Thất vọng vì việc mới, nhân viên Mỹ quay lại công ty cũ
Giống như chiếc boomerang bay ngược trở lại, nhiều nhân viên văn phòng từng dứt khoát nghỉ làm đang quay về với sếp cũ, văn phòng cũ vì không dễ dàng tìm công việc mới ưng ý.
Làn sóng bỏ việc đã rục rịch từ khi dịch bệnh bắt đầu và vẫn diễn ra đến hiện tại ở nhiều quốc gia. Song, không phải ai cũng thấy hạnh phúc với quyết định này và tìm thấy công việc mới ưng ý sau đó, theo Sydney Morning Herald.
Theo dữ liệu của nền tảng LinkedIn, 4,5% nhân viên được tuyển vào năm 2021 là những người từng làm ở công ty cũ. Năm 2019, tỷ lệ này là 3,9%. Họ được gọi là những nhân viên boomerang.
Sau 2 năm Covid-19 hoành hành và thời gian dài làm việc tại nhà, không thiếu những nhân viên văn phòng đánh giá lại sự nghiệp của họ và xem xét lại chuyện quay lại với chỗ làm cũ, cộng với các yếu tố tác động bên ngoài như lạm phát, tình hình khó khăn của thị trường việc làm.
Công việc mới không như kỳ vọng
Anthony Klotz, phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Mays thuộc Đại học Texas A&M (Mỹ), đưa ra dự báo về xu hướng “nhân viên boomerang” tại Mỹ trong cuộc phỏng vấn với Insider.
“Chúng ta sẽ thấy rất nhiều nhân viên nhóm này quyết định trở lại sau một năm bỏ việc vì cho rằng lựa chọn trước đó không thành công như họ mong đợi”, ông tuyên bố.
Thị trường việc làm tăng nhiệt và tình trạng kiệt sức của người lao động được coi là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến làn sóng bỏ việc ồ ạt. Nhưng giờ đây, Klotz cho biết nhiều nhân viên Mỹ có thể quay lại chính nơi họ đã rời đi.
Roxanne Calder, người sáng lập cơ quan tuyển dụng quản trị EST10, cho biết: “Chúng tôi luôn có nhân viên boomerang, nhưng chưa bao giờ đông như hiện tại. Thay đổi công việc trong thời kỳ đại dịch và làm việc từ xa hoàn toàn khác với thay đổi công việc trong giai đoạn bình thường”.
Calder nói rằng với mức lương cao và nhiều lời đề nghị hấp dẫn, người lao động ban đầu dễ bị cuốn hút bởi môi trường làm việc mới.
"Lực lượng lao động lần đầu tiên có nhiều lựa chọn và cơ hội chưa từng có. Chúng hấp dẫn đến mức khó có thể từ chối, đặc biệt nếu người nhận chưa từng trải qua cảm giác đó trước đây.
Sau vài tháng đầu tiên của công việc mới, sự sung sướng dần biến mất và thực tế ập đến. Sự quen thuộc ở công việc cũ như sếp, văn phòng, các mối quan hệ trở thành lực lôi kéo lại", ông phân tích.
Tháng 2/2022, nền tảng việc làm Seek báo cáo rằng có nhiều hơn 41% bài đăng tuyển dụng so với cùng kỳ năm trước, nhưng số lượng đăng ký trung bình trên mỗi bài đăng lại giảm xuống. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các nhà tuyển dụng tích cực liên hệ lại với các cựu nhân viên của họ để lấp đầy khoảng trống nhân sự.
Tristan Sternson, giám đốc điều hành của công ty dịch vụ kỹ thuật số và công nghệ ARQ, cho biết: “Chúng tôi đã có khoảng 160 người mới trong vòng 1 năm qua và ít nhất 10% trong số đó là các nhân viên boomerang”.
“Nếu ai đó rời đi và quay lại - thường là sau hai năm - họ sẽ có những trải nghiệm mới mà công ty có thể học hỏi và điều đó giúp hình thành một tổ chức tốt hơn", Sternson đánh giá.
Lợi thế cho nhân viên
Về mặt chính người đi làm, việc trở thành nhân viên boomerang cũng có những lợi ích riêng.
Kate Merryweather (Melbourne, Australia) vừa tái gia nhập nhóm tâm lý học của Trung tâm Barrington vào năm nay, khoảng 20 năm sau khi cô thôi việc để xây dựng sự nghiệp riêng của mình.
"Tôi đã biết phong cách làm việc của cấp trên và sếp cũng biết tính cách của tôi. Vì vậy, 3 tháng thử việc qua nhanh, ít nhất là theo cảm nhận của tôi", Kate bày tỏ.
“Công việc kinh doanh đã xoay chuyển nhiều trong 25 năm nhưng tính cách của sếp không thay đổi mấy sau nhiều năm. Tôi vẫn nhiệt tình như hồi đó, nhưng giờ tôi có nhiều kỹ năng hơn để cống hiến”, cô nói thêm.
Năm 2021, luật sư Joshua Elloy quay trở lại hãng luật LegalVision, 2 năm sau khi rời đi.
"Mặt tốt của việc trở thành một nhân viên boomerang là bạn có thể rõ ràng về vai trò mình muốn và những gì bạn có thể làm cho công ty", Elloy nói.
Trong trường hợp của mình, Elloy đã đàm phán để có thể làm việc từ xa và theo đuổi 2 công việc song song: làm trực thăng cứu hộ ở Newcastle, trên bờ biển phía bắc bang New South Wales.
“Lần trước, tôi tham gia điều hành và quản lý bán hàng. Lần này, tôi muốn trực tiếp tham gia vào một nhóm pháp lý và xây dựng kỹ năng pháp lý của mình. Nếu Covid-19 đã dạy tôi bất cứ điều gì, đó là có nhiều hơn một cách để đạt được mục tiêu nghề nghiệp”, người đàn ông nói.
Đối với Delia Timms, dịch bệnh đã thúc đẩy cô mua lại findababysitter.com, một doanh nghiệp mà cô đã bán cách đây 10 năm.
Sau nhiều tháng dịch vụ kinh doanh không gian làm việc chung bị điêu đứng vì nhân viên ở Melbourne phải làm việc tại nhà, Delia vui mừng khi quay lại với một doanh nghiệp vận hành chủ yếu trên nền tảng kỹ thuật số, đồng nghĩa với ít chi phí cố định hơn.
"Quay lại công việc cũ nhưng việc kinh doanh sẽ khác rất nhiều. Khách hàng thay đổi, bản thân tôi cũng thay đổi. Điều đó có nghĩa là những ý tưởng mới, những điều mới để học, cách vận hành mới. Tôi được tiếp thêm năng lượng để bắt đầu lại", Delia nói.
Tuy vậy, Roxanne Calder khuyên người lao động nên suy nghĩ kỹ trước khi quay về chỗ làm cũ, như lý do rời đi ban đầu là gì, liệu công ty có thực sự phù hợp hay bạn chỉ đang cố tìm một công việc ra tiền.
Đối với các nhà quản lý, Calder nói rằng thông điệp cần hiểu là cần ứng xử để giữ chân nhân viên ngay từ đầu.
"Giữ chân nhân viên tốt tạo sự an toàn về tâm lý cho cả nhóm làm việc, mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt hơn (thông qua việc tăng cấp độ kiến thức và kinh nghiệm cho nhân viên), cùng với chi phí đào tạo giảm xuống", Calder nói.
Ngoài ra, nhắc nhở quan trọng trong thời kỳ công việc xáo trộn liên tục này là nhân viên cần có cách ra đi trong êm đẹp, giúp họ được chào đón khi quay lại.
"Bạn nên có cuộc trao đổi từ trước với cấp trên, thay vì đột ngột gửi email xin chấm dứt công việc", Calder đưa ra lời khuyên.