Thắp lửa tình yêu văn hóa truyền thống cho học sinh

Không chỉ là nơi vun đắp tri thức, Trường Trung học cơ sở (THCS) Tân Thượng (huyện Di Linh) còn là điểm sáng trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Góp phần làm nên thành công ấy là thầy Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1979) - Hiệu trưởng nhà trường, người đã dành trọn tâm huyết để gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đến thế hệ trẻ.

Thầy Dũng không chỉ là người truyền dạy kiến thức mà còn là người bạn, người cha tận tâm của bao thế hệ học sinh DTTS

Thầy Dũng không chỉ là người truyền dạy kiến thức mà còn là người bạn, người cha tận tâm của bao thế hệ học sinh DTTS

Năm 2000, thầy Dũng bắt đầu sự nghiệp giáo dục tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Di Linh. Hơn 20 năm gắn bó, từ một giáo viên đến cương vị Phó Hiệu trưởng, thầy không chỉ là người truyền dạy kiến thức mà còn là người bạn, người cha tận tâm của bao thế hệ học sinh DTTS.

Qua những năm tháng giảng dạy, thầy nhận ra rằng, dù sinh ra và lớn lên trong môi trường giàu bản sắc văn hóa, nhưng không ít học sinh DTTS vẫn chưa thực sự hiểu và trân trọng những di sản quý báu của dân tộc mình. “Nếu không được gìn giữ và bồi đắp, những nét đẹp văn hóa truyền thống sẽ dần mai một theo thời gian. Điều quan trọng là khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm trong các em, để các em chủ động kế thừa, phát huy di sản của cha ông”, thầy Dũng chia sẻ.

Mang theo tâm huyết ấy, khi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thượng (nơi có hơn 95% học sinh là người DTTS, chủ yếu là dân tộc K’Ho) vào năm 2021, thầy càng quyết tâm biến những dự định của mình thành hành động cụ thể, từng bước thắp lên ngọn lửa gìn giữ văn hóa trong lòng thế hệ trẻ. Một trong những sáng kiến giàu ý nghĩa của thầy là việc khuyến khích giáo viên, học sinh mặc trang phục truyền thống vào mỗi thứ Hai hàng tuần và các dịp lễ lớn. Những ngày đầu, không ít phụ huynh và học sinh còn e dè, chưa quen với sự thay đổi này. Nhưng bằng sự kiên trì, tận tâm cùng những hành động thiết thực, thầy đã truyền cảm hứng để các em thêm yêu thích, tự tin khoác lên mình bộ trang phục dân tộc. Không đơn thuần là một quy định, đây còn là cách để thầy Dũng khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giúp học sinh hiểu rằng văn hóa không chỉ thuộc về quá khứ, mà còn là một phần sống động của chính các em hôm nay.

Không dừng lại ở đó, thầy Dũng còn mong muốn học sinh có thể viết thành thạo chữ K’Ho. Với quyết tâm ấy, thầy đã mạnh dạn đề xuất mở lớp dạy chữ viết K’Ho ngay tại trường. Từ năm học 2022 - 2023, Trường THCS Tân Thượng phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng xã Tân Thượng triển khai lớp học đặc biệt này, thu hút 70 học viên, bao gồm cán bộ đoàn xã, công chức cấp xã và học sinh trong trường. Đây là một bước đi tiên phong đầy ý nghĩa trong việc bảo tồn ngôn ngữ K’Ho. Thời gian đầu, việc tổ chức lớp học gặp không ít khó khăn, nhưng với sự kiên trì của thầy cùng sự hỗ trợ tận tâm của giáo viên dạy chữ K’Ho, lớp học dần đi vào nền nếp. “Năm nay, lớp chữ viết K’Ho bước sang năm thứ hai với 45 học sinh, chủ yếu là học sinh lớp 7. Các em học ba tiết mỗi tuần và nhiều em đã có thể viết chữ của người K’Ho”, thầy Dũng chia sẻ với niềm phấn khởi.

Em K’Thọe là một trong số đó. Bắt đầu làm quen với chữ viết K’Ho từ năm lớp 7, đến nay, khi đã là học sinh lớp 9, em có thể viết thành thạo ngôn ngữ của dân tộc mình. “Biết viết chữ K’Ho, em cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào. Thầy Dũng cùng nhiều thầy cô ở đây đã truyền cho chúng em tình yêu đối với văn hóa K’Ho. Nhờ đó, em thấy mình gắn kết hơn với cội nguồn và bản sắc dân tộc”, K’Thọe chia sẻ.

Bên cạnh đó, thầy còn dành nhiều tâm huyết để khơi dậy tình yêu với âm nhạc truyền thống trong học sinh. Hiểu rằng cồng chiêng chính là hồn cốt của văn hóa Tây Nguyên, thầy đã vận động mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho hơn 40 học sinh của trường. Dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân trong vùng, các em không chỉ học cách đánh chiêng mà còn thấm nhuần ý nghĩa sâu xa của từng nhịp chiêng, từng điệu múa.

Song song với việc gìn giữ bản sắc văn hóa, thầy Dũng cũng không quên chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Thầy cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường đã xây dựng một môi trường học tập thân thiện và hiệu quả cho học sinh. Nhờ những đổi mới và sáng tạo trong công tác quản lý, năm học 2023 - 2024, Trường THCS Tân Thượng được công nhận là tập thể lao động xuất sắc, đạt danh hiệu cơ quan trường học văn hóa và vinh dự được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen vì những thành tích nổi bật trong năm học.

Dưới sự dẫn dắt của thầy Dũng, Trường THCS Tân Thượng đã trở thành một “mái nhà chung”, nơi văn hóa truyền thống được bảo tồn và lan tỏa. Học sinh không chỉ tiến bộ trong học tập mà còn thêm gắn bó với cội nguồn, tự hào về bản sắc dân tộc mình. “Tôi thực sự yêu văn hóa của người K’Ho và mong muốn góp phần gìn giữ những giá trị đẹp đẽ ấy. Khi học sinh biết trân trọng truyền thống, các em cũng trở nên ý thức hơn trong cách ứng xử. Ba năm trở lại đây, nhà trường không còn xảy ra tình trạng bạo lực học đường, học sinh ngày càng yêu thích đến trường, tỷ lệ bỏ học giảm đáng kể. Chất lượng giáo dục vì thế cũng được nâng cao”, thầy Dũng chia sẻ.

Tận tâm với sự nghiệp “trồng người”, thầy Nguyễn Văn Dũng vẫn ngày ngày lặng thầm gieo những mầm xanh văn hóa, để những giá trị truyền thống không bị mai một mà ngày càng được nâng niu, phát triển. Nỗ lực của thầy không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa mà còn nuôi dưỡng những thế hệ học sinh tự hào về cội nguồn, trở thành những người kế tục di sản văn hóa giàu bản sắc của dân tộc mình.

NHẬT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202502/thap-lua-tinh-yeu-van-hoa-truyen-thong-cho-hoc-sinh-a734256/