Nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học thứ 7
Tính đến ngày 23/2, có 13 tỉnh, thành phố đã hoặc đang thí điểm cho học sinh nghỉ học vào ngày thứ 7.
Tính đến ngày 23/2, có 13 tỉnh, thành phố đã hoặc đang thí điểm cho học sinh nghỉ học vào ngày thứ 7.
Mới đây, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị đồng ý chủ trương thí điểm dạy học 5 ngày/tuần cấp trung học. Đối tượng áp dụng là các trường THCS, THPT và cơ sở giáo dục thực hiện chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Thời gian đề xuất thực hiện thí điểm từ ngày 1/3 đến hết năm học 2024-2025.
Tại Yên Bái, từ học kỳ 2 năm học này, tỉnh Yên Bái triển khai thí điểm dạy học 5 ngày/tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu, nghỉ học thứ Bảy và Chủ nhật đối với học sinh cấp THCS trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, việc thí điểm tổ chức dạy học 5 ngày/tuần (bao gồm cả dạy học các môn học, tổ chức hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ chính khóa) để học sinh nghỉ ngày thứ Bảy, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh có thời gian tự học, tự bồi dưỡng, tham gia hoạt động cộng đồng, xã hội.
Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cho biết, về cơ bản, chủ trương học 5 ngày/tuần bước đầu nhận được sự đồng tình, ủng hộ của giáo viên, phụ huynh, học sinh trên địa bàn tỉnh vì học sinh nghỉ học vào thứ Bảy sẽ góp phần giảm tải áp lực, các em có thời gian để vui chơi bên gia đình hoặc tham gia các hoạt động để phát triển toàn diện các kỹ năng. Các giáo viên có thêm thời gian tái tạo sức lao động, tham gia các khóa bồi dưỡng, tự học để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.
Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng mới ban hành văn bản về định hướng, dự kiến thí điểm tổ chức triển khai dạy học 5 ngày/tuần (nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật) trên địa bàn tỉnh.
Để đảm bảo sự đồng thuận khi triển khai thí điểm, sở này yêu cầu các đơn vị trực thuộc sở, các phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường tổ chức tuyên truyền, lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động; tổ nhóm chuyên môn; phụ huynh học sinh và học sinh trong toàn đơn vị về chủ trương tổ chức dạy học 5 ngày/tuần. "Các phòng GD&ĐT báo cáo, xin ý kiến UBND các huyện, thị xã, thành phố trước khi chỉ đạo, hướng dẫn các trường THCS về chủ trương triển khai thí điểm", Sở GD&ĐT Bắc Giang lưu ý.

Các địa phương cho học sinh nghỉ học thứ 7.
Trước đó, một loạt các địa phương như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Lai Châu, Lào Cai, Khánh Hòa, Nghệ An, Ninh Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ... đã thực hiện đại trà hoặc thí điểm cho học sinh THCS nghỉ học thứ Bảy. Tuy cách làm khác nhau nhưng đều cùng mục đích giảm áp lực cho học sinh, giúp giáo viên và học sinh có thêm thời gian nghỉ ngơi, học sinh có cơ hội học thêm các kỹ năng sống.
Việc quyết định cho học sinh nghỉ học vào ngày thứ Bảy nhằm giảm áp lực học tập, cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh có thêm thời gian nghỉ ngơi, ôn tập và tham gia các hoạt động ngoại khóa, từ đó cân bằng giữa việc học và phát triển kỹ năng mềm.
Ngoài ra, nghỉ thứ Bảy giúp giảm căng thẳng, tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh. Các trường cũng có thể sắp xếp lại thời khóa biểu một cách hợp lý hơn, tập trung vào hiệu quả giảng dạy thay vì chỉ kéo dài số lượng tiết học. Bên cạnh đó, quyết định này còn giúp đồng bộ với xu hướng giáo dục hiện đại khi nhiều nước trên thế giới đã áp dụng lịch học từ thứ Hai đến thứ Sáu.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể dành nhiều thời gian hơn cho con vào cuối tuần, tạo sự gắn kết gia đình.
Hiện nay, một số địa phương đang thí điểm mô hình này để đánh giá tác động trước khi triển khai rộng rãi.