Thay đổi nhận thức của ngư dân để gỡ thẻ vàng IUU

Nghệ An đang dần khẳng định nỗ lực của cả hệ thống chính trị khi cùng cả nước tháo gỡ thẻ vàng của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Tỉnh Nghệ An được Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong khu vực về triển khai các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An, để tìm hiểu rõ hơn về những bước đi cụ thể mà tỉnh đang thực hiện.

. Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã có những quyết sách gì trong công tác chống khai thác IUU?

+ Ông Trần Xuân Học: Trong hơn bảy năm qua, Nghệ An đã cùng cả nước nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng của EC. Theo đó, tỉnh đã ban hành hàng loạt chủ trương, chính sách cụ thể nhằm chống khai thác IUU.

Trong quá trình thực hiện công tác chống khai thác IUU, Nghệ An có thuận lợi là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến IUU đã hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý vững chắc để triển khai. Sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở giúp công tác IUU trên địa bàn được thực hiện bài bản, nghiêm túc…

Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn không ít thách thức. Trước hết là nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, trong khi chi phí đầu vào tăng cao khiến hiệu quả đánh bắt giảm, ảnh hưởng đến sinh kế và động lực tuân thủ pháp luật của ngư dân.

Một khó khăn nữa là hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều cảng cá không đủ điều kiện tiếp nhận lượng lớn tàu cùng lúc, gây khó trong giám sát sản lượng...

 Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An (giữa); ông Mai Hồng Phong, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh Nghệ An, khảo sát ứng dụng đồng bộ nhật ký điện tử trên máy tính tại Ban quản lý cảng cá Lạch Quèn. Ảnh: THÀNH LUÂN

Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An (giữa); ông Mai Hồng Phong, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh Nghệ An, khảo sát ứng dụng đồng bộ nhật ký điện tử trên máy tính tại Ban quản lý cảng cá Lạch Quèn. Ảnh: THÀNH LUÂN

Về nhân lực, trong bối cảnh tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy, lực lượng thực thi nhiệm vụ IUU còn mỏng, khối lượng công việc thì ngày càng lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và hiệu quả triển khai.

Việc thay đổi nhận thức và hành vi của chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân về khai thác có trách nhiệm là một quá trình cần thời gian và sự kiên trì.

Về quản lý tàu cá, 100% trong số hơn 2.000 tàu cá thuộc diện phải đăng ký đã được đăng ký đầy đủ.

. Vậy tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả gì trong công tác chống khai thác IUU?

+ Ngành thủy sản Nghệ An đã đạt được một số kết quả nhất định. Về quản lý tàu cá, 100% trong số hơn 2.000 tàu cá thuộc diện phải đăng ký đã được đăng ký đầy đủ. Đặc biệt, toàn bộ 614 tàu “ba không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm) cũng đã hoàn thành thủ tục. Tỉ lệ đăng kiểm, cấp phép, kiểm tra an toàn thực phẩm đạt trên 95%. Đây là một con số rất cao, được Bộ Nông nghiệp và Môi trường ghi nhận.

Về xử lý vi phạm, đặc biệt là tình trạng thiết bị giám sát hành trình (VMS) mất kết nối, năm 2024, lực lượng Bộ đội biên phòng đã xử phạt tăng gấp 7,5 lần so với năm trước.

Công tác tuyên truyền cũng tạo chuyển biến rõ rệt; nhận thức và tuân thủ pháp luật của ngư dân ngày càng cao. Việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng, truy xuất nguồn gốc tại cảng cá được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và ngày càng hiệu quả hơn theo từng năm.

. Xin cảm ơn ông.

Ông HOÀNG NGHĨA HIẾU, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An:

Nhiệm vụ quan trọng, cấp bách

Chúng tôi xác định chống khai thác IUU không chỉ là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, mà còn là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa lâu dài đối với sự phát triển bền vững ngành thủy sản. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu.

.........................

Ông MAI HỒNG PHONG, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh Nghệ An:

Thí điểm lắp đặt nhật ký điện tử

Nghệ An đã triển khai thí điểm lắp đặt thiết bị nhật ký điện tử cho 12 tàu cá khai thác xa bờ, với 100% kinh phí được Nhà nước hỗ trợ. Đây là bước tiến quan trọng trong công tác số hóa ngành thủy sản.

Nhật ký điện tử giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giám sát sản lượng, theo dõi hoạt động tàu cá đúng vùng, đúng quy định. Thiết bị thay thế hoàn toàn phương pháp ghi tay truyền thống, cho phép ngư dân nhập dữ liệu bằng thao tác đơn giản trên smartphone, không cần kết nối Internet, phù hợp cả khi đang đánh bắt ngoài khơi xa.

ĐẮC LAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/thay-doi-nhan-thuc-cua-ngu-dan-de-go-the-vang-iuu-post849398.html