THẢO LUẬN TỔ 6: LUẬT HÓA TỐI ĐA CÁC NỘI DUNG, HẠN CHẾ PHỤ THUỘC VÀO VĂN BẢN HƯỚNG DẪN

Tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 05/6, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đa số ý kiến các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi luật; đồng thời đề nghị dự thảo cần luật hóa tối đa các nội dung, hạn chế phục thuộc vào văn bản hướng dẫn.

Tổ 6 gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Phú Thọ, Đắk Nông, Trà Vinh.

Qua thảo luận, đa số các đại biểu cho rằng Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Việc sửa đổi luật này sẽ bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng; tăng cường sự an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD); tạo cơ chế xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các TCTD.

Tuy nhiên, theo các đại biểu dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới chỉ tập trung nhiều vào xử lý những vấn đề bất cập chủ yếu trong công tác quản lý nhà nước, các nội dung về tăng cường năng lực quản trị, điều hành của các ngân hàng cũng như đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ cần được hoàn thiện thêm, nhất là để phù hợp với xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời, cần quan tâm hơn đến việc thúc đẩy phát triển thị trường ngân hàng bền vững, hiệu quả; nâng cao khả năng cạnh tranh.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Liên quan về tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, một số ý kiến đại biểu chỉ ra rằng, dự thảo Luật có nội dung liên quan đến nhiều luật khác, trong đó có một số luật đang trình Quốc hội cho ý kiến như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…Và các luật trình Quốc hội xem xét thông qua như Luật Giao dịch điện tử, Luật Hợp tác xã, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng....

Do đó, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính khả thi, khắc phục tối đa những vướng mắc trong áp dụng, triển khai thực hiện quy định của Luật, các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát dự thảo Luật với quy định tại các luật liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật. Đồng thời, cần rà soát các quy định có liên quan tại các FTA khác như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để bảo đảm sự tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án luật này, đại biểu Cầm Hà Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết, về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, khoản 2 Điều 91 của dự thảo luật quy định, tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Đại biểu cho rằng, việc sử dụng cụm từ “theo quy định của pháp luật” khiến cho trong xử lý vụ việc, các cơ quan chức năng thực thi pháp luật như công an, kiểm sát, tòa án không biết nên áp dụng pháp luật về tín dụng ngân hàng hay theo pháp luật về dân sự. Đại biểu đề nghị cần bỏ cụm từ “theo quy định của pháp luật” để khắc phục hạn chế này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại phiên họp

Một số ý kiến cũng cho rằng, quy định về “người có liên quan” tại dự thảo Luật chưa thống nhất với Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán có thể dẫn đến vướng mắc trong triển khai thực hiện. Trên thực tế, sự chưa thống nhất này rất có thể sẽ phát sinh trường hợp người kê khai không biết mình có quan hệ với những người liên quan như con riêng của vợ hoặc chồng; anh, chị, em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha... Do đó, các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát hoàn thiện quy định này và các quy định về hạn chế đối với từng đối tượng người có liên quan để bảo đảm quyền lợi của người dân trong việc tham gia các hoạt động kinh tế cũng như tránh tình trạng vô tình rơi vào các quy định cấm này.

Về nội dung ngân hàng chính sách, có ý kiến đại biểu nêu rõ, việc quy định về ngân hàng chính sách tại dự thảo Luật là cần thiết nhằm xác định rõ ràng địa vị pháp lý, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại, nâng cao năng lực quản trị, điều hành hoạt động, phát triển bền vững các ngân hàng này.

Tuy nhiên một số ngân hàng chính sách có những đặc thù riêng và thực hiện những nội dung, nhiệm vụ khác nhau nhưng đều nhằm thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc như mục tiêu, mô hình hoạt động, quản trị, điều hành, cơ chế quản lý tài chính, các chỉ tiêu an toàn vốn, tổ chức lại, giải thể... để Chính phủ có cơ sở quy định chi tiết; bổ sung, hoàn thiện các quy định về ngân hàng chính sách, bảo đảm không vướng mắc và đủ căn cứ pháp lý khi triển khai thực hiện.

Tại phiên họp, đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, về giải thích từ ngữ, cần bổ sung giải thích khái niệm “ngân hàng chính sách” và “công ty tài chính”, cùng với đó, cần thay thế khái niệm “vốn tự có” tại khoản 10 Điều 4 thành “vốn chủ sở hữu” cho phù hợp với ngôn ngữ thông dụng trong quản lý tài chính các doanh nghiệp bao gồm cả ngân hàng.

Đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu

Đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu

Khoản 24 Điều 4 có quy định, góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng là việc tổ chức tín dụng góp vốn cấu thành vốn điều lệ, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác, bao gồm cả việc nhận chuyển nhượng, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác, việc cấp vốn, góp vốn vào công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng; góp vốn vào quỹ đầu tư và ủy thác vốn cho các tổ chức khác góp vốn, mua cổ phần theo các hình thức nêu trên. Đại biểu đề nghị cân nhắc thay từ “mua cổ phần” thành “góp cổ phần”, thay từ “góp vốn”, thành “góp vốn chủ sở hữu”.

Về quyền hoạt động ngân hàng, khoản 2 Điều 8 dự thảo luật quy định, nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán. Đại biểu đề nghị nghiên cứu, cân nhắc kỹ quy định này, bởi hoạt động ngân hàng bao gồm: nhận tiền gửi, cung cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản, trên thực tế, nhiều loại doanh nghiệp khác có thể thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ này trong hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát quy định cụ thể hơn và thể hiện rõ mục đích của dự án Luật trong việc tăng cường chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, nhất là Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng bảo đảm an toàn hệ thống, trong đó có việc đánh giá và công khai xếp hạng tín nhiệm của các TCTD.

Tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, dự thảo luật vẫn còn một số nội dung chưa cụ thể hóa, giao cho Chính phủ hướng dẫn, còn phụ thuộc nhiều vào các văn bản dưới luật. Đại biểu đề nghị quy định rõ, cụ thể hóa vào các điều khoản ngay tại văn bản luật thay vì giao Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra văn bản hướng dẫn.

Quan tâm tới vấn đề bao thanh toán, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng đây là vấn đề mới, hiện nay cách hiểu về khái niệm này của Việt Nam và thế giới còn có khoảng cách, không đồng nhất, vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ để dự án luật cập nhật được sự phát triển mới của thị trường tài chính, quy định hợp lý về quy trình thủ tục bao thanh toán, cụ thể hóa quy định cho phép chiết khấu các công cụ chuyển nhượng điện tử.

Ngoài ra, các đại biểu cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh các hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm phát triển nhanh chóng, đa dạng và các vi phạm ngày càng tinh vi, đòi hỏi phải có sự phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và chia sẻ thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để tạo cơ sở pháp lý trong triển khai và phát hiện, ngăn ngừa sớm các rủi ro của thị trường. Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát những điểm giao thoa giữa các luật trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, thể chế hóa trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan trong luật. Nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiến tới xây dựng hệ thống thanh tra, giám sát, độc lập và thống nhất đối với thị trường ngân hàng, tài chính, bảo hiểm bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng cần thay thế khái niệm “vốn tự có” tại khoản 10 Điều 4 thành “vốn chủ sở hữu” cho phù hợp với ngôn ngữ thông dụng trong quản lý tài chính các doanh nghiệp bao gồm cả ngân hàng

Đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng cần thay thế khái niệm “vốn tự có” tại khoản 10 Điều 4 thành “vốn chủ sở hữu” cho phù hợp với ngôn ngữ thông dụng trong quản lý tài chính các doanh nghiệp bao gồm cả ngân hàng

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị quy định rõ, cụ thể hóa vào các điều khoản ngay tại văn bản luật thay vì giao Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra văn bản hướng dẫn

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị quy định rõ, cụ thể hóa vào các điều khoản ngay tại văn bản luật thay vì giao Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra văn bản hướng dẫn

Các đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính khả thi, khắc phục tối đa những vướng mắc trong áp dụng, triển khai thực hiện quy định của Luật

Các đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính khả thi, khắc phục tối đa những vướng mắc trong áp dụng, triển khai thực hiện quy định của Luật

Các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát những điểm giao thoa giữa các luật trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, thể chế hóa trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan trong luật./.

Các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát những điểm giao thoa giữa các luật trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, thể chế hóa trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan trong luật./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=76636