Thay đổi để nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP và gia tăng giá trị

Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, nhiều sản phẩm OCOP ngày càng được tin dùng và đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên vẫn cần thay đổi, từng bước nâng cao giá trị và uy tín trên thị trường, tăng trưởng về doanh thu…

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP” do Tạp chí Công Thương và Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức ngày 5/12, tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Khắc Kiên

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Khắc Kiên

Doanh nghiệp vào cuộc

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; và Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp sẻ chia tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp sẻ chia tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Qua hơn 5 năm thực hiện, đến nay cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao. Bên cạnh đó, đã có 5.361 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là hợp tác xã, 24,2% là doanh nghiệp, 34,9% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như: vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước; vùng miền núi phía Bắc chiếm 19,8% và vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 18,4%.

Với sự kết nối của Bộ Công Thương, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền đã được kết nối vào hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước, đã được đưa vào tất cả các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn cả nước như Go!, MM Mega Market, Saigon Co.op, Winmart, Winmart+…

Thời gian qua, các Tập đoàn phân phối lớn như Central Retail, AEON, Saigon Co.op cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương, đồng hành cùng các địa phương tổ chức các sự kiện kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại hệ thống siêu thị như: Tuần lễ OCOP tại Big C, Hội chợ kết nối sản phẩm OCOP tại hệ thống trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON, Tuần lễ Quảng bá nông sản hàng OCOP tại hệ thống Saigon Co.op…

Thay đổi cách làm

Bàn về vấn đề, theo ông Đặng Quý Nhân (Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương Bộ NN&PTNT), OCOP là đặc sản của địa phương nên sản phẩm phải tinh túy khi đến tay người tiêu dùng. Các địa phương cần thay đổi cách làm sản phẩm OCOP (đặc sản địa phương, mỗi xã một sản phẩm) để đạt giá trị gia tăng cao hơn.

Các doanh nghiệp ký kết thỏa thuận để tiêu thụ sản phẩm của nhau theo chuỗi. Ảnh: Khắc Kiên

Các doanh nghiệp ký kết thỏa thuận để tiêu thụ sản phẩm của nhau theo chuỗi. Ảnh: Khắc Kiên

Bởi, việc thiếu đầu tư cho bao bì và nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất manh mún, thiếu các tiêu chí an toàn... là lý do khiến sản phẩm OCOP còn chiếm vị trí khiêm tốn trong các siêu thị, hệ thống phân phối.

Trong khi đó, ông Hoàng Hoa Quân (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Bộ VHTT&DL) cho biết, Việt Nam đón khoảng 120 triệu khách du lịch mỗi năm. Hiện nay, khách du lịch có xu hướng tự tìm tour trên các ứng dụng trực tuyến và thích khám các vùng quê. Đây là cơ hội cho các sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên, dù cả nước có hơn 10.000 sản phẩm OCOP nhưng các điểm tập trung sản phẩm OCOP chưa nhiều, điểm phục vụ khách du lịch lại càng hiếm. Không nhất thiết tiêu chuẩn của các điểm du lịch kết hợp OCOP phải quy định như của Big C, AEON… nhưng phải đủ điều kiện hạ tầng cho công ty du lịch đến: đường tiếp cận, bãi đỗ xe đến 45 chỗ, tập hợp đa dạng sản phẩm OCOP...

Trước thực tế, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Bùi Nguyễn Anh Tuấn thông tin, thời gian qua Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ và đạt được nhiều kết quả cụ thể.

Trong đó, Bộ đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về các sản phẩm OCOP và hệ thống các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước thông qua chuyên mục về Chương trình OCOP tại trang thông tin điện tử http://sanphamvungmien.vn; đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho các sản phẩm OCOP và các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP...

Một số địa phương bằng nguồn kinh phí của mình đã triển khai xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP theo tiêu chí và với bộ nhận diện điểm bán thống nhất như: Hà Nội (hơn 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn gần 30 quận, huyện, thị xã), Quảng Ninh (30 trung tâm và điểm bán hàng OCOP), Bắc Kạn (10 điểm), Bến Tre (12 điểm), Thanh Hóa (5 điểm)….

“Bộ Công Thương cũng đã triển khai một loạt các hoạt động kết nối thị trường, tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp tiêu biểu, chủ lực của các địa phương, các đặc sản vùng miền. Mục tiêu cuối cùng năng cáo giá trị cho sản phẩm OCOP bằng chất lượng” – vị này nói.

Trong khuôn khổ Chương trình, nhiều thỏa thuận hỗ trợ kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP đã được ký kết giữa các đơn vị, doanh nghiệp.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hóa gắn với liên kết chuỗi của các địa phương; góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất. Danh mục các sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc, ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng và đánh giá cao về chất lượng, từng bước khẳng định giá trị và uy tín trên thị trường, tăng trưởng về doanh thu.

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thay-doi-de-nang-cao-thuong-hieu-san-pham-ocop-va-gia-tanggia-tri.html