Thắp lửa nhân văn trên mỗi trang báo

Vừa đấu tranh với tiêu cực, phản ánh mặt trái của xã hội nhưng vẫn không quên sứ mệnh chuyển tải những thông điệp, việc làm tử tế, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu, thắp lên những ngọn lửa của lòng nhân ái, lối sống đẹp trong cộng đồng là tôn chỉ được nhiều cơ quan báo chí luôn kiên trì, bền bỉ thực hiện.

Sứ mệnh lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Xuyên suốt lịch sử, nền báo chí Cách mạng Việt Nam luôn thể hiện tư tưởng nhân văn, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của cuộc sống. Các cơ quan báo chí luôn đi đầu, tích cực tuyên truyền những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình hay, cách làm hiệu quả cùng gương người tốt, việc tốt, góp phần đưa hình ảnh quê hương, đất nước, con người Việt Nam thân thiện, hòa bình, hữu nghị đến với bạn bè trên thế giới.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trao giải thưởng cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2024.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trao giải thưởng cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2024.

Trên thực tế, tự thân những tấm gương người tốt,việc tốt, điển hình tiên tiến đã có giá trị. Nhưng giá trị ấy sẽ có cơ hội phát huy, tỏa sáng khi được lãnh đạo và các cơ quan báo chí, nhà báo động viên, khích lệ kịp thời, đúng lúc, qua đó tạo sức lan tỏa và nhân rộng trong cộng đồng. Điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt không chỉ là cá nhân, tập thể có đóng góp cho sự nghiệp chung, đạo đức trong sáng, có tâm, có tầm mà còn hiểu biết khoa học, kỹ thuật, biết làm giàu cho bản thân, cộng đồng với tình cảm “lá lành đùm lá rách”, cùng nhau chia sẻ khó khăn, giúp nhau giảm nghèo, làm giàu cho quê hương, đất nước… Họ là những bác sĩ, những cán bộ, viên chức, những người công nhân, hay những nông dân vượt khó vươn lên, đưa ra những cải tiến, sáng tạo đem lại năng suất cao trong lao động, sản xuất…

Trong suốt chặng đường dài, báo Lao động Thủ đô nói riêng và báo chí Việt Nam nói chung đã và đang làm tốt sứ mệnh cao cả, đó là nuôi dưỡng niềm tin cho công chúng, mang đến cho công chúng thông điệp tốt đẹp từ chính những tấm gương cá nhân, tập thể nỗ lực học tập, công tác tốt, tự nguyện cống hiến, hi sinh vì mục tiêu cao cả của cộng đồng, xã hội và đất nước. Với sứ mệnh đó, nhiều cơ quan báo chí đã tạo được niềm tin yêu trong lòng bạn đọc.

Trò chuyện cùng những độc giả, chúng tôi nhận thấy họ được tiếp thêm niềm vui, những nguồn năng lượng tích cực mỗi khi đón đọc những tác phẩm báo chí nhân văn. Mỗi khi nhắc đến báo chí là gia đình ông Lê Đình Duật, quận Thanh Xuân lại vui, không khí trong nhà dường như cũng vì thế mà rôm rả hơn. Ông Duật vui một phần vì qua báo chí phong trào hiến máu tình nguyện của gia đình ông đã được truyền tải và khắc họa rõ nét, qua đó “tiếp lửa” cho phong trào hiến máu tình nguyện mang ý nghĩa đầy nhân văn.

Theo lời ông Duật, ông đã gắn bó với hoạt động thiện nguyện hơn 20 năm qua. Năm 1999, khi có phong trào hiến máu nhân đạo ở địa phương, ông tình nguyện tham gia. Kiểm tra sức khỏe, ông bị huyết áp thấp nên không thể hiến máu. Không được hiến máu, thể hiện vai trò gương mẫu, đi đầu của đảng viên, ông Lê Đình Duật đã tiên phong vận động các thành viên trong gia đình cùng đi hiến máu. Cứ thế, bằng tấm lòng nhiệt huyết với phong trào hiến máu nhân đạo, ông Duật đã xây dựng được một gia đình cả nhà cùng đồng hành trong việc tuyên truyền, vận động và tham gia hiến máu tình nguyện.

Để giữ vững sứ mệnh nhân văn cao cả của báo chí, mỗi nhà báo cần làm nghề với phương châm khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, vì lợi ích của cộng đồng, đất nước và nhân dân. Là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, những người làm báo không chỉ có trách nhiệm tuyên truyền, lan lỏa những giá trị tốt đẹp đó mà tự thân phải phấn đấu là những người xây dựng và thực thi. Do vậy, trong từng bài báo, trên mỗi chuyên mục, mỗi nhà báo cần có nhiệm vụ gìn giữ bản sắc văn hóa, thắp lên ngọn lửa tri thức. Mỗi sản phẩm báo chí phải thấm đẫm tính nhân văn, lắng đọng giá trị văn hóa dân tộc, đủ sức lay động lòng người.

Trước tấm lòng nhiệt huyết của ông, mọi người nhiệt tình ủng hộ và tham gia, trong đó, vợ ông là bà Lê Thị Kim Dinh đã hiến 13 đơn vị máu; con gái cả Lê Thanh Hà đã hiến 15 đơn vị máu; con gái thứ Lê Thanh Nam đã hiến 83 đơn vị máu; con trai Lê Quyết Thắng đã hiến 69 đơn vị máu; con dâu Đỗ Thị Liễu đã hiến 3 đơn vị máu; cháu ngoại Đào Ngọc Linh (sinh năm 2004) đã hiến 2 đơn vị máu. Các thành viên trong gia đình ông luôn cảm thấy vui vì đã làm được những việc hết sức ý nghĩa, đóng góp lớn cho xã hội, cộng đồng. Không chỉ các thành viên trong gia đình tham gia hiến máu, hơn 22 năm, gia đình ông Duật đã vận động được 1.092 lượt người tham gia hiến máu tình nguyện.

“Ban đầu khi kêu gọi mọi người cùng tham gia hiến máu nhân đạo, có người tin, có người còn e ngại, không dám tham gia, nhưng do vẫn kiên trì theo đuổi con đường thiện nguyện, công việc tôi làm được chính quyền địa phương, chính quyền Thành phố ghi nhận, tôi được các cấp trao khen thưởng, được các phóng viên báo chí viết bài. Ngay sau đó, tôi được nhiều người biết đến, mọi người từ các địa phương cũng tìm đến tôi trò chuyện và cùng đăng ký, tham gia hiến máu, nhờ đó đã lan tỏa hoạt động ý nghĩa này. Tôi hi vọng qua báo chí, thông điệp về những giọt máu nghĩa tình đã và sẽ lan tỏa, tiếp thêm nguồn sống cho người bệnh, góp phần bồi đắp, nhân lên những giá trị nhân ái”, ông Lê Đình Duật nhắn gửi.

Thực tế có nhiều mô hình, cách làm hiệu quả được lan tỏa, nhân rộng thông qua báo chí. Đó là mô hình bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo nơi bệnh viện, qua đó giúp nhiều bệnh nhân nghèo giảm bớt khó khăn, an tâm điều trị bệnh. Là những tấm gương thầm lặng dành trọn thời gian, công sức gìn giữ, khôi phục nét đẹp văn hóa của quê hương như rối nước, hát dô. Là những người thầm lặng làm việc tốt, thầm lặng cống hiến, thầm lặng giúp đời, giúp người như bà Trần Thị Bích Được - Trưởng thôn Thượng, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh suốt nhiều năm dạy miễn phí cho nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ, Down, chậm phát triển, trong đó 32 cháu đã hòa nhập cộng đồng. Hay như, Chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Thường Tín Hoàng Thị Khương nhiều năm liền cũng thầm lặng dạy nghề miễn phí cho những người nghèo, thanh thiếu niên mồ côi…

Không chỉ vậy, báo chí đã phát huy vai trò trong công tác xây dựng Đảng, những tấm gương đảng viên gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám đảm đương những nhiệm vụ khó khăn phức tạp, vì lợi ích của chính địa phương, đơn vị, ngay từ khu dân cư đã được các cơ quan báo chí truyên truyền rõ nét. Tiêu biểu như: Ông Nguyễn Văn Khuê - Bí thư Chi bộ 4, Đảng bộ phường Phú Thượng, quận Tây Hồ tuyên truyền, vận động, thuyết phục, phân tích với các hộ dân có đất nằm trong chỉ giới thu hồi giải phóng mặt bằng dự án khu đô thị Nam Thăng Long giai đoạn 3, kết quả đến nay 100% hộ dân đã đồng thuận; ông Đỗ Văn Thái, đảng viên phường Bưởi, quận Tây Hồ đã tuyên truyền, vận động, hòa giải việc tranh chấp đất đai tồn tại qua nhiều năm tại ngõ 370 Thụy Khuê…. Những thông tin tích cực, những tấm gương điển hình được đăng tải trên báo chí đa dạng và phong phú song đều có đặc điểm nhất quán là đã và đang “gieo” những “hạt giống tử tế”, nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Kiên định với mục tiêu đã chọn

Những năm gần đây do xu hướng phát triển ồ ạt của mạng xã hội, đã và đang xuất hiện cách làm báo rất đáng lo ngại gây hoang mang trong dư luận. Một số tờ báo khai thác đời tư cá nhân hoặc đưa những thông tin sai lệch để giật gân, câu khách mà không lường đến hậu quả. Điều này đã khiến công chúng cho rằng chỉ là những thông tin mang tính giật gân câu khách, một màu xám dường như đang bao phủ cuộc sống... Điều ấy đã và đang khiến bạn đọc ngày càng mất đi niềm tin vào các cơ quan báo chí.Nhiều nhà báo rất nhiệt huyết, xông pha, dũng cảm đi tìm ngọn nguồn sự thật nhưng khi đưa thông tin lại chưa có sự cân nhắc thấu đáo về hậu quả thông tin trong bài báo mình đưa ra. Không ít tờ báo khi đưa tin bài về các vụ án còn nặng về miêu tả chi tiết gây hiếu kỳ, tò mò, kích động, tạo dư luận cách nhìn cực đoan cho giới trẻ về cuộc sống xã hội, hoặc viết về các nạn nhân bị xâm hại không sửa tên, đưa hình ảnh cận mặt, địa chỉ rõ ràng ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của họ sau này…

Công nhân lao động đón đọc những tác phẩm báo chí.

Công nhân lao động đón đọc những tác phẩm báo chí.

Hay như, những người làm báo cũng từng “giật mình” khi nhìn thấy một khối lượng thông tin về những mặt trái trong đời sống xã hội được đưa đến độc giả ngày càng nhiều. Thế nhưng, trong “biển” thông tin ấy, nhiều cơ quan báo chí đã tự sàng lọc bằng những bài báo được viết lên bằng trái tim của người cầm bút. Các chuyên mục chuyện tử tế; người tốt, việc tốt; Hà Nội văn minh, thanh lịch… được nhiều cơ quan báo chí xây dựng để giới thiệu những con người tử tế, tôn vinh giá trị sống đẹp. Đó là những câu chuyện đời thường dung dị, không hề giật gân nhưng vẫn thu hút một lượng lớn độc giả. Điển hình như, từ nhiều năm nay, Báo Lao Động Thủ đô duy trì chuyên mục “Công nhân giỏi Thủ đô”; “Gương sáng”; “Đi và gặp”… mà ở đó nêu những tấm gương, những cách làm hay, những hành động nhân văn của mỗi cá nhân, qua đó tích cực truyền cảm hứng về tinh thần quả cảm, hết lòng vì cộng đồng, đất nước; cổ vũ tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp làm giàu, vì lợi ích chung của người dân, doanh nghiệp.

Từ sự đón nhận của độc giả có thể khẳng định, trong số các yếu tố của báo chí, yếu tố nhân văn vẫn là tiêu chí quan trọng hàng đầu, nhất là báo chí thời đại chuyển đổi số hiện nay. Tựu chung lại có thể thấy, mang đến niềm tin cho một cuộc đời bất hạnh, tìm được công lý cho một người oan khuất, tạo ra một sự thay đổi có ích trong một lĩnh vực nào đó hay đơn thuần chỉ là giúp con người bớt u ám và thêm một chút lạc quan về cuộc sống... đó là sứ mệnh cao cả nhất của các bài báo.

Hiện nay, báo chí Việt Nam đang trải qua sự chuyển mình sâu sắc và mạnh mẽ về cách thức làm nghề. Cách thức làm nghề có thể khác và cần phải khác với tinh thần đổi mới và sáng tạo không ngừng, nhưng tâm thế làm nghề, lý tưởng làm nghề và đạo đức làm nghề của mỗi nhà báo thì không thể khác. Để giữ vững sứ mệnh nhân văn cao cả của báo chí, mỗi nhà báo cần làm nghề với phương châm khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, vì lợi ích của cộng đồng, đất nước và nhân dân. Là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, những người làm báo không chỉ có trách nhiệm tuyên truyền, lan lỏa những giá trị tốt đẹp đó mà tự thân phải phấn đấu là những người xây dựng và thực thi. Do vậy, trong từng bài báo, trên mỗi chuyên mục, mỗi nhà báo cần có nhiệm vụ gìn giữ bản sắc văn hóa, thắp lên ngọn lửa tri thức. Mỗi sản phẩm báo chí phải thấm đẫm tính nhân văn, lắng đọng giá trị văn hóa dân tộc, đủ sức lay động lòng người.

Đánh giá về những điều cần và có trong mỗi nhà báo, anh Hoàng Quý Tuyên - Bí thư Đoàn thanh niên - Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên xã Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội cho hay: “Trong “cơn bão” của thời đại số hóa, để tạo được niềm tin của bạn đọc, người làm báo trong quá trình tác nghiệp ngoài việc tôn trọng sự thật phải chú ý đến yếu tố nhân văn trong cách thể hiện. Ngòi bút của người viết phải có tính nhân văn. Khi viết báo phải suy nghĩ đến hiệu quả, đến cái “hậu” về sau, phải biết lấy cái đẹp, dẹp cái xấu. Điều độc giả cần khi mở tờ báo ra, đó không phải là những thông tin gây hoang mang dư luận, ức chế tâm lý, mà thay vào đó là sự tươi mới, tạo sự vui vẻ, hướng độc giả đến những điều tốt đẹp”.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Mai Loan, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Kenmec Việt Nam chia sẻ: “Bạn đọc chúng tôi cần mỗi bài báo phải là một tác phẩm văn hóa, thấm đẫm tính nhân văn, lắng đọng giá trị văn hóa dân tộc, đủ sức lay động lòng người, hướng tới các giá trị cao đẹp của chân-thiện-mĩ. Báo chí Việt Nam cần kể nhiều câu chuyện, tấm gương truyền năng lượng, cảm hứng tích cực cho người dân và cho doanh nghiệp. Đất nước ta có vô vàn người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, nhưng đa phần họ chỉ được biết đến trong một nhóm người, một cộng đồng nhỏ, khi được báo chí phát hiện, khích lệ, tôn vinh, những tấm gương cao quý đó có cơ hội được tỏa sáng, nhân rộng, truyền cảm hứng và động lực”.

Nguyễn Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thap-lua-nhan-van-tren-moi-trang-bao-172464.html