịch mua bán trong cuộc sống hằng ngày mà phải có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn cho phép và không cho phép và cơ chế này như thế nào thì dự thảo không nêu rõ, đề nghị cần làm rõ hơn nội dung này.

Liên quan đến hàng hóa có khuyết tật, đại biểu cho rằng, hàng hóa có khuyết tật nghĩa là hàng hóa không đảm bảo được tiêu chí, nội dung theo yêu cầu của một món hàng đó, đề nghị sử dụng một cụm từ khác thay cho “khuyết tật”. Ban soạn thảo cần thấy được mức độ nguy hiểm khi hàng hóa có lỗi mà đưa ra thị trường. Vì hàng hóa có lỗi sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe không phải chỉ người mua mà còn ảnh hưởng rất nhiều người. Do đó, đại biểu Trần Kim Yến đề nghị cần quy định các biện pháp để thu hồi thu hồi sản phẩm ở tốc độ nhanh nhất.

Về quản lý nhà nước và tổ chức có tham gia bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ở tại Chương 4, các Điều 48, 49, 50,52 lặp lại về nội dung ở các điều này, đại biểu đề nghị rà soát lại nội dung này.

Đại biểu cũng đề nghị tại khoản 3 Điều 3 cần bổ sung, giải thích thêm khái niệm “lợi ích công cộng”, qua đó để đảm bảo cho quyền lợi của một cá nhân hoặc nhiều cá nhân khi tham gia khởi kiện.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đại biểu nhấn mạnh, dự án Luật ra đời để nhằm đảm bảo quyền được tiếp cận sử dụng những sản phẩm hàng hóa an toàn và chất lượng cho số đông người dân. Đề cập trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được quy định trong điều khoản này, đại biểu Trần Kim Yến nêu rõ, trách nhiệm chủ yếu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội là việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn các quyền lợi, các quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên dự thảo Luật không nêu trách nhiệm khi các tổ chức chính trị - xã hội đứng ra để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà chỉ là tổ chức chính trị - xã hội có đăng ký việc tham gia bảo vệ quyền của bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và tổ chức xã hội tham gia BVQLNTD.

Góp ý về dự án Luật này, đại biểu Tô Thị Bích Châu nêu rõ, hiện nay các nội dung bảo vệ người tiêu dùng ở quốc tế có nghĩa là người ở nước ngoài hoặc người Việt Nam có thể mua hàng ở nước ngoài thì các cái điều, chương để bảo vệ người tiêu dùng trong dự thảo Luật còn rải rác. Do đó, đại biểu đề nghị nên bổ sung một chương riêng để tập hợp các nội dung, các điều về hợp tác quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Đại biểu Tô Thị Bích Châu - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Liên quan đến nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị cần giải thích một số từ ngữ và bổ sung: người tiêu dùng cần phải được tôn trọng và bảo vệ để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Điều 7, dự thảo Luật liệt kê rất nhiều về người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, vẫn còn thiếu một số đối tượng mà Việt Nam của chúng ta vẫn đang bảo hộ và cả thế giới cũng vậy, đó là đối tượng nghèo, hộ nghèo, người bị tai nạn lao động.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Kim Yến nêu ở Điều 17, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị bổ sung vào nội dung là cung cấp thông tin. Theo đó, điểm đ Điều 17 dự thảo quy định việc ngăn cản người tiêu dùng các hành vi bị cấm là ngăn cản người tiêu dùng gỡ bỏ các phần mềm ứng dụng cài đặt sẵn hoặc buộc người cài đặt các phần mềm ứng dụng kèm theo các nền tảng trực tuyến. Đại biểu đề nghị bổ sung là cung cấp thông tin các dữ liệu điện tử cũng như các chứng từ điện tử. Đồng thời đề nghị bổ sung một hành vi bị cấm là ngăn cản người tiêu dùng cung cấp thông tin các dữ liệu điện tử, các chứng từ điện tử, rồi gỡ bỏ các phần mềm ứng dụng cài đặt sẵn.

Về trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ cho người tiêu dùng, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị bổ sung các hình thức khuyến mại và môi giới thương mại sau từ “pháp luật về quảng cáo” để đảm bảo các chương, điều khác của các luật khác để bảo vệ cho người tiêu dùng.

Liên quan đến các hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đại biểu đề nghị bổ sung một nhóm, điều hoặc một chương riêng về quyền lợi của người tiêu dùng ở những sản phẩm mà cung cấp dịch vụ bắt buộc mà nhà nước cung cấp nhưng không không đạt kết quả cũng như không đạt với mong muốn của người tiêu dùng. Ví dụ như là bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, các loại bảo hiểm, hoặc các sản phẩm mà nhà nước cung cấp như dịch vụ điện, nước.

Quan tâm đến dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ nêu rõ, dự thảo Luật đưa ra các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là phù hợp và đáp ứng với nhu cầu xã hội, nhất là trong giai đoạn hiện nay, tình trạng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chưa đảm bảo chất lượng tràn lan, kể cả trong các siêu thị có uy tín. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

Đề hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị cần rà soát với các quy định khác có liên quan đến nội dung các điều luật này như Nghị định về xử lý vi phạm hành chính để thể chế hóa tất cả các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 17 của dự thảo luật hoặc là cơ chế để phát huy vai trò của các tổ chức có khả năng tôn chỉ, mục đích để bảo vệ người tiêu dùng, qua đó người tiêu dùng dễ tiếp cận với các tổ chức này khi quyền lợi hợp pháp của họ bị xâm phạm.

Đồng tình với 4 hình thức để giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức kinh doanh bằng thương lượng, hòa giải trọng tài và tòa án là phù hợp, đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo sẽ tạo sự lựa chọn linh hoạt cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, dự thảo Luật có đề cập đến cụm từ “tiêu dùng bền vững” tại khoản 9, Điều 15 và khoản 1 Điều 16, theo đại biểu là chưa rõ nghĩa theo quy định về sử dụng ngôn ngữ của Luật Ban hành văn bản vi phạm pháp luật. Do đó, đề nghị bổ sung cụm từ này trong phần giải thích từ ngữ của dự thảo Luật.

Về khái niệm hàng hóa có khuyết tật, đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị nên sửa lại là “hàng hóa có lỗi” hoặc cụm từ khác, không nên dùng từ “khuyết tật”, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa lại.

Chương 5 của dự thảo Luật quy định về việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức kinh doanh bằng hình thức thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án cũng không đề cập đến trình tự, thủ tục để giải quyết đối với nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định nguyên tắc hoặc do Chính phủ quy định chi tiết để thực hiện thống nhất, đảm bảo quyền lợi của nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Ngoài ra, liên quan đến tổ chức, cá nhân kinh doanh có nghĩa vụ hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng khi hết thời hạn lưu trữ, đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị bổ sung quy định về thời hạn lưu trữ hoặc là dẫn chiếu quy định pháp luật có liên quan đến thời hạn lưu trữ này để thống nhất áp dụng pháp luật, tránh phát sinh tranh chấp.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đa số các ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) năm 2005. Đồng thời, nhấn mạnh việc sửa đổi Luật lần này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên không gian mạng./.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận Tổ 02:

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 02

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 02

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí MInh nêu rõ, dự thảo Luật đưa ra các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là phù hợp và đáp ứng với nhu cầu xã hội, nhất là trong giai đoạn hiện nay, tình trạng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chưa đảm bảo chất lượng tràn lan, kể cả trong các siêu thị có uy tín. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí MInh nêu rõ, dự thảo Luật đưa ra các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là phù hợp và đáp ứng với nhu cầu xã hội, nhất là trong giai đoạn hiện nay, tình trạng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chưa đảm bảo chất lượng tràn lan, kể cả trong các siêu thị có uy tín. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị cần xem xét trách nhiệm giữa 3 bên: doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng hóa, người tiêu dùng và trách nhiệm của Nhà nước.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị cần xem xét trách nhiệm giữa 3 bên: doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng hóa, người tiêu dùng và trách nhiệm của Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang cho rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương là quy định rất hay nhưng khó thực hiện. Với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đại biểu đề nghị dự thảo cần phải cụ thể để khi xảy ra tranh chấp thì dễ dàng bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang cho rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương là quy định rất hay nhưng khó thực hiện. Với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đại biểu đề nghị dự thảo cần phải cụ thể để khi xảy ra tranh chấp thì dễ dàng bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị cần quy định cụ thể trong dự thluật BVQLNTD về các hình thức thanh toán điện tử

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị cần quy định cụ thể trong dự thluật BVQLNTD về các hình thức thanh toán điện tử

Đại biểu Lê Thanh Phương cho rằng, dự thảo Luật BVQLNTD không nói rõ thế nào là hàng hóa không đảm bảo chất lượng, mới chỉ đề cập hàng hóa khuyết tật tức là hàng hòa có lỗi khi sản xuất, đề nghị cần quy định rõ hơn về hàng hóa không đảm bảo chất lượng.

Đại biểu Lê Thanh Phương cho rằng, dự thảo Luật BVQLNTD không nói rõ thế nào là hàng hóa không đảm bảo chất lượng, mới chỉ đề cập hàng hóa khuyết tật tức là hàng hòa có lỗi khi sản xuất, đề nghị cần quy định rõ hơn về hàng hóa không đảm bảo chất lượng.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển góp ý vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Đại biểu Đỗ Đức Hiển góp ý vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=70132