Ảnh AI: Đẹp nhưng là đồ giả, không tạo nên nổi cảm xúc
Nhiếp ảnh vốn là nghệ thuật ghi lại khoảnh khắc tạo ra cảm xúc cho người xem. Nhưng giờ đây với sự xuất hiện của AI, một bức ảnh đẹp xuất phát từ cú nhấp chuột, ban đầu công chúng trầm trồ khen ngợi nhưng về sau họ thấy nhàm chán đến mức vô cảm.
Trước đây có câu nói quen thuộc: "Hoa giả đẹp như hoa thật" hay "Hoa thật đẹp như hoa giả" để nói về hoa tươi, hoa giả trên thị trường thì ngày nay những lời thốt lên như: "Ảnh đẹp như AI tạo ra" và "Ảnh AI đẹp như ảnh thật"... lại xuất hiện nhiều tương tự. Câu chuyện thật, giả lần này nằm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nhiếp ảnh.
AI đang mở ra một kỷ nguyên sáng tạo chưa từng có, làm thay đổi sâu sắc nhiều lĩnh vực trong đó phải nói đến hình ảnh, từ hỗ trợ chỉnh sửa ảnh, phục dựng hình ảnh cũ, cho đến tạo ra những bức ảnh đẹp như thật mà không cần máy ảnh, thậm chí nó có thể làm được những đoạn video dài hết sức sống động.
Cũng chính vì thế, mặt trái của sự phát triển AI đang đe dọa nghiêm trọng tính chân thật và giá trị nghệ thuật của nghề nhiếp ảnh, đặc biệt là trong cách sử dụng đối với công chúng của nhiều người.
Vài ngày qua trên mạng xã hội xảy ra cuộc tranh luận về bức ảnh cá voi ở biển của một nhiếp ảnh gia, nhưng đó lại là một sản phẩm của trí tuệ nhân tạo. Tỷ lệ AI trong ảnh là bao nhiêu %, chi tiết nào là thật, là giả chỉ giới chuyên môn mới phát hiện ra được. Bức ảnh cho thấy một con cá voi nổi phần đầu lên mặt biển, bọt bắn tung lên, hai chú chim được đặt ở hai góc hình với bố cục rất hợp lý, phía sau là cảnh mặt trời đang từ từ lặn xuống, cảnh hoàng hôn vàng rực rỡ. Ban đầu tác phẩm này được nhiều người xem khen ngợi hết lời, nhưng khi biết nguồn gốc của nó, câu chuyện lại rẽ sang một hướng khác.
Sẽ không nổ ra tranh cãi nào sau đó nếu như ngay từ đầu tác giả này ghi rõ nguồn gốc rằng tác phẩm được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo. Chỉ khi bị giới chuyên môn mổ xẻ, phân tích, nhiếp ảnh gia mới sửa lại mô tả bằng cách ghi thêm chữ “Ảnh AI”.

Khoảnh khắc một con cá voi nổi phần đầu lên trên mặt biển là một trong nhiều tác phẩm ảnh AI xuất hiện trên mạng
Đó chỉ là một trong nhiều tác phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo, loại ảnh có màu sắc bắt mắt, khoảnh khắc lạ dễ dàng đánh lừa người xem. Tuy nhiên, giữa một thế giới mạng xã hội ngày ngày hàng nghìn tác phẩm ảnh được đăng tải, một người bình thường không thể phân biệt được đâu là "hàng thật hay giả".
Nhà báo Lê Quang Trung (VOV) cho rằng, đã là nhiếp ảnh gia không nên dùng ảnh AI trong bất cứ trường hợp nào. "Việc tạo ra những tác phẩm giả mạo, sau đó công bố như thể đó là kết quả của công sức của mình để tô vẽ bản thân là điều hết sức tối kỵ. Đặc biệt là nếu ở lĩnh vực ảnh báo chí, việc sử dụng AI để thay đổi nội dung của ảnh đi ngược lại với nguyên tắc, vi phạm đạo đức báo chí”, anh nói.
Sáng 10/7, nhiếp ảnh gia Trần Bảo Hòa chụp được khoảnh khắc cá voi và đàn chim trên biển vào thời điểm mặt trời mọc rất đẹp, nhưng khi đăng tải lên trang cá nhân mạng xã hội, anh phải chụp lại màn hình máy ảnh với thông số rõ ràng từ thời gian, thể hiện là file RAW đến kích cỡ ảnh… để chứng minh rằng tác phẩm của mình là thật. Một hành động nhỏ đó đã cho thấy sự lan rộng của loại ảnh giả - AI, không chỉ làm nhiễu loạn thị trường mà còn làm mất lòng tin của công chúng vào những người làm nghề chân chính. Nhiều nhiếp ảnh gia thực thụ, những người sẵn sàng dậy từ 3h sáng, trèo đèo lội suối để bắt lấy khoảnh khắc “vàng” của thiên nhiên như anh Hòa chắc chắn không bao giờ tự chế ảnh AI đưa lên mạng xã hội khoe.

Trần Bảo Hòa chia sẻ ảnh chụp thật cảnh cá voi lúc bình minh bằng cách đưa hết thông số gốc trên màn hình máy ảnh
“Một khoảnh khắc đẹp không chỉ là hình ảnh mà còn là câu chuyện, là hành trình gian nan đợi nắng đợi mưa, chờ mây chờ gió để có được. Nếu ai đó có thể ngồi ở nhà và tạo ra cả thế giới chỉ bằng AI, thì ý nghĩa của nghề này sẽ đi về đâu?”, phóng viên ảnh Nguyễn Hải (báo Lao Động) chia sẻ.
Còn phóng viên Nguyễn Thành cho rằng, nếu tác phẩm phục vụ cho nghệ thuật sáng tạo cá nhân (ví dụ: ảnh ý tưởng, ảnh trừu tượng, ảnh siêu thực), thì AI có thể được xem như một công cụ hỗ trợ sáng tạo, giống như photoshop hay các phần mềm chỉnh sửa ảnh khác. Lúc này, ranh giới giữa chụp ảnh và tạo ảnh trở nên linh hoạt. Nhưng nếu tác phẩm phục vụ cho báo chí, tài liệu, phóng sự, ảnh du lịch chân thực thì tuyệt đối không nên để AI can thiệp quá sâu vào nội dung gốc. Bởi vì trong những thể loại này, giá trị cốt lõi là tính trung thực và sự phản ánh đúng thực tế.
“Nếu AI bị dùng để thêm vào hoặc loại bỏ các yếu tố chính trong bức ảnh (chèn người, bầu trời giả, thay đổi phong cảnh, tạo hiệu ứng không có thật), điều đó không còn là nhiếp ảnh thuần túy nữa. Lúc này, bản chất tác phẩm đã biến đổi và cần được gọi đúng tên tác phẩm số hóa, chứ không còn là nhiếp ảnh", anh Thành khẳng định.
Nhiếp ảnh là kể chuyện bằng ánh sáng và thời gian. Mỗi bức ảnh phản ánh khoảnh khắc mà người nghệ sĩ thực sự đã sống và cảm nhận. Nếu một nhiếp ảnh gia dùng AI để “bịa” ra cảnh vật hay khoảnh khắc chưa từng tồn tại, mà vẫn nhận là “tôi chụp được”, thì đó là sự gian dối. Người nghệ sĩ có quyền sáng tạo, nhưng cũng có trách nhiệm với khán giả. Công chúng cần biết họ đang chiêm ngưỡng ảnh thật hay ảnh tạo dựng.
Còn nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Hải Thịnh cho rằng, ảnh tạo ra từ AI chỉ hợp với một nhóm nhỏ những người chơi ảnh hoặc có thể dùng cho hoạt động quảng cáo. Phần mềm có AI chỉ đóng vai trò công cụ hỗ trợ chỉnh sửa nhẹ nhàng, làm đẹp cho ảnh. Bản thân những người làm nghề nhiếp ảnh chân chính không ưa thích ảnh làm ra bởi máy tính, vì nó rất giả, không tạo nên được cảm xúc cho công chúng.
“Không nên sử dụng AI khi tác phẩm cần tính trung thực tuyệt đối (ảnh báo chí, ảnh tư liệu, ảnh phóng sự, ảnh dự thi chuyên nghiệp). Can thiệp quá sâu vào tác phẩm sẽ làm biến đổi thực tế, đánh lừa công chúng hoặc gây tổn thương đến những người làm nghề chân chính”, ông Thịnh nói.
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ Dương Quốc Bình, giảng viên bộ môn ảnh báo chí - Học viện BCTT khẳng định, AI thường tạo ra những hình ảnh có bố cục chặt chẽ, ánh sáng ấn tượng, thậm chí hoàn hảo về mặt thị giác, khiến người xem dần hình thành những chuẩn mực thẩm mỹ không còn sát với thực tế. Điều này vô tình tạo ra một áp lực rất lớn cho những phóng viên ảnh ngoài thực địa, vốn phải đối mặt với điều kiện thời tiết, ánh sáng và bối cảnh không thể kiểm soát hoàn toàn.
"Tuy nhiên, tôi tin rằng ảnh báo chí chân thực vẫn có giá trị riêng biệt. Đó là giá trị của trải nghiệm cá nhân, của sự dấn thân và câu chuyện thật đằng sau mỗi bức ảnh. Những yếu tố ấy, dù công nghệ có phát triển đến đâu, cũng không thể thay thế được", tiến sĩ Bình nói.
Nhìn chung công nghệ AI không có lỗi. Vấn đề ở cách con người sử dụng nó. Khi sự trung thực bị đánh đổi để lấy sự nổi tiếng hay lợi ích cá nhân thì chính giá trị cốt lõi của nghệ thuật nhiếp ảnh bị đe dọa.