Thay đổi chính sách để phù hợp với xu thế phát triển

Để hoạt động khuyến công ngày càng hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, các địa phương đề xuất Bộ Công thương, Cục Công thương địa phương tập trung thay đổi các chính sách, quy định để phù hợp với xu thế phát triển.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Công thương Phú Thọ:
Cần mở rộng đối tượng thụ hưởng

Hoạt động động khuyến công thời gian qua đã khẳng định tốt vai trò “bà đỡ”, cánh tay nối dài giúp doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trải qua 10 năm đi cùng với những thay đổi về sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hệ thống văn bản pháp luật có liên quan cũng có nhiều thay đổi, đòi hỏi cần có sự rà soát, đánh giá toàn diện đối với chính sách khuyến công nhằm khắc phục sửa đổi để phù hợp với xu thế phát triển chung.

Theo đó, cần mở rộng đối tượng áp dụng nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế là nhà đầu tư thứ cấp đầu tư sản xuất công nghiệp tại các cụm công nghiệp nhất là các cụm công nghiệp trên địa bàn kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn. Đưa nội dung hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trong chương trình khuyến công quốc gia nhằm động viên thu hút nhà đầu tư cụm công nghiệp. Bổ sung các nội dung hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn nghiên cứu, phát triển, áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ ứng dụng các phần mềm quản lý sản xuất, quản lý kinh doanh, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử. Hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm như ISO, Kaizen...;

Đồng thời, quan tâm, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn chi phí khi di dời vào cụm công nghiệp. Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các chuỗi giá trị; xây dựng lại các quy chế quản lý, định mức chi các nội dung khuyến công phù hợp với giai đoạn mới.

Ngoài ra, cần có quy định thống nhất về mô hình tổ chức bộ máy các Trung tâm Khuyến công thuộc Sở Công thương các tỉnh, thành là đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước lĩnh vực công thương; quy định về mạng lưới khuyến công từ khu vực, cấp tỉnh đến cấp huyện, xã để triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Ông Hoàng Xuân Phú, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Phúc:
Đơn giản hóa thủ tục hỗ trợ đào tạo truyền nghề

Trong quá trình thực hiện các chương trình khuyến công, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn gặp nhiều khó khăn như việc xây dựng đăng ký kế hoạch khuyến công và triển khai các nội dung được phê duyệt còn yếu, chậm. Việc xây dựng chương trình chưa lồng ghép và thực hiện đồng bộ hoạt động hỗ trợ như đất đai, tín dụng, lao động… Đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Một số nội dung khuyến công khó triển khai như hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất sạch…

Để hoạt động khuyến công năm 2023 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả, đề nghị Bộ Công thương quy định, hướng dẫn đăng ký bổ sung kế hoạch khuyến công quốc gia hàng năm. Có quy định đơn giản hóa các thủ tục hỗ trợ đào tạo truyền nghề; quy định hỗ trợ đào tạo đối với những giáo viên là thợ giỏi, nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp…

Đồng thời, Cục Công thương địa phương có văn bản hướng dẫn cụ thể mục 4, điều 5 của Thông tư 28/2018/TT-BTC về việc Hướng dẫn lập, sử dụng kinh phí khuyến công “Cam kết của tổ chức, cá nhân thực hiện hoặc hưởng thụ từ đề án khuyến công chưa được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của nhà nước cho cùng một nội dung chi được kinh phí khuyến công hỗ trợ”.

Mở rộng các nội dung về hỗ trợ sản xuất sạch hơn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ máy móc thiết bị giảm thiểu ô nhiễm môi trường hay xử lý chất thải làm nguyên liệu đầu vào của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Có quy định chi cho Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tham gia Hội chợ, triển lãm giới thiệu các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh như chi phí vận chuyển, thiết kế gian hàng… Tăng mức hỗ trợ 100% chi phí thuê gian hàng và các chi phí khác đối với các cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh tham gia hội chợ triển lãm.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội:
Điều chỉnh nội dung phù hợp với thực tiễn

Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội đã đẩy mạnh nhiều chương trình liên quan đến khuyến công quốc gia như thúc đẩy phát triển các làng nghề nông thôn; hỗ trợ 20 doanh nghiệp được nhận kinh phí chuyển đổi công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế; thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại...

Tuy nhiên, công tác khuyến công vẫn còn hạn chế. Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công đã ban hành tương đối lâu, nên những nội dung cần điều chỉnh kịp thời để phù hợp với thực tế để triển khai hiệu quả. Tổ chức bộ máy của các Trung tâm đến bây giờ cơ bản có nhưng chưa thống nhất từ tên gọi đến hình thức dẫn tới số lượng, chất lượng không bảo đảm , ảnh hưởng nhiệm vụ chung.

Hà Nội là đầu tàu của khu vực Bắc Trung bộ, nhận thức rõ vai trò này, chúng tôi đã kịp thời đề xuất với Thành ủy, UBND thành phố nhiều giải pháp để thực hiện hoạt động khuyến công hiệu quả; trong đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách đến công tác khuyến công. Lựa chọn các doanh nghiệp, cơ sở có sự phát triển tốt, bền vững để bảo đảm tính công khai minh bạch công tác khuyến công

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, thực hiện hình thành trung tâm thiết kế, trưng bày triển lãm, ý tưởng sáng tạo ngay tại các huyện, khu vực, làng nghề; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, sắp tới Sở Công thương sẽ trình UBND thành phố ban hành; gắn kết, đẩy mạnh chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa. Vấn đề bảo vệ môi trường trong công nghiệp nông thôn, cụm công nghiệp làng nghề cần đẩy mạnh, các đơn vị trung tâm phải đề xuất thực hiện vấn đề này.

T.Oanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/thay-doi-chinh-sach-de-phu-hop-voi-xu-the-phat-trien-i338341/