Tập đoàn Rheinmetall là đơn vị sản xuất vũ khí lớn nhất của Đức, doanh nghiệp này nổi tiếng khi cho ra đời những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Leopard tiên tiến nhưng cũng vô cùng đắt đỏ.
Tính cạnh tranh quốc tế đang tước đi những đơn đặt hàng quan trọng của nhà sản xuất xe tăng Đức, lý do là bởi xe tăng Leopard không thể góp phần thay đổi tình thế cuộc xung đột ở Ukraine, theo ấn phẩm Deutsche Wirtschafts Nachrichten (DWN).
Tờ báo DWN lưu ý rằng thông tin về các sự kiện ở mặt trận Ukraine gây ấn tượng buồn cho khách hàng về sản phẩm quốc phòng xuất xứ từ Đức. Hóa ra những chiếc xe tăng Leopard 2 trị giá hàng triệu USD lại không thể hoạt động tốt ngoài thực địa.
Những cỗ chiến xa đắt đỏ hàng đầu thế giới đang cho thấy chúng có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa, hoặc thậm chí bị phá hủy chỉ bởi một phát bắn từ súng phóng lựu RPG-7 "cổ điển" với giá thành 500 USD.
Những quả mìn đặt khắp nơi khiến chiếc xe tăng Leopard bị nổ tung là một câu chuyện khác, tô điểm thêm thất bại của dòng MBT này, tức là không "vũ khí thần kỳ" nào của Đức có thể giúp Kyiv chiếm ưu thế lớn về chiến thuật.
Tệ nhất là nhà sản xuất Đức có những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ và nặng ký đến từ Hàn Quốc, các doanh nghiệp như vậy bắt đầu chiếm lĩnh không chỉ thị trường xe bọc thép của châu Á mà còn cả Đông Âu.
Số tiền lớn từ Warsaw và các quốc gia châu Âu khác - những thành viên NATO vốn quen dùng vũ khí Đức lại đi thẳng về Seoul, bỏ qua Berlin, đã giáng một đòn nặng nề vào tham vọng của Tập đoàn Rheinmetall.
Thất bại mới nhất của Rheinmetall là việc gần đây xe chiến đấu bộ binh Lynx KF41 bị thua trong cuộc cạnh tranh với AS21 Redback, do công ty Hanwha của Hàn Quốc chào bán cho Ba Lan.
Trước những gì diễn ra, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Đức cần phải tiến hành những thay đổi triệt để mới mong lấy lại được vị thế dẫn đầu mà họ đã nỗ lực xây dựng trong nhiều thập kỷ qua.
Rheinmetall có thể sẽ sớm rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình và khắc phục để xe tăng Leopard có thể tác chiến tốt trong mọi điều kiện thời tiết và khí hậu, cũng như bền bỉ hơn trước hỏa lực đối phương.
Tuy nhiên đây là bước đi bị nhận xét không dễ dàng, nhà sản xuất vũ khí Đức có thể tiêu tốn cả thập kỷ nghiên cứu phát triển, cũng như một khoản ngân sách khổng lồ phải bỏ ra, nhưng kết quả vẫn là dấu chấm hỏi.
Giới chuyên gia nhận xét, khi Rheinmetall thay đổi những phương tiện chiến đấu của mình thì đối thủ cạnh tranh hay kẻ địch ngoài chiến trường cũng không đứng yên và liên tục cho ra đời các sản phẩm mới.
Cơ hội tốt nhất để xe tăng Leopard lấy lại danh tiếng cho nó cũng như nhà sản xuất vũ khí Đức là phải thể hiện ưu thế vượt trội trước chiến xa Nga khi chúng đối đầu trực tiếp.
Mặc dù vậy kịch bản trên vẫn chưa xảy ra, khi điều kiện giao chiến hiện tại đã khác xa so với những tháng trước và trong lúc này, bức tranh màu xám vẫn bao phủ lên danh tiếng của xe tăng Leopard nói riêng cũng như Tập đoàn Rheinmetall nói chung.