Thay đổi quan niệm về chất lượng giáo dục thường xuyên

Trong cách nghĩ của không ít người, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN- GDTX) được coi là nơi “hứng” những học sinh học kém, ngỗ nghịch, cá biệt. Thế nhưng hiện nay, với sự đổi mới cách thức hoạt động, các trung tâm đã có sự chuyển biến tích cực ở cả lĩnh vực giáo dục văn hóa và đào tạo nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở địa phương.

Cô và trò Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Lạc trong giờ thực hành nghề điện công nghiệp.

Cô và trò Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Lạc trong giờ thực hành nghề điện công nghiệp.

Là học sinh có ý thức kỷ luật tốt, kết quả học tập các môn văn hóa đều đạt loại giỏi, 3 năm liền được nhận học bổng, vì vậy, khi đang theo học ở Trung tâm GDNN- GDTX huyện Yên Lạc, em Hoàng Minh Quân đã được doanh nghiệp “đặt hàng” đầu quân cho đơn vị khi tốt nghiệp.

Năm 2020, với tấm bằng Trung cấp nghề Điện công nghiệp loại ưu, Quân đã được nhận làm việc chính thức tại doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô, xe máy ở KCN Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, rất nhiều học sinh ở các trung tâm GDNN – GDTX trên địa bàn tỉnh sau quá trình rèn luyện, nỗ lực học tập đều có thành tích học tập khá và có công việc phù hợp khi ra trường.

Trong đó, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Lạc, tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp của học sinh luôn đạt từ 98% trở lên; trên 70% học sinh sau tốt nghiệp có công việc ổn định và nhiều học sinh học thi đỗ nguyện vọng 1 các trường ĐH, CĐ để tiếp tục hiện thực ước mơ của mình.

Kết quả tích cực đó đã tạo “sức hút” để học sinh tin tưởng, lựa chọn học tại trung tâm ngày càng đông. Hiện, trung tâm có 25 lớp với trên 1.100 học sinh, tăng 5 lớp với gần 360 học sinh so với năm học 2020-2021.

Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Yên Lạc Nguyễn Viết Cường cho biết: Trung tâm rất coi trọng rèn ý thức kỷ luật, kỹ năng sống, đưa học sinh vào nền nếp thông qua các cam kết, gắn với động viên, khen thưởng, khích lệ học sinh có sự nỗ lực, có ý thức và kết quả học tập, rèn luyện tốt.

Song song với dạy học văn hóa, trung tâm còn bổ sung, đầu tư trang thiết bị; phối hợp, ký kết với các trường cao đẳng, trung cấp nghề đào tạo những ngành nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp gắn với giới thiệu việc làm cho học sinh.

Nhờ vậy, chất lượng đào tạo của trung tâm được nâng cao. Nhiều năm liền trung tâm là đơn vị đứng đầu khối GDTX có học sinh đạt thành tích cao trong cuộc thi sáng tạo KHKT cấp tỉnh; nhiều em thi đỗ các trường ĐH, CĐ với số điểm cao; 100% học sinh sau tốt nghiệp được giới thiệu việc làm, mức lương từ 6 – 8 triệu đồng/tháng.

Thực hiện “mục tiêu kép” vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghề cho học sinh, nhiều trung tâm GDNN – GDTX trên địa bàn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng CNTT; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn; tích cực đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học văn hóa và đào tạo nghề.

Đây cũng là hướng đi của Trung tâm GDNN - GDTX huyện Tam Đảo. Chính vì vậy, 5 năm trở lại đây, công tác tuyển sinh lớp 10 vào trung tâm ngày càng thuận lợi, học sinh tăng qua các năm. Hiện trung tâm có 16 lớp học văn hóa và 27 lớp học nghề với tổng số trên 1.300 học sinh.

Trong công tác giáo dục thường xuyên, các môn học đều được dạy đúng chuẩn chương trình. Chỉ tính riêng 2 năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 100%. Đối với dạy nghề, trung tâm chú trọng đào tạo những nghề phù hợp với nhu cầu xã hội như điện lạnh, điện tử công nghiệp, may công nghiệp, tin học, du lịch; quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên; phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh cho học sinh thực hành, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp.

Qua khảo sát, hơn 90% học sinh ra trường có việc làm, thu nhập ổn định. Học sinh do trung tâm đào tạo được doanh nghiệp tiếp nhận đánh giá cao về trình độ và ý thức kỷ luật, kỹ năng, văn hóa nghề…

Chất lượng đào tạo được nâng cao đã tạo sức hút với học sinh. Nhiều học sinh ngoan, có thành tích học tập khá, đủ năng lực thi đỗ các trường THPT nhưng vẫn chủ động chọn học tại các trung tâm GDNN – GDTX.

Điển hình như em Nguyễn Thị Nga, sinh năm 2003 ở xã Minh Quang, huyện Tam Đảo vốn là học khá ở bậc THCS, nhưng em đã lựa chọn Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tam Đảo để học.

Với lợi thế “3 năm 2 bằng”, Nga vừa hoàn thành chương trình THPT, vừa có bằng đào tạo nghề, được rèn tính tự giác, kỷ luật, tác phong công nghiệp để có đủ kiến thức, kỹ năng giúp íc khi đi làm… Sau khi tốt nghiệp năm 2021, em đã được giới thiệu việc làm ở Công ty TNHH Solum Vina, KCN Bá Thiện 2 với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 trung tâm GDTX cấp tỉnh, 7 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện với tổng số học sinh theo học chương trình GDTX cấp THPT là trên 9.800 người.

Trước thềm hội nhập, các trung tâm GDNN – GDTX đã chủ động thích ứng, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học sinh; tổ chức dạy học đúng khung chương trình, quy định của Bộ GDĐT; nâng cao hiệu quả dạy văn hóa kết hợp dạy nghề.

Theo đánh giá của Sở GDĐT, các trung tâm GDNN-GDTX đã thực hiện tốt nhiệm vụ vừa giáo dục thường xuyên vừa phân luồng, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH ở địa phương.

Thực tế đã chứng minh, khi chất lượng đào tạo ngày càng nâng cao đồng nghĩa với uy tín của các trung tâm GDNN-GDTX từng bước được khẳng định, gỡ bỏ hoàn toàn định kiến GDTX là “học kém, nhỡ nhàng”.

Với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, sự nỗ lực “làm mới” chính mình, các trung tâm GDNN-GDTX đã và đang là địa chỉ tin cậy để nhiều học sinh lựa chọn trên con đường tạo lập cuộc sống tương lai.

Bài, ảnh: Phương Loan

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/72785/thay-doi-quan-niem-ve-chat-luong-giao-duc-thuong-xuyen.html