Thay đổi cách dạy, cách học với quy định mới về dạy thêm, học thêm

Phân tích hệ lụy khi phụ thuộc vào dạy-học thêm, thầy Đặng Thành Phúc gợi ý những thay đổi trong cách dạy, cách học đáp ứng với quy định mới.

Giờ học tại Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn, Vĩnh Long).

Giờ học tại Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn, Vĩnh Long).

Phụ thuộc vào học thêm: nhiều hệ lụy

Nhận định đang tồn tại thói quen phải đi học thêm mới yên tâm, thầy Đặng Thành Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn, Vĩnh Long) cho rằng, thực trạng này khiến học sinh bị tăng áp lực học tập, dẫn đến việc học không hiệu quả và thiếu sự tập trung.

Thói quen trên cũng khiến người học có thể phụ thuộc vào các lớp học thêm mà thiếu đi khả năng tự học và tự nghiên cứu, hình thành tâm lý ỷ lại, trông chờ vào giáo viên. Học sinh, phụ huynh có thể tập trung vào điểm số và thành tích hơn là việc hiểu sâu kiến thức, dẫn đến việc học chỉ mang tính chất hình thức.

Hệ quả đầu tiên của việc này là khó khăn trong triển khai đổi mới giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhấn mạnh đến việc phát triển tư duy, kỹ năng và sự sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, với thực trạng học thêm tràn làn, quá trình này có thể bị cản trở, vì học sinh không có đủ thời gian để thực hành, trải nghiệm và phát triển các kỹ năng mềm.

Bên cạnh đó, học sinh có thể cảm thấy chán nản và mất động lực học, khi mà việc học chỉ xoay quanh việc thuộc lòng kiến thức mà không có sự sáng tạo hay khám phá.

Các em cũng sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển các kỹ năng cần thiết cho tương lai như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm.

Ngoài ra, cả học sinh và giáo viên đều có thể cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi do áp lực học tập, dẫn đến sự mất cân bằng trong cuộc sống.

Thay đổi cách dạy, cách học

Quy định mới về dạy học thêm sẽ đặt ra yêu cầu “cô dạy ít, trò học nhiều” chứ không phải “cô dạy nhiều để trò học ít” như đang tồn tại khá phổ biến hiện nay.

Sự chuyển biến này, theo thầy Đặng Thành Phúc, yêu cầu một sự thay đổi mạnh mẽ trong cả phương pháp dạy và học. Cả giáo viên học sinh đều cần nỗ lực để tạo ra môi trường học tập tích cực, hiệu quả hơn.

Cụ thể, với giáo viên, trước hết cần thiết kế bài học khuyến khích học sinh tự nghiên cứu, tìm hiểu thêm tài liệu bên ngoài. Áp dụng các phương pháp như học tập hợp tác, thảo luận nhóm, dự án để học sinh chủ động hơn trong việc tiếp thu kiến thức. Thiết kế lớp học theo hướng mở, cho phép học sinh di chuyển và tương tác nhiều hơn.

Thay vì chỉ đánh giá qua bài kiểm tra, giáo viên nên sử dụng nhiều hình thức đánh giá khác nhau như hỏi-đáp, bài thuyết trình, hoặc dự án,… Thầy cô cũng nên sử dụng các công cụ công nghệ thông tin để tạo ra bài học thú vị và tương tác, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận kiến thức.

Đối với học sinh cần phát triển kỹ năng tự học, sử dụng internet và thư viện để nghiên cứu thêm. Các em nên tích cực tham gia vào các buổi thảo luận, chia sẻ ý kiến và lắng nghe quan điểm của bạn bè.

Việc biết cách lập kế hoạch cho việc học của mình, đặt mục tiêu cụ thể và theo dõi tiến độ cũng rất quan trọng để phát triển năng lực tự học. Cùng với đó, học sinh nên chú trọng đến việc phát triển kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề; biết cách đưa ra phản hồi cho giáo viên về phương pháp dạy học, từ đó giúp cải thiện quá trình giảng dạy.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-doi-cach-day-cach-hoc-voi-quy-dinh-moi-ve-day-them-hoc-them-post720252.html