Thấp thỏm làng hoa
Không như những dòng hoa cao cấp, có giá trị cao được chào đón trong mỗi dịp xuân về. Loài hoa đơn giản, mộc mạc và bình dân như cái tên của nó lại là những điểm nhấn không thể thiếu trong đời sống gia đình Việt... Đâu đó vẫn hiện bên góc nhà của những người yêu nét đẹp bình dị với loài hoa bình dân. Năm nay, làng hoa 'bình dân' vừa vui mừng nhưng mang theo cả sự thấp thỏm cận kề.
Thấp thỏm làng hoa
Mừng vì thuận lợi
Truyền thống của người dân Phan Thiết vào dịp tết thường trong nhà cũng phải có vài chậu hoa cúc hay vạn thọ… Loài hoa bình dị, nhưng tiềm ẩn nét đẹp đời thường cũng giống như đời sống người dân trồng hoa mỗi mùa vụ.
Thôn Tiến Thạnh (xã Tiến Lợi, TP. Phan Thiết), có thể gọi nôm na là làng hoa “bình dân”, bởi mỗi năm nơi này đã góp phần tô điểm cho các chợ hoa, các ngôi nhà thêm nhiều màu sắc. Buổi sáng của những ngày tháng chạp, vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Tuấn lại vun vén tưới cho gần 5.000 chậu hoa các loại: vạn thọ Pháp, cúc ngũ sắc, mào gà, trường sanh… xanh ươm trong vườn để chuẩn bị “đẩy” đi. Ông Tuấn cho biết: “Năm nay thời tiết thuận lợi nên hoa đẹp và đều lắm sẽ nở đúng. Còn giá cả thì cũng chưa biết được. Nhiều người mua, mình sẽ để giá sỉ chứ cũng không dám ôm, vì năm nay khó khăn quá, người mua không biết có nhiều không”.
Theo kinh nghiệm nhiều năm, ông Tuấn cho biết hoa năm nay đẹp, không riêng gì vườn nhà mà đi vô nhiều vườn khác cũng đẹp lắm. Đang mong đến lúc đó sẽ thế nào mà thôi. Thường những loài hoa này người ta sẽ bắt đầu xuống chợ từ 20 tháng chạp. “Cô chú già rồi, không thể thuê chỗ, thức đêm hôm bán được nên ai mua sỉ cũng bán, mình bán giá tốt để người ta kiếm đồng lời vì có nhiều chi phí lại đêm hôm” - vợ ông Tuấn chia sẻ. Bà con xóm làng ở gần mua lẻ cũng bán để mọi người có cái chưng tết. Vạn thọ thời điểm này bỏ giá sỉ 15.000 đồng, cúc ngũ sắc nhỉnh hơn vài ngàn đồng, trường sanh cây thì cũng tầm 20.000 – 25.000 đồng.
Chạy dọc theo con hẻm bê tông, vợ chồng chị Trần Thị Lan đang vận chuyển cúc ngũ sắc xuống bỏ lại cho mấy vựa bán lẻ. Chị Lan vui vẻ cho biết: “Cúc ngũ sắc năm nay đẹp và đều cây nhìn sung lắm. Anh chị không bán lẻ, chỉ bỏ cho mấy trại hoa cho họ bán, hoặc người mua sỉ rồi thuê chỗ bán. Mình bỏ giá mềm để người ta dễ bán, kệ cũng kiếm đồng ra đồng vào với nhau”. Vợ chồng chị Lan cũng chỉ trồng một vài loại hoa bình dân như thược dược, mào gà, cúc ngũ sắc, vạn thọ, ớt kiểng… Những loại cây, hoa không nhiều giá trị kinh tế nhưng lại có đời sống và gắn bó gần gũi với biết bao gia đình Việt. “Nói vậy chứ nông dân trồng hoa bán tết phần vì kinh tế, phần vì cái nghề nhưng dịp này cũng mong muốn có không khi đón xuân, mà năm nay thấy cũng lo lắm” - chị Lan chia sẻ.
Thấp thỏm
Theo con đường mòn, nằm sâu trong khu nghĩa địa, là bạt ngàn những luống hoa của anh Phú, gần cả chục ngàn chậu hoa các loại. Anh Phú trước là Công an xã Tiến Lợi, sau khi nghỉ về tiếp tục nghề nông của gia đình. Năm nào anh cũng trồng hoa, trong năm thì làm ít hơn. Anh mượn những khoảnh đất trống trong khu vực mình ở để trồng hoa, tối thì cùng mấy anh em ngủ để trông chừng, vì hoa đang chuẩn bị đưa xuống chợ, cũng có phần lo lắng. Nước thì tận dụng giếng khoan rồi kéo dây tưới, điện thì câu nhờ các bình hạ thế của mấy vườn thanh long gần đó, mình phụ họ tiền điện – anh Phú cho biết.
Nhìn vườn hoa gần 10.000 chậu của anh Phú, chúng tôi cảm nhận niềm vui và hy vọng cho họ trong dịp tết. Thành phố Phan Thiết năm nay là năm đầu tiên có đường hoa xuân Tân Sửu, và anh Phú cũng là người may mắn khi cung cấp hơn 4.000 chậu hoa vạn thọ cho đơn vị thi công công trình này. “Vui chứ, vì đã góp phần chút ít cho quê hương làm đẹp đường phố. Giá cả thì mình cũng cố gắng để giá mềm nhất cho đơn vị đang thi công, thậm chí mềm hơn giá bỏ sỉ. Vì việc này không phải mua bán không mà còn là phúc lợi cho đời sống tinh thần” - anh Phú nói.
Vui là vậy, nhưng mấy ngày nay nghe dịch Covid-19 quay trở lại, nhiều nông dân cũng lo lắng và thấp thỏm. “Năm nay trồng hoa thấy có hiệu quả, nhưng cũng lo lắng lắm. Cả năm qua dân mình khó khăn vì dịch bệnh, giờ nghe có dịch tiếp, chú không biết buôn bán được không? Chưa kể, hoa xuống chợ mà “bê” (ý đụng chợ, nhiều loài hoa có sức mua yếu) thì coi như xong” – ông Tuấn bộc bạch.
Hình như ngay lúc này, những luống hoa sung mãn xanh um với chi chít nụ đang vươn mình dưới nắng cũng không thể che lấp được nỗi lo lắng của nhiều nông dân. “Chị nghe nói có dịch trở lại nên cũng lo lắng lắm, không biết quê mình ổn không, chứ xảy ra thì khổ nữa” - chị Lan cho biết. Chỉ chuyên trồng hoa vạn thọ, tuy không nhiều nhưng với ông Tuấn hơn ai hết hiểu được nghề làm nông. Ông nói: “Nhìn thấy vậy, chứ bán sỉ thì không lời bao nhiêu đâu, vì cái nghề thôi con. Xưa giờ rồi bỏ sao đành, mà giờ tình hình này lo quá, lo không ai mua thì buồn lắm”.
Ai bảo nghề trồng hoa dịp tết sung sướng, họ cũng mang nặng những ưu tư, bất an trước những khó khăn của dịch bệnh. Rất có thể người ta chưa thấy tận tường dưới cái nắng chan chát, nông dân vẫn nai lưng tưới từng luống hoa mỗi ngày, chưa nhìn thấy cảnh họ phơi mình giữa sương lạnh để trông chừng những chậu hoa cho kịp tết.
Phóng sự: quang nhân
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/thap-thom-lang-hoa-134877.html