Thay 'chiếc áo đã chật' để TP. Hồ Chí Minh phát triển
TP. Hồ Chí Minh hôm nay đã có những đổi thay, phát triển vượt bậc theo thời gian. Tuy nhiên, theo nhìn nhận, phân tích, các chuyên gia cũng như nhiều lãnh đạo các thế hệ từ trung ương và TP. Hồ Chí Minh, phương thức quản lý của thành phố được ví như 'chiếc áo đã chật' cần sớm được 'cởi bỏ', sớm có sự thay đổi để bứt phá, đặc biệt là về thể chế, chính sách đặc thù.
Lấy lại “phong độ”
Đại dịch Covid-19 vừa qua giống như “cơn bạo bệnh” hay như “cú đánh bồi” giáng vào nền kinh tế gây nhiều tổn thất, tác động vào mọi mặt đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến phần lớn người lao động. Vì vậy đã kéo theo mức tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong năm 2021 giảm sâu. Tuy nhiên, chỉ hơn 3 tháng sau cao điểm của đại dịch Covid-19, đặc biệt từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã nỗ lực vượt qua cơn bạo bệnh và đang chuyển mình bật dậy mạnh mẽ.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP. Hồ Chí Minh) nhìn từ trên cao.
Ông Trần Thanh Tân - Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam nhìn nhận, sau 2 năm căng mình chống dịch Covid-19, lãnh đạo và người dân thành phố đã trải qua quãng thời gian có rất nhiều đau thương. Đến nay, dù chưa bình phục hoàn toàn nhưng thành phố đã chủ động bỏ lại sau lưng những khó khăn để tính đến kế hoạch dài hơi phát triển. "TP. Hồ Chí Minh đã thể hiện vai trò đầu tàu cả nước. Thành phố chưa bình phục hẳn nhưng vẫn nêu gương, đi đầu, vươn lên vì cả nước. Nhân dân, các nhà đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh có quyền tự hào khi nhìn thấy những thành quả thời gian qua" - ông Tân nêu quan điểm.
Quý I/2022, kinh tế TP. Hồ Chí Minh đang lấy lại đà tăng trưởng khả quan với mức +1,88%, so với mức -11,6% của quý IV/2021 và tiếp tục đóng góp đến 1/3 ngân sách cả nước. Đánh giá điều này, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định: Nội lực kinh tế TP. Hồ Chí Minh khá vững và còn nhiều dư địa để thúc đẩy phát triển.
Năm 2022 có ý nghĩa rất quan trọng đối với TP. Hồ Chí Minh, là năm kiến tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025). Năm 2022 thành phố phấn đấu thực hiện 19 chỉ tiêu chủ yếu, bao gồm 5 chỉ tiêu về kinh tế, 6 chỉ tiêu về xã hội, 5 chỉ tiêu về đô thị và môi trường, 2 chỉ tiêu về cải cách hành chính, 1 chỉ tiêu về trật tự an toàn xã hội.
Thời điểm này TP. Hồ Chí Minh đang tập trung, quyết liệt thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh bằng việc cụ thể hóa chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025 với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đến hết năm 2022, TP. Hồ Chí Minh tập trung khắc phục các hệ lụy, khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; giúp các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát dịch Covid-19.
Giai đoạn 2 từ năm 2023 đến năm 2025, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19; giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững; tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh của thành phố.
Tăng tốc để bứt phá
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhận định, có 3 vấn đề trọng tâm thành phố cần lưu ý liên quan đến thể chế - chính sách, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và nguồn nhân lực. Trong đó, hiện tại thể chế, chính sách như một “chiếc áo đã chật” đối với sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh hiện tại và cần sớm tháo gỡ.
Nhìn nhận, đánh giá của các chuyên gia, năm 2022 có ý nghĩa rất quan trọng đối với TP. Hồ Chí Minh, là năm kiến tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025). Năm 2022 thành phố phấn đấu thực hiện 19 chỉ tiêu chủ yếu, bao gồm 5 chỉ tiêu về kinh tế, 6 chỉ tiêu về xã hội, 5 chỉ tiêu về đô thị và môi trường, 2 chỉ tiêu về cải cách hành chính, 1 chỉ tiêu về trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, năm 2022 TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh; tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao mang tầm khu vực, quốc tế. Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, để tạo sự bứt phá thành phố luôn thể hiện rõ quyết tâm tập trung hành động, nói đi đôi với làm, đang cố gắng làm nhiều hơn nói, tập trung vào sự hiệu quả để có thể vượt qua được thách thức, nắm lấy cơ hội tăng trưởng, phát triển thời gian tới.
Đầu tàu về kinh tế số
Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết, với quy mô đô thị hơn 10 triệu dân, TP. Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 22% vào GDP và khoảng 27% tổng thu ngân sách quốc gia và là nơi hội tụ gần 40% số lượng doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhất là tiềm lực về khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo; hệ thống đại học quốc gia, các trường, viện nghiên cứu với lực lượng chuyên gia rất phong phú...
TP. Hồ Chí Minh đã đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2025 là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố.
Theo ông Mãi, để hiện thực hóa điều này, TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với các giải pháp thiết thực, đi thẳng vào các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, quyết tâm khắc phục; ưu tiên chuyển đổi số một số lĩnh vực người dân và doanh nghiệp có nhu cầu giao dịch lớn để tập trung đầu tư, tạo thay đổi căn bản, như lĩnh vực đất đai, xây dựng, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư.
Kỳ vọng vào một trung tâm tài chính quốc tế
Ông Trần Thanh Tân - Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam, thể hiện sự quan tâm đặc biệt và kỳ vọng vào Đề án Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo ông Tân, lẽ ra đây là điều TP. Hồ Chí Minh cần bắt tay thực hiện từ lâu nhưng do nhiều lý do nên chưa thể hoàn thành."Chúng tôi mong muốn được tham gia hỗ trợ chi phí, kỹ thuật để thành phố nghiên cứu, xây dựng, hoàn tất đề án này" - Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam đề xuất.
Liên quan đến Đề án Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - cho rằng, khi trung tâm này thành hình, thành phố sẽ có nhiều cơ hội để quy tụ các định chế tài chính chất lượng trên thế giới. Mặt khác, trung tâm cũng góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn đầu tư.
"Trung tâm tài chính quốc tế của TP. Hồ Chí Minh sẽ lan tỏa sự ảnh hưởng của TP. Hồ Chí Minh đối với cả nước. Trung tâm cũng giúp TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam thu hút các nguồn vốn đầu tư mới để phát triển hạ tầng, tạo ra các chuỗi cung ứng gắn liền dịch vụ tài chính" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhận định.