Thầy cô trả phép sớm trở lại trường đón năm học mới

Trong lúc đồng nghiệp ở vùng xuôi còn tận hưởng thời gian nghỉ hè, nhiều thầy cô giáo vùng cao đã sắp xếp hành trang để trở lại trường...

Một tiết dạy của cô Lê Thị Hoài Thanh. Ảnh: NVCC

Một tiết dạy của cô Lê Thị Hoài Thanh. Ảnh: NVCC

Gác niềm riêng

Gắn bó gần 10 năm với Trường Phổ thông DTNT Tiểu học Dào San (Phong Thổ, Lai Châu), cô Đinh Thị Kim Lan (quê Kim Bôi, Hòa Bình) thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi của học sinh, giáo viên vùng cao phải trải qua. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam, cô viết đơn xin lên vùng cao công tác. Từ đó, mỗi năm, số lần về thăm gia đình của cô Lan chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Nghỉ hè là quãng thời gian ‘vàng ngọc’ để tôi đoàn tụ với gia đình, toàn tâm, toàn ý chăm sóc con cái, thu vén việc nhà. Ngày sắp xếp hành lý trở lại trường làm việc, con trai 8 tuổi đã mếu máo khóc và nói mẹ đừng đi được không? Lúc đó, tim tôi như bót nghẹt lại, chỉ biết ôm con khóc.

Tuy nhiên khi chọn nghề giáo, đặc biệt lại công tác ở vùng cao đồng nghĩa không thể có suy nghĩ ích kỷ bởi đằng sau còn có học trò mong mỏi, chờ đợi. Cũng có nhiều đồng nghiệp trên cả nước đã gác lại niềm vui riêng để cõng chữ lên non. Nếu chỉ nghĩ cho bản thân thì ai là người cùng học sinh vùng cao viết ước mơ”, cô Lan chia sẻ.

Ngày lên đường, hành trang cô Lan mang theo ngoài tư trang cá nhân còn có những bộ sách giáo khoa, quần áo cũ, một ít bút, mực xin được từ các nhà hảo tâm hay bánh kẹo cô tự mua để dành tặng học sinh. Cô Lan kể: “Với nhiều người, những món đồ này không giá trị, nhưng với học sinh vùng cao vào dịp đầu năm học lại vô cùng quý giá. Bởi không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện mua sắm sách vở, dụng cụ học tập cho con em”.

Tương tự, cô Lê Thị Hoài Thanh - Trường Phổ thông DTNT huyện Bố Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) chia sẻ, việc trở lại trường sau thời gian nghỉ hè của thầy cô giáo vùng cao có nhiều thứ khác so với đồng nghiệp miền xuôi. Trước lúc lên trường, cô Thanh và nhiều đồng nghiệp đã gom sách giáo khoa, quần áo cũ, vật dụng thiết yếu của người dân, người thân còn dùng tốt để mang lên cho trò.

“Học sinh ở đây thiếu thốn lắm, những món quà này đầu năm học sẽ tiếp thêm động lực cho các em bám trường, lớp. Với nhiều em dù là đồ cũ nhưng quý như được tặng đồ mới. Không ít gia đình khó khăn, không có điều kiện mua quần áo mới nên cả năm học các em chỉ có một hai bộ quần áo cũ kỹ, bạc màu”, cô Thanh chia sẻ.

Để có thể an tâm lên đường, cô Thanh không quên trách nhiệm với con. Trước lúc chia tay, việc quan trọng không kém của nữ nhà giáo là thu xếp công việc nhà, chuẩn bị sách vở, quần áo cho con vào năm học mới. Khoảng cách từ nhà đến nơi công tác khá xa, đi lại khó khăn, ở nhà công vụ… nên cô Thanh biết chắc còn lâu nữa mới có dịp về nhà, đó là chưa kể mưa lũ thường xuyên, có khi cô và đồng nghiệp bị cô lập cả tháng trời.

Cũng như nhiều đồng nghiệp, cô Thanh còn tính toán số ngày ở lại trường để chuẩn bị thực phẩm, lương khô dự trữ đề phòng mưa lũ không thể về nhà tiếp thêm hoặc ra chợ mua. Cô cũng tranh thủ sửa sang, bảo hành máy tính, điện thoại, phương tiện đi lại để tránh bị hỏng hóc, không có để sử dụng.

 Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa dọn dẹp, di chuyển giường tủ từ ký túc xá cũ sang khu mới. Ảnh: NTCC

Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa dọn dẹp, di chuyển giường tủ từ ký túc xá cũ sang khu mới. Ảnh: NTCC

Sẵn sàng đón trò trở lại

Tại Trường Phổ thông DTNT Bố Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), ngày 16/8, cán bộ, giáo viên bắt đầu trả phép, trở lại trường nhận nhiệm vụ chuẩn bị cho năm học mới. Thầy Hoàng Đức Hòa – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau khi tập trung, thầy cô sẽ tiến hành vệ sinh trường lớp, cắt cỏ.

Do mưa nhiều, cỏ mọc nhanh, nhà trường phải huy động toàn bộ giáo viên làm tích cực trong 4 - 5 ngày mới xong. Sau đó, các thầy cô tiếp tục dọn khu ký túc xá, kiểm tra hệ thống điện nước, nhà vệ sinh để mọi thứ gọn gàng, sạch sẽ, an toàn… để trò trở lại trường học tập, sinh hoạt.

Khi công tác hậu cần xong, thầy cô tiếp tục tới nhà để vận động học sinh đến trường, thông báo cho phụ huynh lịch tựu trường, kế hoạch năm học. “Sau thời gian nghỉ dài, học sinh thường có tâm lý tự do, không muốn theo nền nếp, khuôn khổ của trường. Thậm chí, nhiều em không chịu đi học. Thầy cô đến vận động còn bỏ trốn vào rừng. Chúng tôi phải đến tận nhà, đích thân đưa các em trở lại trường học tập”, thầy Hòa nói.

Tại Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa (Thanh Hóa), trong thời gian nghỉ hè, nhà trường huy động toàn bộ nhân viên hợp đồng lao động đến tham gia các công việc như: Di chuyển giường, tủ từ khu nhà cũ đến khu ký túc xá mới để lắp đặt; tiến hành tổng vệ sinh, sắp xếp lại phòng chức năng; kiểm tra hệ thống điện, nước và tân trang khuôn viên trường học để bước vào năm học mới.

Chia sẻ thông tin, thầy Lê Đình Thuật – Phó Hiệu trưởng phụ trách cho biết thêm, do ký túc xá nhà trường xây mới nên việc đón học sinh sẽ diễn ra vào ngày 3/9. Thời điểm này, ban giám hiệu đang đốc thúc nhà thầu sớm hoàn thành và bàn giao trước thềm năm học để kịp lau dọn, sắp xếp, làm sao vào đầu năm đã ổn định để trò có chỗ ở, sinh hoạt thuận tiện, sạch sẽ, an toàn.

“Học sinh ăn ở sinh hoạt tại trường nên trước lúc các em trở lại thì cơ sở vật chất phải ổn định, có thể sinh hoạt, sử dụng ngay và an tâm học tập”, thầy Thuật chia sẻ.

Đối với giáo viên, từ đầu tháng 8, Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa đã huy động tham gia ôn luyện hỗ trợ các đội tuyển học sinh giỏi. Bên cạnh đó, thầy cô có mặt sớm để chuẩn bị họp chuyên môn, xây dựng kế hoạch năm học.

Tôi nhớ như in lần đầu tham gia vận động học sinh trở lại trường. Khi vào bản, đồng nghiệp nói chuyện bằng tiếng dân tộc, tôi đứng yên vì không hiểu. Từ lần đó, tôi tự nhắc nhở mình, muốn gần gũi trò và phụ huynh để làm tốt công tác vận động các em ra lớp thì phải biết tiếng địa phương, hiểu văn hóa, phong tục tập quán. Do vậy thời gian rảnh, tôi nhờ đồng nghiệp dạy tiếng dân tộc để có thể nói và giao tiếp với học trò nhiều hơn. - Cô Đinh Thị Kim Lan

Ngô Chuyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-co-tra-phep-som-tro-lai-truong-don-nam-hoc-moi-post697007.html