Tháo ngòi nổ xung đột Serbia - Kosovo

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ngày 29-12 thông báo, người Serbia ở phía Bắc Kosovo bắt đầu dỡ bỏ các chướng ngại vật mà họ đã sử dụng để chặn các cửa khẩu biên giới trong những tuần gần đây, góp phần tháo ngòi nổ căng thẳng giữa Serbia và nhà nước tự tuyên bố độc lập Kosovo.

Lực lượng giữ gìn hòa bình của NATO ở Kosovo

Lực lượng giữ gìn hòa bình của NATO ở Kosovo

“Bóng ma” xung đột

Thông báo của Tổng thống Aleksandar Vucic đưa ra sau cuộc họp khẩn vào đêm 28-12 (giờ địa phương) giữa các nhà lãnh đạo Belgrade và người Serbia ở Kosovo. Theo Reuters, người Serbia ở Kosovo đã thiết lập hơn 10 rào chắn ở phía Bắc Kosovo và có thể mất tới 2 ngày để dỡ bỏ hoàn toàn. Trước đó, những người biểu tình đã chặn cửa khẩu biên giới Merdare - một trong những con đường chính nối Serbia và Kosovo.

Mặc dù vậy, Tổng thống Aleksandar Vucic thừa nhận, quá trình tháo dỡ chướng ngại vật không phải đơn giản và sự ngờ vực không được loại bỏ. Căng thẳng giữa Serbia và Kosovo bắt đầu leo thang vào tháng 11 khi Kosovo ra lệnh cấm biển số xe do Serbia cấp. Sau đó, các nhà chức trách ở Kosovo đã lùi bước trước các cuộc xuống đường từ cộng đồng người Serbia ở Kosovo cũng như áp lực từ Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, các cuộc xuống đường tiếp tục leo thang khi một cựu cảnh sát người Serbia bị bắt giữ do bị cáo buộc hành hung các sĩ quan cảnh sát Kosovo. Những người biểu tình Serbia sau đó rào chắn các con đường nối Serbia và Kosovo. Serbia cũng đã ra lệnh cho quân đội của mình sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất vào ngày 26-12. Tướng Milan Mojsilovic, Tư lệnh quân đội Serbia, tuyên bố, Tổng thống Aleksandar Vucic đã phái ông tới khu vực biên giới với Kosovo trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên gia tăng căng thẳng.

Căng thẳng Serbia và Kosovo làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột mới giữa hai bên khi mà “bóng ma” xung đột Serbia - Kosovo (1998-1999) vẫn chưa chấm dứt. Cuộc xung đột này chỉ kết thúc khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) can thiệp bằng cách không kích vào tháng 3-1999 dẫn đến việc các lực lượng Serbia phải rút khỏi Kosovo. Hiện có khoảng 120.000 người Serbia trong số 1,8 triệu dân của Kosovo.

Nỗ lực kêu gọi kiềm chế

NATO, EU và Mỹ liên tục kêu gọi Kosovo và Serbia có các bước đi “ngay lập tức” để giảm căng thẳng trong bối cảnh bất ổn đang gia tăng tại khu vực cửa khẩu biên giới. Trong tuyên bố chung, EU và Mỹ cho biết họ kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, hành động ngay lập tức để giảm căng thẳng và kiềm chế các hành động khiêu khích, đe dọa hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm giải quyết tình hình.

Lực lượng giữ gìn hòa bình của NATO tại Kosovo (KFOR) tuyên bố ủng hộ đối thoại giữa tất cả các bên để xoa dịu căng thẳng ở miền Bắc Kosovo. Theo AP, Thiếu tướng Angelo Michele Ristuccia, Tư lệnh KFOR, nhấn mạnh, điều tối quan trọng là các bên liên quan phải tránh mọi phát ngôn hay hành động có thể gây căng thẳng và leo thang tình hình, cần tìm ra giải pháp thông qua đối thoại.

Trong một động thái liên quan, EU đã chuyển một bản dự thảo cập nhật về đề xuất bình thường hóa quan hệ giữa Kosovo và Serbia, cùng với mốc thời gian và phác thảo các hành động. Trong hơn 11 năm, EU đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đối thoại giữa Belgrade và Pristina, và mặc dù các thỏa thuận đã được ký kết nhưng phần lớn vẫn chưa được thực hiện, mỗi bên vẫn tồn tại những điểm vướng mắc đáng kể.

EU và Mỹ cho biết, đang làm việc với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và người đứng đầu chính quyền Kosovo Albin Kurti để tìm kiếm một giải pháp chính trị. EU và Mỹ hoan nghênh sự đảm bảo từ các quan chức Kosovo rằng không bắt giữ những người Serbia có thể đã tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa và dựng rào chắn, nhưng cũng kêu gọi người Serbia tại Kosovo tuân thủ luật pháp.

KHÁNH MINH tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thao-ngoi-no-xung-dot-serbia-kosovo-post673943.html