Thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế

Thời gian qua, nhiều hội viên phụ nữ người đồng bào DTTS đã thay đổi nếp nghĩ, có nhiều cách làm hay, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Anh Nay Y Na và chị K Sor H’Bên (buôn Ly, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh) với mô hình măng lục trúc mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: CTV

Anh Nay Y Na và chị K Sor H’Bên (buôn Ly, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh) với mô hình măng lục trúc mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: CTV

Không ngừng vươn lên

Tại các huyện miền núi, mặc dù đời sống của bà con còn nhiều khó khăn nhưng những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp trong hội viên phụ nữ ngày càng được quan tâm. Trong đó, nhiều phụ nữ người đồng bào DTTS đã biết vận dụng kinh nghiệm, điều kiện sẵn có tạo ra các sản phẩm từ cây trồng, vật nuôi để vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

Có diện tích đất vườn rộng 700m2, 3 năm qua, chị Hờ Những (thôn Tân Hòa, xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa) đã mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế vườn ao chuồng, nhờ đó gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng mỗi năm, đời sống phát triển tốt hơn so với trước đây.

Chị Hờ Những chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi gà, bò, heo và có đầu tư thêm ao cá diêu hồng và trắm cỏ. Thức ăn cho vật nuôi chủ yếu lấy từ rau củ vườn nhà trồng, hoàn toàn hữu cơ. Ban đầu, việc thực hiện mô hình cũng gặp nhiều khó khăn. Sau tôi tham gia vào các lớp tập huấn do hội phụ nữ phối hợp với hội nông dân tổ chức nên dần có thêm kiến thức nuôi trồng. Bên cạnh đó, tôi cũng học hỏi nhiều mô hình đã thành công, để có thêm kinh nghiệm duy trì mô hình đạt hiệu quả như hiện nay”.

Còn tại huyện Sông Hinh, trước đây, đời sống vợ chồng chị K Sor H’Bên và anh Nay Y Na (buôn Ly, xã Ea Trol) luôn túng thiếu. Mặc dù vợ chồng chị bươn chải khắp nơi, xoay đủ thứ nghề kiếm sống nhưng không dư dả. Mong muốn thoát nghèo, anh chị quyết định phát triển kinh tế từ cây trồng. Ban đầu vợ chồng trồng đủ loại cây như bơ, sắn, mía, cao su nhưng không hiệu quả. Không bỏ cuộc, sau thời gian tìm hiểu, vợ chồng chị thử trồng măng lục trúc và bước đầu mang lại hiệu quả. Hiện nay, trừ chi phí mỗi năm gia đình chị thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Là phụ nữ chủ hộ, thu nhập thấp, bấp bênh, phải nuôi con nhỏ một mình vì chồng không may qua đời, cuộc sống của chị La Mo Thị Mai gặp rất nhiều khó khăn. Trường hợp chị được Hội LHPN xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) quan tâm giới thiệu với địa phương để được hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác đan đát do chị Mai làm chủ.

Bà Nguyễn Thị Bé, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Quang 2 cho biết: “Thời gian qua, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, đã duy trì việc làm cho từ 30-40 lao động nữ nhàn rỗi ở địa phương. Chị Mai cũng có nguồn thu nhập cao hơn so với trước đây và đang từng bước thoát nghèo. Nhờ tinh thần ham học hỏi, chị đang quản lý 2 cơ sở đan đát với nhiều đơn hàng”.

Đẩy mạnh hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế

Nhằm tăng cường hỗ trợ hội viên, phụ nữ sản xuất, kinh doanh, phát triển các ý tưởng khởi nghiệp, hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ nữ tích cực hưởng ứng phong trào phụ nữ khởi nghiệp, giúp nhau vươn lên phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.

Tại các vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, các cấp hội phối hợp tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, khai thác nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng tín chấp cho phụ nữ DTTS vay vốn phát triển kinh tế.

Thông qua sự hỗ trợ bằng nhiều hình thức của hội LHPN các cấp và sự tích cực hưởng ứng phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình của hội viên, phụ nữ…, nhiều phụ nữ DTTS đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, qua đó góp phần phát triển KT-XH địa phương và thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Bên cạnh việc hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, phối hợp mở các lớp tập huấn, dạy nghề, hội thường xuyên cử cán bộ đến các xã, thôn, buôn để tuyên truyền, phổ biến cho chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng kỹ thuật mới trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; mạnh dạn tham gia thực hiện các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế. Hằng năm, hội tổ chức đánh giá, phân loại hộ gia đình hội viên thuộc hộ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân, nghiên cứu các mô hình sản xuất mới, tìm các hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế.

Với sự hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ tại địa phương, phụ nữ người đồng bào DTTS đã từng bước thay đổi tư duy, lựa chọn cách làm phù hợp với điều kiện thực tế để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Binh cho biết, thời gian tới, hội phụ nữ các cấp tiếp tục huy động nguồn lực, phối hợp trao các mô hình sinh kế cho hội viên nghèo và cận nghèo tiếp cận và học hỏi, tham quan các mô hình để học tập, áp dụng khoa học kỹ thuật, từ đó mạnh dạn phát triển kinh tế để thoát nghèo. Hội LHPN tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhân rộng các các mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo trong cán bộ, hội viên phụ nữ, đặc biệt là việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ phụ nữ DTTS.

Những năm qua, hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, vươn lên trong cuộc sống đã được các cấp hội LHPN trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện với nhiều cách làm, mô hình cụ thể, thiết thực ngay từ cơ sở. Qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ, nhất là ở vùng DTTS, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn Phú Yên ngày càng phát triển.

Bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/318510/thay-doi-nep-nghi-cach-lam-de-phat-trien-kinh-te.html