THẢO LUẬN TỔ 8: CẦN HOÀN THIỆN HƠN MỘT SỐ QUY TRÌNH THỦ TỤC ĐẤU GIÁ VỚI TÀI SẢN HÌNH THÀNH TRONG TƯƠNG LAI

Chiều ngày 8/11, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Thảo luận tại tổ 8, nhiều đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật, góp phần khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả xử lý tài sản, nhất là tài sản công. Tuy nhiên, cần hoàn thiện hơn một số quy trình, thủ tục đấu giá, đặc biệt đối với loại tài sản hình thành trong tương lai.

Tổ 8 gồm các Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ, Điện Biên, Vĩnh Long, Bình Định

Điểm mới của dự thảo Luật Đấu giá tài sản(sửa đổi) là bổ sung một số quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, cách thức xác định tiền đặt trước trong trường hợp giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền, theo số lượng khối tài sản và giá khởi điểm cao nhất; việc người có tài sản đấu giá xét duyệt yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá. Bên cạnh đó, nội dung sửa đổi còn có việc dừng, hủy bỏ việc tổ chức đấu giá trong một số trường hợp; bổ sung Điều mới quy định nguyên tắc điều hành cuộc đấu giá trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này để đảm bảo phù hợp với thông lệ của các nước trên thế giới. Quy định này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá chung đối với một số tài sản đặc thù trong thời gian qua, góp phần khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả xử lý tài sản, nhất là tài sản công.

Sửa Luật đấu giá tài sản là cần thiết

Thảo luận tại tổ 8, đa số ý kiến cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản là cần thiết. Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến (Điện Biên) cho rằng, dù mới thi hành Luật này được 5 năm, đạt được một số kết quả nhưng công tác này hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc đã được Chính phủ nêu trong Tờ trình dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi). Cụ thể, theo Tờ trình của Chính phủ, trong 5 năm thực hiện Luật Đấu giá tài sản, đội ngũ đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản ngày càng trưởng thành, lớn mạnh với hơn 1.200 đấu giá viên và gần 600 tổ chức đấu giá tài sản. Số lượng cuộc đấu giá ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách nhà nước đạt giá trị lớn. Từ tháng 7.2017 đến tháng 12.2022, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 200.000 cuộc đấu giá, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là gần 110.000 tỷ đồng.

Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên

Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên

Tuy nhiên vẫn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như chất lượng của đội ngũ đấu giá viên vẫn còn một số hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề. Một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn phát sinh; chưa có quy định riêng đối với một số tài sản đặc thù; tình trạng tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản diễn ra ngày càng phức tạp; cơ chế hủy kết quả đấu giá trong một số trường hợp còn vướng mắc. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản còn hạn chế nhất định; cơ chế kiểm soát hoạt động đấu giá bộc lộ thiếu sót. Một số cơ quan, người có tài sản đấu giá còn thiếu trách nhiệm trong việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá dẫn đến việc phát hiện, xử lý sai phạm chưa kịp thời

Còn theo đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, việc ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ giúp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản; góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, hiệu quả của hệ thống pháp luật.

Cần quy định để ngăn chặn hành vi thao túng thị trường

Tuy nhiên, góp ý cụ thể về một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá trong dự án Luật, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, có nội dung còn chưa thật phù hợp với thực tiễn phát sinh, nhất là đối với một số tài sản đặc thù, hay cơ chế hủy kết quả đấu giá trong một số trường hợp cụ thể. Trong đó, dự thảo luật chưa quy định rõ ràng về đấu giá tài sản hình thành trong tương lai, dự án bất động sản là các căn hộ, nhà ở… mà người mua đã đặt cọc, hay thanh toán một phần giá trị tài sản theo hợp đồng? hay đấu giá về quyền sở hữu trí tuệ, phát minh, sáng chế, giải pháp, phần mềm, công nghệ…Trong khi đó, thời gian qua, trong đấu giá tài sản đã xuất hiện hiện tượng thao túng giá khởi điểm, đấu giá rất cao rồi bỏ cọc gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo nhằm thu lợi, tạo nên cơn sốt đất ảo…

Đại biểu Tạ Thị Yên, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên

Đại biểu Tạ Thị Yên, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, dự thảo Luật dù đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy kết quả đấu giá theo hướng quy định rõ chủ thể, căn cứ hủy kết quả đấu giá đảm bảo khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự, hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá nhằm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xác định rõ trách nhiệm của người có hành vi vi phạm dẫn đến việc hủy kết quả đấu giá. Tuy nhiên, nếu chỉ sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Đấu giá tài sản thì không đủ để ngăn chặn những hành vi mang tính chất thao túng thị trường, đầu cơ, nhất là trong lĩnh vực bất động sản khi trong thực tế diễn biến của các phiên đấu giá, khi hành vi của các chủ thể không bình thường, dự thảo luật cần quy định hoãn hoặc dừng phiên đấu giá. Đại biểu Tạ Thị Yên cũng đề nghị cần có một giải pháp mang tính tổng thể hơn đối với các chính sách về tín dụng, đất đai, doanh nghiệp và đấu giá tài sản để giải quyết các tồn tại hiện nay.

Bên cạnh đó, đại biểu Tạ Thị Yên cũng đề nghị cần phân tích, làm rõ những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến sự không thống nhất, thiếu đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, đấu giá và quản lý thuế, tài chính, tín dụng doanh nghiệp, nhất là về điều kiện đăng ký tham gia đấu giá, năng lực tài chính của người tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá. Vì nếu chỉ sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá thì không đủ để ngăn chặn những hành vi mang tính chất thao túng thị trường, đầu cơ, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Do đó, cần giải pháp mang tính tổng thể hơn đối với các chính sách về tín dụng, đất đai, doanh nghiệp, và đấu giá tài sản để giải quyết các tồn tại trên.

Đối với quy định hủy kết quả đấu giá, theo đại biểu, dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy kết quả đấu giá theo hướng: Quy định rõ chủ thể, căn cứ hủy kết quả đấu giá đảm bảo khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự, hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá nhằm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xác định rõ trách nhiệm của người có hành vi vi phạm dẫn đến việc hủy kết quả đấu giá. Tuy nhiên, cần quy định rõ trường hợp hoãn hay dừng phiên đấu giá, khi hành vi của các chủ thể trong diễn biến của các phiên đấu giá có hiện tượng không bình thường, hoặc quá vô lý.

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động đấu giá tài sản, đại biểu Tạ Thị Yên đồng tình với sửa đổi quy định theo hướng công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan, cá nhân liên quan cho rằng. Tuy nhiên, để tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong quá trình tổ chức đấu giá, dự thảo Luật cần sửa đổi, bổ sung một số quy định về quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá, trách nhiệm trong việc quản lý, vận hành, hướng dẫn sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia; Cần quy định chi tiết hơn về năng lực bộ máy, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ có liên quan đến xử lý, đấu giá tài sản công, tài sản doanh nghiệp Nhà nước trong những trường hợp tương tự nhằm đảm bảo cho cuộc đấu giá được công khai, minh bạch, hạn chế tối đa tiêu cực, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Cũng tại phiên thảo luận, góp ý về mức giá khởi điểm, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, mức giá khởi điểm khá thấp, chẳng hạn, mức giá khởi điểm đấu giá số điện thoại chỉ 262.000 đồng.

Nêu thực tế, một số tài sản có giá khởi điểm thấp nhưng giá trúng lại cao gấp vài nghìn lần, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị, điều chỉnh lại mức giá linh hoạt hơn, bổ sung thêm mức giá theo phần trăm, ngoài mức giá tối đa, tối thiểu, cố định như trong dự thảo luật. Chẳng hạn khi đấu giá số điện thoại, giá khởi điểm là 262.000 đồng nhưng khi đấu giá lên đến 1 triệu đồng, mức giá tiếp theo nên là 5% của 1 triệu đó. Khi đến 100 triệu đồng, mức tiếp theo là 5% của 100 triệu đồng. Như vậy, mức đấu giá sẽ phù hợp. Tương tự, nhiều biển số ô tô được đấu giá lên đến hàng tỷ đồng nhưng người sau có khi chỉ cần thêm 5 triệu đồng đã thắng, là rất vô lý. Khi đã ở mức 1 tỷ, giá sau cần trả cao hơn khoảng 50 triệu.

Góp ý kiến về quy định bỏ kết quả đấu giá, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, nếu người đấu giá chứng minh được yếu tố bất khả kháng dẫn đến bỏ đấu giá như mất tài sản, lũ lụt, gặp tai nạn thì có thể được chấp nhận, không bị xử lý. Tuy nhiên, nếu không chứng minh được, nên cấm người đó đấu giá tài sản trong khoảng thời gian nhất định. Trong trường hợp người trúng đấu giá không nhận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất có thể cho phép người đấu giá cao thứ hai có quyền được nhận tài sản để hạn chế không phải đấu giá lại, mất thời gian và công sức.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long

Đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long

Bên cạnh đó, góp ý vào Điều 4 về tài sản đấu giá, đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho rằng không nên sử dụng phương pháp liệt kê như dự thảo Luật đang quy định. Lý do là điều này dễ dẫn đến trùng lặp hoặc gây chồng chéo, mâu thuẫn khi luật điều chỉnh các lĩnh vực chuyên ngành - ví dụ như đất đai, viễn thông, tần số vô tuyến điện, khoáng sản..., sẽ phải sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, khó dự liệu hết những loại tài sản mới sẽ phát sinh trong tương lai (ví dụ như các tài sản, quyền tài sản của trí tuệ nhân tạo (AI) nếu được công nhận trong tương lai).

Đại biểu Trịnh Minh Bình cũng nhất trí với việc bổ sung quy định về Cổng đấu giá tài sản quốc gia tại dự thảo Luật nhằm phù hợp với yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản. Tuy nhiên, ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quản lý Cổng Đấu giá tài sản quốc gia trong việc bảo mật, lưu trữ thông tin và bảo đảm Cổng vận hành thông suốt, hiệu quả. Ngoài ra, đại biểu Trịnh Minh Bình cũng đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kinh phí để bảo đảm thi hành Luật.

Theo dự kiến, dự án Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp này và xem xét thông qua tại Kỳ họp tháng 5.2024.

Một số hình ảnh tại phiên họp tổ 8:

Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ 8 ( gồm các Đoàn Cần Thơ, Vĩnh Long, Bình Định, Điện Biên)

Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ 8 ( gồm các Đoàn Cần Thơ, Vĩnh Long, Bình Định, Điện Biên)

Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ dự phiên thảo luận tổ 8

Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ dự phiên thảo luận tổ 8

Đại biểu Bùi Văn Nghiêm, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long chủ trì phiên thảo luận

Đại biểu Bùi Văn Nghiêm, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long chủ trì phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định phát biểu tại phiên thảo luận

Hải Yến - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=81921