Thấp thỏm mùa hoa Tết
Giá cả thị trường và hoa có nở đúng vào dịp Tết hay không là hai nỗi lo thường trực của người trồng các loại hoa cao cấp tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) trong mùa hoa Tết năm nay. Theo gia đình anh Nguyễn Hùng Vỹ, làng hoa Vạn Thành, TP Đà Lạt, một trong rất ít hộ dám đầu tư tới 1ha hoa lily phục vụ thị trường Tết 2021.
Anh Vỹ cho biết: “Trồng hoa lily Tết giống như một canh bạc. Nếu được mùa, trúng giá thì ăn lớn. Mất mùa, trượt giá, hoa nở không đúng thời điểm thì trắng tay. Có khi còng lưng trả nợ tới vài năm chưa xong!...”.
Nghề trồng hoa tại TP Đà Lạt mặc dù đã chuyển sang thời kỳ ứng dụng công nghệ cao nhưng vẫn không nhàn hạ như nhiều người lâu nay vẫn mường tượng. “Làm lụng vất vả, hồi hộp từng ngày đấy!.. Từ khi xuống giống cho tới ngày thu hoạch có rất nhiều rủi ro. Khi nào cầm được tiền trong tay mới chắc!”, anh Vỹ nói.
Năm nay, người trồng các loại hoa Tết cao cấp tại thủ phủ hoa Đà Lạt không chỉ đối diện với nỗi lo về giá cả mà đang “sốt vó” vì không biết hoa có nở đúng vào dịp Tết hay không. Theo anh Nguyễn Hùng Vỹ, do năm nay nhuận nên người trồng hoa, ngay cả những người có hàng chục năm kinh nghiệm trồng hoa lily Tết như anh cũng khó đoán định được thời tiết nắng mưa, gió rét thế nào để “căn” thời điểm xuống giống hoa cho nở đúng Tết.
Thông thường, từ giữa tháng 11 trở đi Đà Lạt không còn mưa, trời có nắng trong ngày nhưng năm nay lại khác hẳn. Mặc dù đã chuyển sang năm 2021 nhưng gần đây vùng trồng hoa lớn nhất cả nước vẫn xuất hiện những cơn mưa trái mùa, trời âm u và giá rét. “Kiểu thời tiết này có thể khiến cho mọi tính toán của người trồng hoa đi đến sai lầm, hoa nở không trúng Tết!..”, anh Vỹ nói.
Ông Nguyễn Văn Hưng, một lão nông có 20 năm kinh nghiệm trồng lily Tết ở làng hoa Thái Phiên, TP Đà Lạt cho biết: “Lily là loại hoa cao cấp, muốn có được sản phẩm đạt chất lượng, giống hoa, phân bón đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, phải được gia chủ chăm bón đúng kỹ thuật. Vì thế, đây là loài hoa có chi phí đầu tư cao nhất trong các loại hoa Tết hiện nay!..”.
Theo ông Hưng, chưa tính việc đầu tư nhà kính, chi phí cho mỗi sào hoa lily Tết luôn dao động vào khoảng 350-400 triệu đồng nên khả năng xảy ra rủi ro rất cao. Trong khi đó, hiện nay người trồng hoa lily vẫn chưa tìm ra cách khống chế hoa nở chậm lại hoặc kích thích cho hoa nở sớm hơn theo ý đồ của mình.
“Nếu nở đúng vào dịp Tết, mỗi bó hoa lily thường được bán tại vườn với giá dao động trên dưới 150.000 đồng/bó 5 cây. Tuy nhiên, hoa nở trật Tết thì giá chỉ còn 30.000-40.000 đồng/bó và rất khó tiêu thụ trong khi chỉ tính riêng tiền giống mỗi củ lily nhập về đã có giá khoảng 10.000 đồng!..”, ông Hưng cho biết.
Cũng theo nông dân này, năm nay với những biến cố lớn về dịch bệnh COVID-19 và thiên tai hoành hành tại nhiều địa phương trong cả nước đã gây thiệt hại rất lớn cho người dân. Người trồng hoa cao cấp tại TP Đà Lạt vẫn chưa thể định hình được thị trường Tết tới như thế nào.
Theo ông Nguyễn Đức Học, Chủ tịch Hội Nông dân phường 5, nơi có làng hoa Vạn Thành nổi tiếng của TP Đà Lạt, năm nay địa phương chỉ có khoảng 3ha trồng lily Tết. So với vụ hoa Tết năm trước, diện tích hoa lily giảm tới khoảng 70%. Nguyên nhân là do nhiều nhà trồng hoa lo sợ ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên có tâm lý dè chừng, thu hẹp diện tích gieo trồng.
l Thường niên, bắt đầu từ tháng 10 âm lịch, thương lái các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi… đã tìm đến làng hoa Cẩm Hà đặt cọc mua quất cảnh để bán chưng Tết. Thế nhưng, năm nay dù đã đến tháng 12 âm lịch, nhưng người đến mua vẫn rất thưa thớt. Những ngày này, về Cẩm Hà sẽ dễ dàng bắt gặp những vườn quất đang độ chín vàng, người trồng quất đang tất bật chăm sóc cho các chậu quất cảnh. Tuy nhiên, trái với tâm trạng khấp khởi mừng vui từ những vụ mùa bội thu của các năm trước, năm nay người trồng quất Cẩm Hà trĩu nặng âu lo.
Ngoài những ngày này thời tiết trở lạnh đột ngột thì những tháng vừa qua ở khu vực miền Trung cũng ảnh hưởng bão và mưa lớn liên tục khiến lượng lớn quất cảnh nơi đây bị hư hại. Cùng với đó là tình trạng nấm bệnh trên cây quất cảnh, khiến người trồng quất càng hoang mang. Đang cùng vợ nhổ bỏ hàng loạt cây quất bị rụng trái do nấm bệnh ra khỏi chậu, ông Cao Minh Thanh ở thôn Bầu Ốc, xã Cẩm Hà, buông tiếng thở dài khi nhắc đến vụ quất cảnh sắp sửa cho thu hoạch.
Ông Thanh ngậm ngùi chia sẻ, trải qua một năm gió bão dồn dập và nhiều trận ngập nước do mưa lớn, vườn quất rộng gần 1ha, với 800 cây quất của gia đình ông chịu thiệt hại nặng nề “Đợt mưa lớn vừa rồi nước ứ quá nhiều gây úng những gốc quất. Hơn 300 cây quất có giá trung bình mỗi cây giá 5 triệu đồng đã hư hại toàn bộ.
Người dân chúng tôi quanh năm dành dụm tiền để trồng quất mong cuối năm thu được chút ít trang trải cho gia đình, đón Tết sung túc. Năm nay tốn kém phân thuốc nhân công nhưng đành phải hạ giá quất xuống để bán vì lo dịch sẽ không ai mua”, ông Thanh rầu rĩ nói…
Ông Nguyễn Thành Được, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Hà cho hay: Vào thời điểm này mọi năm, người trồng quất cảnh ở Hội An cơ bản đã “chốt đơn hàng” xong và tập trung vào chăm sóc để giao hàng cho thương lái đúng chất lượng và đúng thời gian. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khiến ngành Du lịch Hội An điêu đứng nên nhiều khách sạn, nhà hàng ở địa phương cũng chưa nghĩ đến việc trang trí quất cảnh trong dịp Tết Nguyên đán; còn các bạn hàng ở xa cũng hết sức… èo uột.
Cũng theo ông Được, toàn xã Cẩm Hà có hơn 500 hộ dân chuyên trồng quất cảnh để bán vào dịp Tết Nguyên đán. Sau bão, người dân cố gắng chăm sóc số quất còn lại để bán Tết nhưng tình hình tiêu thụ rất khó khăn. Mấy ngày qua, một vài tiểu thương tới đặt hàng nhưng đưa ra giá cũng thấp hơn 20% so với năm trước...
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/thap-thom-mua-hoa-tet-627231/