THẢO LUẬN TỔ 04 VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐƯỜNG BỘ: CẦN LÀM RÕ KHÁI NIỆM HOẠT ĐỘNG ĐƯỜNG BỘ
Thảo luận tại Tổ 04 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế về dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các đại biểu nhất trí với việc ban hành hai luật này; đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát thận trọng và chặt chẽ hơn nữa để các quy định của 2 dự án Luật được tương thích với hệ thống pháp luật hạn chế tối đa xung đột pháp luật; lưu ý việc giải thích cụ thể các khái niệm, phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh của các dự án luật.
Đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bày tỏ quan điểm ủng hộ việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để quy định một cách rõ ràng, có sự tách biệt và chuyên sâu. Tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tổng kết thực tiễn thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn để tách Luật này thành 2 dự Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; rà soát kỹ lưỡng đảm bảo tương đồng giữa nội dung 2 dự Luật đối với các luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Đối với dự án Luật Đường bộ, đại biểu Dương Tấn Quân nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa cái đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm, cũng như khắc phục những chồng chéo giữa văn bản pháp luật về giao thông đường bộ với các luật chuyên ngành khác.
Đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung điều khoản giải thích từ ngữ tại Điều 3 về “hoạt động đường bộ” là gì. Đại biểu nhấn mạnh đây là nội dung rất quan trọng, đã được xác định trong phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các điều khoản khác, tuy nhiên “hoạt động đường bộ” lại chưa được giải thích một cách rất rõ ràng để rõ nội hàm và phạm vi để thi hành luật.
Về chính sách phát triển giao thông đường bộ, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quan tâm về chính sách phát triển phương tiện giao thông công cộng tiến dần đến thay thế phương tiện cá nhân; đa dạng hóa các phương tiện công cộng phù hợp với từng đô thị, hạ tầng giao thông khác nhau và đối tượng tham gia giao thông, trong đó cần phải quan tâm đến đối tượng là những người yếu thế, những người khuyết tật, phụ nữ có thai, trẻ em hay người già.
Góp ý về phạm vi điều chỉnh của Luật Đường bộ, đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng nêu rõ, Điều 1 dự thảo Luật quy định: Luật này quy định về hoạt động đường bộ bao gồm các quy định về quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ. Đại biểu cho rằng để bảo đảm quy định đầy đủ hơn, cần phải bổ sung cụm từ về “an toàn kỹ thuật đường bộ” vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Do đó, đề nghị sửa Điều 1 thành: Luật này quy định về hoạt động đường bộ bao gồm các quy định về quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ, an toàn kỹ thuật đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.
Đại biểu Đỗ Văn Yên – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cơ bản đại biểu thống nhất đối với nội dung của dự án Luật Đường bộ. Song để đảm bảo tính tương đồng với hệ thống pháp luật hiện hành và giữa dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với nhau, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát thận trọng và chặt chẽ hơn nữa để các quy định của 2 dự án Luật được tương thích với hệ thống pháp luật hạn chế tối đa xung đột pháp luật.
Về góp ý cụ thể với các nội dung của dự án Luật Đường bộ, đại biểu Đỗ Văn Yên cho biết, tại khoản 2 Điều 13 quy định: Tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với quỹ đất đô thị phải đảm bảo từ 16% đến 26%. Đại biểu cho rằng quy định này không khả thi trên thực tế, bởi vì tỷ lệ này đã được quy định tại khoản 2 Điều 42 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhưng trên thực tế đến nay vẫn không thực hiện được, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Do đó, theo đại biểu đề nghị cần đánh giá lại việc tổ chức thực hiện quy định này trong thực tiễn thời gian qua, trước khi tiếp tục kế thừa.
Về quy định về bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ tại Điều 44 của dự án Luật, đại biểu Đỗ Văn Yên cho rằng, về bãi đỗ xe, nếu quy định như điểm b và c, khoản 1, Điều 44 là rất khó thực hiện cho các thành phố lớn như thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Vì trong nội thành của các thành phố lớn này đất ít, xe đông. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, quy định rõ hơn vấn đề này.
Về trạm dừng nghỉ, đại biểu Đỗ Văn Yên nhận định hiện nay, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ được quy định tại Thông tư số 48 ngày 15/11/2012 bao gồm: Các quy định kỹ thuật; quy định quản lý - khá chặt chẽ, trong đó quy định về các hạng mục công trình cơ bản của trạm dừng nghỉ, gồm 3 nhóm công trình chính là: Nhóm công trình dịch vụ công (cung cấp các dịch vụ miễn phí); Nhóm công trình dịch vụ thương mại; Nhóm giao công trình bổ trợ. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay hầu như chưa có trạm dừng nghỉ đường bộ nào đáp ứng đầy đủ các hạng mục của 3 nhóm công trình này. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát thực tế triển khai quy chuẩn quốc gia về trạm dừng nghỉ để luật hóa, quy định cụ thể hơn vấn đề này vào luật.
Về hoạt động vận tải đường bộ tại Điều 61 của dự án Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu và tiếp tục điều chỉnh quy định cụ thể hơn nữa về các loại hình kinh doanh vận tải hành khách trong Luật. Cụ thể là đối với loại hình kinh doanh vận tải công nghệ như: Grab, Be, Uber, xe máy dịch vụ chở hàng như shipper sử dụng các phần mềm./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=82121