THẢO LUẬN TỔ 12 VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA: ĐỊNH HƯỚNG ĐỂ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐÚNG VÀ TRÚNG
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng 06/01, Quốc hội thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại tổ 12 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, Bình Dương và Tp.Hải Phòng, nhấn mạnh mục tiêu, yêu cầu của quy hoạch là cơ sở để đầu tư phát triển trúng và đúng, các đại biểu bày tỏ băn khoăn với khối lượng nội dung cần xem xét, hoàn thiện là rất lớn, việc thông qua Quy hoạch ngay tại kỳ họp này là thách thức đối với các cơ quan.
QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA QUAN TRỌNG NHƯ THẾ NÀO
TỔNG THUẬT SÁNG 05/01: KHAI MẠC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA XV
Thảo luận tại tổ, các đại biểu khẳng định việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ rất quan trọng để thể chế hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua cũng như triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.
Các đại biểu đều thống nhất nhận định Quy hoạch tổng thể quốc gia là nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở định hướng cho các quy hoạch cấp dưới. Tuy nhiên đây cũng là vấn đề lớn, khó, phức tạp. Nội dung đa dạng tất cả các ngành nghề, địa phương. Do đây là lần đầu tiên thực hiện nên đi vào chi tiết các nội dung vẫn còn có những “chông chênh” khiến các đại biểu Quốc hội băn khoăn.
Các đại biểu cũng chỉ rõ một số vấn đề cần được làm sâu sắc hơn như việc đánh giá thực trạng và đánh giá tác động, xác định nguồn lực thực hiện, các chỉ tiêu, mục tiêu cần bảo đảm định tính. Do đó, áp lực để có thể tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Quy hoạch để Quốc hội xem xét thông qua ngay tại kỳ họp bất thường lần này là rất lớn.
Đại biểu Trần Công Phàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là vấn đề rất khó bởi đây vừa định hình bức tranh chung phát triển kinh tế của đất nước nhưng lại trên cơ sở của các tích hợp các quy hoạch địa phương. Đại biểu nhấn mạnh yêu cầu quy hoạch phải phát huy được những lợi thế, thế mạnh, những ưu thế của đất nước và các vùng, các địa phương để trên cơ sở đó có được sự đầu tư phát triển cho đúng và trúng, cũng như xây dựng cơ chế đặc thù cho địa phương một cách phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho rằng Quy hoạch tổng thể quốc gia chỉ làm hai nội dung chính. Một là, định hướng mang tầm quy mô quốc gia theo giai đoạn phát triển nhất định. Hai là tổ chức lại không gian phát triển.
Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm Quy hoạch tổng thể quốc gia nên tập trung tạo lập, phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế Bắc Nam, Đông Tây và hình thành các đầu tàu dẫn dắt đất nước. Quy hoạch để tạo không gian phát triển quốc gia thống nhất, đảm bảo liên kết nội vùng, liên kết vùng và khai thác lợi thế của từng vùng.
Đại biểu cũng cho rằng nên lựa chọn một số vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng các trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với thể chế, chính sách đặc thù và có tính vượt trội, tính đột phá. Đồng thời, quy hoạch cũng sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế gắn với không gian phát triển mới, phát triển vùng động lực và tăng trưởng quốc gia. Do đó, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị cần có sự quan tâm đến hành lang phát triển kinh tế Đông - Tây, trong đó có hành lang kinh tế Hải Phòng, Quảng Ninh, thu hút hàng hóa qua cảng từ khu vực ASEAN, khai thác và nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng cảng biển.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã xác định một số chỉ tiêu thể hiện mức độ phát triển của nước ta trong khu vực và trên thế giới như các chỉ số đổi mới sáng tạo, về năng lực cạnh tranh công nghiệp, hoàn thành xây dựng Chính phủ số thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN; phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên như là đất, nước, khoáng sản, tái sử dụng, tái chế chất thải tương đương với các nước dẫn đầu ASEAN….
Đại biểu Trình Lam Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng về tổng thể hồ sơ đã được nghiên cứu, xây dựng công phu, tuân thủ tốt Luật Quy hoạch, các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên trong bối cảnh các địa phương trong cả nước không ngừng trỗi dậy, năng động sáng tạo để vươn lên một cách mạnh mẽ, qua đối chiếu với các nội dung chi tiết, các số liệu, quy hoạch các vùng miền, quy hoạch các lĩnh vực, các ngành, các khu vực…thì định hướng phát triển của các địa phương đã vượt xa những quy định trong dự thảo. Do đó, đại biểu Trình Lam Sinh cho rằng cần phải rà soát và bổ sung thêm các nội dung như đánh giá hiện trạng phát triển rõ ràng, cụ thể, chi tiết của những ngành, lĩnh vực, từng địa phương, từng khu vực, tính liên kết nối; bổ sung hiện trạng phát triển hạ tầng để trên cơ sở định hướng được mức độ đầu tư của từng ngành, từng lĩnh vực, của từng khu vực, của địa phương đáp ứng được nhu cầu phát triển chung.
Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, còn rất nhiều nội dung, vấn đề trong Quy hoạch tổng thể quốc gia cần nghiên cứu, hoàn thiện. Chỉ tính riêng việc nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý theo những nội dung thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu thì trong thời gian từ nay đến thời điểm dự kiến biểu quyết thông qua cũng khó có thể kịp.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu rõ nội dung về đánh giá hiện trạng là cơ sở để quy hoạch. Nếu không biết hiện nay chúng ta đang ở đâu, đạt được những gì hay vướng mắc gì thì rất khó để quy hoạch nhưng nội dung về đánh giá hiện trạng còn có những phần không thống nhất. Đại biểu dẫn chứng quy hoạch đề ra chỉ tiêu đến năm 2030 khu vực nông thôn đạt 93-95 % nước sạch hợp vệ sinh. Tuy nhiên, theo Kết luận 36 của Bộ Chính trị về an ninh nguồn nước, về an toàn hồ đập đã bỏ khái niệm hợp vệ sinh, chỉ dùng một chỉ tiêu thống nhất là nước sạch trên toàn quốc. Hay như chỉ tiêu về phát thải ròng bằng 0 thì trong cả báo cáo chính và báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đều nêu một lộ trình nhưng lại không đưa ra được nguồn lực thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng nếu không kịp phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ ảnh hưởng đến các quy hoạch cấp dưới cũng như ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặt khác, thời điểm Luật Quy hoạch được ban hành là thời kỳ chưa có đại dịch COVID-19, chưa có xung đột địa chính trị, những điểm nóng trên thế giới cùng với nhiều nguy cơ, thách thức chưa thể dự báo trước, cùng với đó là những điều chỉnh chính sách kinh tế của các nước lớn trên thế giới ảnh hưởng đến Việt Nam. Lập Quy hoạch tổng thể quốc gia tuân thủ theo Luật Quy hoạch với những số liệu bị “đông cứng” phải tuân theo thì việc thông qua cũng sẽ có phần khiên cưỡng, chỉ tiêu đưa ra liệu có chắc chắn thực hiện được, hơn nữa đó còn là những chỉ tiêu làm cơ sở cho những quy hoạch khác, đại biểu Nguyễn Quang Huân bày tỏ băn khoăn.
Trước nhiều ý kiến còn băn khoăn về thời điểm thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Nguyễn Chu Hồi đặt vấn đề Quốc hội có thể ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có thống nhất việc tổng hợp ý kiến, tiếp thu chỉnh lý các nội dung để hoàn thiện Quy hoạch.
Một số hình ảnh tại phiên thảo luận tổ 12:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=72151