Thay đổi cách nghĩ để thoát nghèo
Gắn bó với Tây Bắc từ những năm tháng gian khó nhất, bác sĩ Cứ A Hồng luôn đau đáu bà con dân tộc có khỏe mạnh mới chống chọi được đói nghèo.
Có sức khỏe là có tất cả
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nghèo khó Kim Nọi của Mù Cang Chải, cả cuộc đời gắn với vùng cao, ngày nghỉ hưu chỉ còn đếm trên đầu ngón tay nhưng bác sĩ Cứ A Hồng, người dân tộc Mông - Giám đốc Trung tâm Y tế Mù Cang Chải (Yên Bái), luôn mong cho ngày nào đó người dân Mù Cang Chải ấm no, hạnh phúc. Và để có được ấm no, hạnh phúc, thì phải có sức khỏe vì chỉ khi có sức khỏe thì mới có sức để lao động thoát nghèo và làm giàu.
Cách Hà Nội hơn 360km, Mù Cang Chải là huyện vùng cao xa nhất của tỉnh Yên Bái, với 12 dân tộc nhưng có tới hơn 90% là người dân tộc Mông sống rải rác ở khắp các thôn bản trong huyện. Đường núi hiểm trở, nhưng dấu chân của bác sĩ Cứ A Hồng đã đến với đồng bào ở tất cả thôn bản heo hút nhất như Háng Tày, Háng Giàng và Tà Giông. Không chỉ giữ vai trò bác sĩ thôn bản, ông còn vận động người dân đi học, tham gia y tế và thay đổi cách nghĩ để thoát nghèo.
Từ trăn trở ngày đêm của bác sĩ Cứ A Hồng, ông đã cùng đồng nghiệp đem lại niềm vui lớn cho bà con dân tộc Mông nơi đây đã được tuyên truyền, chăm sóc y tế đầy đủ, có bệnh được chữa trị. Một cộng đồng dân cư khỏe mạnh đã và đang làm nên những đổi thay của mảnh đất này, đưa Mù Cang Chải trở thành điểm du lịch hấp dẫn Tây Bắc với những thửa ruộng bậc thang. Quan trọng hơn cả là cũng từ việc chăm sóc sức khỏe đầy đủ, người dân có cái ăn, cái mặc đã xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
Đổi thay Mù Cang Chải
Thời gian không chừa một ai, bác sĩ Cứ A Hồng cũng theo năm tháng, chàng thanh niên ngày nào giờ đã là một bác sĩ có tuổi, nhưng với nghề, tác phong của ông lại càng nhanh và sắc, tuổi nghề càng lớn kinh nghiệm càng cao và thêm nữa là tình yêu nghề gắn với Y tế Mù Cang Chải và niềm mong mỏi để người dân đỡ đau ốm bệnh tật mà làm kinh tế để xua đi cái nghèo, đó cũng là mong muốn lớn của bác sĩ Cứ A Hồng.
Những năm trước cứ nhắc tới tới Mù Cang Chải là mọi người đều nghĩ đến một vùng rừng núi với số đông đồng bào dân tộc, giao thông đi lại khó khăn, địa hình địa lý phức tạp, núi cao rừng sâu hẻo lánh với muôn vàn khó khăn vất vả. Người dân thì thiếu đói quanh năm, nhưng giờ đã khác trước rất nhiều, Mù Cang Chải đã là địa điểm du lịch nổi tiếng của Tây Bắc. Người dân địa phương không chỉ biết làm du lịch, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đổi thay đã đến ở mảnh đất này, Mù Cang Chải đã xóa được cái đói, giảm nghèo bền vững và nhiều hộ dân đã làm giàu từ sản vật địa phương. Cùng với việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, vay vốn ưu đãi, người dân thuộc hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn còn được hưởng các chế độ, chính sách như hỗ trợ tiền điện, cấp thẻ bảo hiểm y tế…. Năm 2023, huyện Mù Cang Chải tiếp tục triển khai hiệu quả các nguồn vốn đầu tư và tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 về công tác giảm nghèo đã đề ra.
Để hiện thực hóa mong muốn giúp người dân tộc Mông trên quê hương Mù Cang Chải có sức khỏe, bác sĩ Hồng đã dìu dắt, tận tình hướng dẫn, truyền đạt các kiến thức, kỹ năng có được cho đồng nghiệp bằng cách “cầm tay chỉ việc”, để những đồng nghiệp sau này sẽ tiếp nối sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho người dân. Còn với bà con dân tộc của mình, bác sĩ Cứ A Hồng không chỉ là người thầy thuốc khám chữa bệnh mà còn là người ông, người cha, người bạn dạy họ cách học chữ, giữ sức khỏe mà không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn hướng đến làm giàu.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-doi-cach-nghi-de-thoat-ngheo-post647413.html