Thảo luận Tổ 3: Đánh giá những phát sinh thực tiễn để bổ sung vào dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Chiều 26/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Ủy viên Trung uơng Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự phiên thảo luận tại Tổ 3.
Tổ 3 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Nghệ An, Bắc Giang và Quảng Ngãi. Đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Tổ phó Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận.
Qua thảo luận, các đại biểu tại Tổ 3 cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành dự án Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về điện lực, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, luật hóa định hướng chủ trương, chính sách của Chính phủ về đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa.
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật này, đại biểu Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, phạm vi sửa đổi Luật chưa nên sửa toàn diện mà chỉ nên tập trung vào những vấn đề thật sự cấp thiết, đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng, làm cơ sở thực hiện mục tiêu trước mắt là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Đại biểu cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật với các luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là các luật đang được xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Về thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch thực hiện quy hoạch tại Điều 15, dự thảo Luật quy định “thẩm quyền bổ sung dự án, thay thế các dự án bị chậm tiến độ, thay đổi quy mô công suất các dự án, điều chỉnh tiến độ các dự án trong thời kỳ quy hoạch”. Đại biểu Vũ Liên Hương đề nghị rà soát, làm rõ việc điều chỉnh “bổ sung dự án”, “thay thế dự án bị chậm tiến độ”, “thay đổi quy mô công suất các dự án điện”, điều chỉnh “tiến độ dự án trong thời kỳ quy hoạch” trong kế hoạch thực hiện quy hoạch được thực hiện theo cơ sở pháp lý nào để bảo đảm phù hợp với các quy định có liên quan về thẩm quyền bổ sung, thay thế, điều chỉnh tiến độ dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Nêu rõ dự thảo Luật sửa đổi lần này có nhiều vấn đề mới, đặc biệt các quy định liên quan đến các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi (Chương III Phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, gồm 2 mục, Mục 1. Quy định về điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, 7 điều; Mục 2. Quy định về phát triển điện gió ngoài khơi, 9 điều), đại biểu Vũ Thị Liên Hương đề nghị những quy định này cần được kiểm nghiệm thực tế, đánh giá, hoàn thiện để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong việc triển khai.
Về phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Điều 24), đại biểu Vũ Thị Liên Hương đề nghị Ban soạn thảo cần có những quy định cụ thể, chi tiết trong dự thảo Luật về việc cấp điện tại các khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đồng thời khẩn trương bao phủ lưới điện quốc gia tại những địa bàn này.
Đồng tình với việc sửa đổi Luật Điện lực trong giai đoạn hiện nay nhằm đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của điện lực quốc gia hiện nay, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, nội dung sửa đổi dự án Luật rất nhiều và có nhiều nội dung quan trọng, tuy nhiên các vấn đề cụ thể trong dự thảo Luật còn chung chung, chưa rõ ràng, khó để thực hiện. Do đó, đề nghị cần có sự chuẩn bị chu đáo để khi Luật được thông qua có thể thực thi một cách hiệu quả.
Quan tâm về chính sách nhà nước về phát triển điện lực (Điều 5), đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cho rằng, tại khoản 1 Điều 5 giải thích phát triển điện lực là như thế nào thì không phù hợp và không cần thiết. Do đó, đề nghị bỏ khoản 1 Điều 5.
Liên quan đến Chương 5 về hoạt động mua bán điện và thị trường điện cạnh tranh, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cho rằng, nội dung này bắt đầu từ Điều 60 và yêu cầu của xã hội rất cao về vấn đề này. Câu hỏi đại biểu đặt ra là điện Việt Nam đã thật sự cạnh tranh hay chưa? Hay là độc quyền? Câu chuyện này vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Dự thảo Luật hiện đã đề cập đến việc cạnh trang trong mua bán điện, phát điện, truyền tải điện và bán buôn, bán lẻ điện. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, các quy định vẫn còn chung chung, nhất là tự phát điện, truyền tải điện, phân phối điện… rất khó để thực thi. Trong quá trình thực hiện, những vấn đề phát sinh chưa được đề cập nhiều trong dự thảo Luật.
Do đó, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền đề nghị dự thảo Luật cần phải đánh giá những phát sinh thực tiễn để bổ sung vào dự thảo Luật, ví dụ yêu cầu với các bên liên quan trong việc tham gia vào thị trường điện.
Đồng tình với ý kiến, của các đại biểu đã nêu, đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật có nhiều chính sách lớn, nội dung phức tạp và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp. Do đó, đại biểu mong muốn các cơ quan chức năng nghiên cứu vấn đề này.
Về chính sách phát triển điện hạt nhân (Điều 5), đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, đến thời điểm này, nên xem lại chính sách này, Luật sửa đổi lần này mở ra chủ trương để Chính phủ có cơ sở nghiên cứu, xây dựng phát triển các dự án điện hạt nhân. Vì đí cùng với chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, cần có điện nền để ổn định lưới điện. Do đó, phải tính đến điện hạt nhân.
“Tham khảo một số nước phát triển trên thế giới, tỉ lệ điện hạt nhân trong cơ cấu điện quốc gia là rất lớn, chiếm đến 30-40% chứ không phải nhỏ. Trong bối cảnh nước ta hiện nay, cần xem xét lại chính sách phát triển điện hạt nhân”. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần báo cáo, giải trình để Quốc hội thấy rõ vì sao cần tiếp tục thực hiện chiến lược điện hạt nhân.
Băn khoăn tính khả thi tại Điều 5 khoản 14 điểm d về phân cấp, phân quyền, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, quy định như dự thảo Luật có thể vướng và khó khả thi. Do đó, cần thiết thì báo cáo Quốc hội để ban hành cơ chế, chính sách đặc thù nếu thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ quyết. Vì vậy, cân nhắc lại nội dung này.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý về đấu thầu dự án nguồn điện, các chính sách về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, đặc biệt quy định về phát triển điện gió ngoài khơi)…
Cũng trong chiều nay, các đại biểu tại Tổ 3 tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên thảo luận ở Tổ 3:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=90429