THẢO LUẬN TỔ 3: ĐẢM BẢO LỢI ÍCH QUỐC GIA SONG HÀNH CÙNG TUÂN THỦ CÁC QUY CHUẨN QUỐC TẾ
Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 10/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Tại tổ 3, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần đảm bảo tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc song hành với việc tuân thủ đầy đủ các quy chuẩn quốc tế.
Tổ 3 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Ngãi.
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu cho rằng cần ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD trước khi tiến hành sửa Luật để bảo đảm quyền thu thuế của Việt Nam, phù hợp với xu thế và chuẩn mực quốc tế trong quản lý thuế. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về kế hoạch, thời gian sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN để bảo đảm các nội dung về thuế phải được quy định một cách thống nhất trong Luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, cần sớm nội luật hóa việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu để bảo đảm quyền đánh thuế của Việt Nam, phù hợp với thông lệ và xu thế thuế quốc tế đang được các nước triển khai; phù hợp với các định hướng và chủ trương của Đảng về hoàn thiện chính sách thu và hội nhập quốc tế; thể hiện sự rõ ràng về môi trường đầu tư tại Việt Nam và đáp ứng yêu cầu của một số tập đoàn đầu tư nước ngoài lớn đang hoạt động và muốn được kê khai nộp thuế tối thiểu toàn cầu bổ sung tại Việt Nam, bắt đầu từ kỳ tính thuế 2024.
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Vân Chi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho biết, Nghị quyết này được ban hành nhằm xử lý về nhu cầu chính sách cho các nhà đầu tư hiện hành nước ngoài tại Việt Nam thuộc diện điều chỉnh của các quy định của OECD về thuế tối thiểu toàn cầu. Đại biểu cho rằng, cần có những quy định, chính sách pháp lý để các nhà đầu tư này có thể thực hiện được nghĩa vụ thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
Đại biểu cho biết, nhìn từ góc độ như vậy, nhiều vấn đề chưa được giải quyết trong dự thảo Nghị quyết này. Trước hết, chưa rõ cơ chế thuế đối với các nhà đầu tư mới vào Việt Nam sau khi Nghị quyết này được ban hành và có hiệu lực. Đại biểu cho biết, nếu theo quy định trong dự thảo hiện tại cũng như pháp luật về thuế hiện hành, khi vào thị trường, các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi, tuy nhiên vẫn phải nộp lại 15%, đây là điều không hợp lý mà dự thảo Nghị quyết này cần phải giải quyết.
Bên cạnh đó, về khả năng khiếu kiện, với các nhà đầu tư hiện hành đang được hưởng ưu đãi miễn giảm, có những ưu đãi miễn giảm rất lớn, nếu thu thêm thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo mức đánh thuế đối với họ là 15% thì sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư. Lợi ích của nhà đầu tư hiện nay đang được bảo đảm không chỉ bởi điều khoản về đảm bảo đầu tư, tức điều khoản quy định bất hồi tố đối với các ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, mà quan trọng hơn là được bảo đảm bằng các hiệp định, thỏa thuận, cam kết quốc tế về bảo hộ đầu tư song phương và đa phương. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính toán hết các khả năng có thể xảy ra, đảm bảo lợi ích của mỗi bên trong giao dịch.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho biết, Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ hiện còn chưa đánh giá hết những tác động đối với các tập đoàn trong nước, bao gồm cả khả năng số tập đoàn trong nước bị ảnh hưởng sẽ thay đổi hàng năm và có thể là nhiều hơn số lượng đang dự kiến. Vì vậy, Chính phủ cần tính đến các tác động này để chuẩn bị phương án, quan điểm xử lý phù hợp.
Bàn về nội dung dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, phần giải thích từ ngữ tại Điều 3 của dự thảo Nghị quyết còn khá mơ hồ, khó hiểu. Đại biểu cho biết, việc sử dụng từ ngữ, thuật ngữ trong dự thảo dựa trên cơ sở kế thừa các quy định, quy chuẩn quốc tế, tuy nhiên cần Việt hóa nhiều hơn và tốt hơn nữa, để đảm bảo ngôn từ trong văn bản pháp luật dễ hiểu, rõ ràng, để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và áp dụng.
Dù Chính phủ khẳng định khả năng khiếu kiện không cao, tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ, đại biểu cho rằng trường hợp khiếu kiện hoàn toàn có thể xảy ra, nếu để xảy ra việc tranh chấp thương mại, đưa ra đến các tổ chức tài phán quốc tế thì bên thua sẽ phải chịu chi phí tố tụng, dẫn đến nhiều rủi ro và phải huy động rất nhiều nguồn lực. Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá thêm và thể hiện rõ quan điểm về vấn đề này.
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng cần dựa trên nguyên tắc bảo đảm phương án tối ưu, phát huy thế mạnh, điều kiện của mình, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng nặng do thuế tối thiểu toàn cầu mang lại. Đó là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt quá trình xây dựng Nghị quyết.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra làm rõ, giải quyết mối quan hệ giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các nhà đầu tư với lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời phù hợp với các quy chuẩn quốc tế như các quy định của OECD. Bên cạnh đó, cần có sự cân bằng giữa thu thuế tối thiểu và điều kiện đảm bảo đầu tư, để xây dựng môi trường đầu tư ổn định, hệ thống pháp lý minh bạch rõ ràng, tạo dựng lòng tin với các nhà đầu tư.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, các đại biểu cũng cho biết, Dự thảo Nghị quyết quy định việc thu thuế tối thiểu toàn cầu của Việt Nam và cũng liên quan trực tiếp đến nội dung phân chia quyền đánh thuế quốc tế đối với các tập đoàn đa quốc gia thuộc diện điều chỉnh của nhiều nước có liên quan. Vì vậy, khi thực hiện có thể dẫn đến khả năng vướng mắc, khiếu nại về số thuế phải nộp, về cách tính toán,… của các doanh nghiệp là thành viên tập đoàn đa quốc gia.
Các đại biểu đề nghị các cơ quan quản lý liên quan chuẩn bị các giải pháp để bảo đảm việc triển khai thực hiện các quy định của Nghị quyết được thuận lợi, tránh phát sinh các mâu thuẫn, tranh chấp quốc tế như Cơ chế trao đổi thông tin hoặc phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện với các quốc gia hoặc doanh nghiệp có liên quan.
Ngoài ra, tại phiên họp này, các đại biểu cũng cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=82047