Thay đổi tư duy làm nông nghiệp của nông dân Khmer Sóc Trăng

Từ việc thay đổi tư duy làm nông nghiệp, như: tham gia hợp tác xã sản xuất tập trung, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, hướng tới tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm đã giúp cho nhiều nông dân là đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng từng bước vươn lên làm giàu.

Nhờ sản xuất kết hợp làm dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh buôn bán tại gia đình, mỗi năm, anh Triệu Hoàng Hương (người Khmer ấp Kiết Lợi, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Anh cũng là một trong những gương nông dân tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương, đặc biệt, là một trong những người đã mạnh dạn, đi đầu trong ứng khoa học công nghệ nông nghiệp hiện đại vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao kinh tế.

Vừa lau chùi máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật, anh Triệu Hoàng Hương chia sẻ, bản thân xuất thân từ gia đình nông dân, nên sau khi lập gia đình, anh cùng vợ cũng bắt đầu khởi nghiệp từ việc trồng lúa. Sao bao nhiêu năm nỗ lực, cố gắng tiết kiệm, dành dụm, từ vài công lúa ban đầu, giờ đây gia đình anh đã sang nhượng được 9ha đất.

Anh Triệu Hoàng Hương với máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật.

Anh Triệu Hoàng Hương với máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật.

Với động tác điều khiển thuần thục, anh Hương thử bay trình diễn máy bay phun thuốc bảo vệ thực vạt cho chúng tôi xem, đồng thời cho biết, giờ muốn làm nông nghiệp hiệu quả phải thay đổi tư duy, không thể cứ dựa vào sức lao động, mà phải từng bước cơ giới hóa. Đặc biệt là hiện nay, trong thời đại công nghiệp 4.0, đòi hỏi người nông dân phải mạnh dạn ứng dụng công nghệ tiên tiến, mới mong bắt kịp nông nghiệp hiện đại, như việc sử dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật này thay cho sức người chẳng hạn.

Anh Triệu Hoàng Hương cho biết: “Tôi thấy mô hình máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật hiện nay khá phát triển. Khi người dân ở huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) đến quê tôi phun thuốc làm dịch vụ cho nông dân địa phương nên tôi nghĩ người ta làm được thì mình cũng làm được. Từ đó tôi bắt đầu có ý tưởng đầu tư mua máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật. Ý tưởng của tôi được một người bạn thân hỗ trợ, cùng nhau đầu tư mua máy bay phun thuốc để vừa làm trong gia đình, vừa phục vụ anh em, bà con trong xóm vừa đi làm dịch vụ cho nhà nông ở các địa phương lân cận nữa. Từ đó, gia đình tôi đã bàn nhau và quyết định mua được 1 máy để làm trong gia đình và thấy làm được thì đầu tư thêm 1 máy nữa”.

Theo anh Hương, trước đây với 9ha đất của gia đình, anh phải tốn vài ngày phun thuốc bằng phương pháp thủ công mới xong, chi phí mướn lao động cũng khá cao. Nhưng giờ đây, cũng với diện tích này, chưa đầy một buổi sáng bằng máy bay phun thuốc đã xử lý xong, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, hiệu quả phòng trừ bệnh, diệt sâu hại đạt cao, không ảnh hưởng sức khỏe, lại giải quyết tốt tình trạng thiếu hụt lao động ở nông thôn. Sau hiệu quả của máy bay phun thuốc đầu tiên, năm ngoái, anh Hương tiếp tục mạnh dạn đầu tư thêm 1 máy bay phun thuốc để đáp ứng nhu cầu làm nông của bà con. Với 2 máy bay phun thuốc trừ sâu, mỗi vụ lúa, anh phun từ 14.000-15.000 công đất cho nông dân, tạo việc làm cho 6 lao động ở địa phương với mức thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng.

Anh Hương cho biết thêm: “Hiện với 2 máy bay phun thuốc, tôi giải quyết việc làm cho 6 nhân công ở địa phương. Riêng lợi nhuận, phun 1 công (1.000m2) trừ chi phí xong lời khoảng 4.000 đồng. Mỗi 1 vụ như vậy cũng cho thu nhập từ 50-70 triệu đồng sau khi trừ chi phí tiền xăng, công lao động… Ngoài ra, tôi làm lúa được 9ha, vụ vừa rồi canh tác giống ST21 trên tất cả các diện tích, nhờ có giá nên lợi nhuận thu về cũng gần 2 triệu/công”.

Để nông sản có đầu ra và bán được giá, các hộ nông dân Khmer ở ấp Kiết Lập B, xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) đã cùng nhau thành lập và tham gia vào các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Anh Danh Ươl, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Kiết Lập B là một trong những người luôn tâm huyết. Anh luôn tập trung nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời còn mở cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc BVTV phục vụ bà con nông dân địa phương. Với tư duy, cách làm rất sáng tạo, thích nghi với cơ chế thị trường, biết vận động, thuyết phục bà con liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ, anh đã giúp nông dân trong hợp tác xã không còn lo thị trường đầu ra, nông sản cũng được nâng cao về giá trị.

Anh Danh Ươl (áo đen) với cửa hàng bán vật tư nông nghiệp và căn nhà của mình.

Anh Danh Ươl (áo đen) với cửa hàng bán vật tư nông nghiệp và căn nhà của mình.

Theo anh Danh Ươl, Hợp tác xã nông nghiệp Kiết Lập B thành lập vào cuối năm 2013, đến thời điểm này đã có 33 thành viên tham gia, tổng vốn điều lệ gần 200 triệu đồng. Hợp tác xã chuyên cung cấp các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống, rơm, liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản làm ra. Tổng diện tích sản xuất của hợp tác xã gần 100ha. Bên cạnh sản xuất lúa hàng hóa, hợp tác xã còn cung cấp lúa giống cho các hộ nông dân ở địa phương.

Anh Danh Ươl cho biết: “Tôi thấy vào Hợp tác xã thì sẽ hỗ trợ cho việc sản xuất của mình thuận lợi hơn.Ngoài ra, với kiến thức mình đã học tập được thì mình hướng dẫn bà con về cách thức làm ăn, bởi đôi khi bà con mình có vốn nhưng chưa biết đầu tư gì, khi vào hợp tác xã, bà con đầu tư và có lợi nhuận. Hiện các thành viên hợp tác xã vừa được tập huấn làm phân hữu cơ, đang chờ vay vốn để đầu tư sản xuất phân hữu cơ cung ứng cho nông dân trong thời gian tới. Mô hình thành công sẽ mở hướng đi mới cho hợp tác xã, bởi sản xuất hữu cơ là xu thế phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.

Với mục tiêu đặt ra là sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm lúa hàng hóa lớn, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, giúp nông dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống… nhiều nông dân Khmer ở ấp Trà Ong, xã Viên Bình, huyện Trần Đề đã mạnh dạn cùng nhau xây dựng mô hình kinh tế tập thể với tên gọi HTX 1 tháng 5. Dựa trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, đồng bào Khmer ở đây đã quyết định sản xuất chuyên về những giống lúa thơm nổi tiếng của tỉnh, đó là dòng lúa ST.

Giám đốc HTX 1 tháng 5 Lâm Cươl cho biết, để chuyển từ sản xuất riêng lẻ sang trồng lúa theo hình thức tập trung cũng gặp không ít trở ngại, khó khăn đối với HTX, bởi việc thay đổi tập quán sản xuất theo lối truyền thống của người nông dân là không thể một sớm, một chiều. Tuy nhiên, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, HTX đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của xã viên về lợi ích, hiệu quả kinh tế, những thuận lợi trong sản xuất khi tham gia HTX. Không những vậy, việc xây dựng những mô hình mẫu cũng là hình thức để thuyết phục, vận động hiệu quả… Nhờ vậy mà đến nay, xã viên cùng nhau đồng lòng, HTX không ngừng sản xuất đạt thắng lợi.

“Trước đây bà con nông dân ở ấp Trà Ong trồng lúa mỗi người một ý, cách thức sản xuất cũ, mỗi người làm mỗi giống riêng rẻ, gieo sạ cũng không đồng loạt tập trung, đến khi thu hoạch rất khó bán. Đó là chưa kể trong quá trình sản xuất dịch hại tấn công nhiều, đẩy chi phí sản xuất tăng lên. Từ khi thành lập HTX, chúng tôi bàn nhau và chọn chuyên sản xuất giống lúa ST25 làm đồng loạt. Đồng thời, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như: “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”… từng bước cho kết quả khả quan, như chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận cao, dễ bán, thế là bà con mình ủng hộ”, ông Lâm Cươl chia sẻ.

V.Đức - X.Lương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/thay-doi-tu-duy-lam-nong-nghiep-cua-nong-dan-khmer-soc-trang-i741650/