Thay đổi tư duy trong sản xuất lúa gạo: (Kỳ 3)- Động lực từ các chính sách
Sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng đang đứng trước những biến đổi rất lớn về lao động, khí hậu, thị trường cũng như xu thế tiêu dùng. Chúng ta đã có những thay đổi để thích ứng, tuy nhiên tỷ lệ áp dụng vẫn còn khá hạn chế. Do vậy, rất cần sự vào cuộc hỗ trợ đồng bộ về mặt chính sách, sự chung tay của doanh nghiệp và sự chủ động từ phía HTX, người nông dân trong việc đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp.
Xã Khánh Trung (Yên Khánh) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc áp dụng công nghệ mạ khay, cấy máy. Ông Phạm Khắc Thắng, Chủ tịch HĐQT HTX Quyết Trung chia sẻ: Bên cạnh những mặt tích cực, việc ứng dụng mạ khay và máy cấy vào sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn. Hiện nay, đồng ruộng ở nước ta còn nhỏ lẻ, diện tích ô thửa nhỏ, địa hình không bằng phẳng, rất khó đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Trong khi đó, chi phí đầu tư máy cấy lúa còn cao, thời gian sử dụng máy không nhiều, chậm thu hồi vốn.
Ở một khía cạnh khác, ông Trần Ngọc Tú, Giám đốc HTX Liên Phương, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô cho rằng, lợi ích đem lại từ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ thì ai cũng thấy rõ. Tuy nhiên, để nông dân tiếp tục duy trì theo hướng này không phải là chuyện dễ bởi với bà con cứ cái gì đơn giản, hiệu quả thì làm. Trong khi, giá phân hữu cơ so với phân bón hóa học đang khá cao mà giá gạo thì chưa có sự khác biệt rõ ràng giữa dòng làm theo hướng hữu cơ và dòng đại trà. Do vậy, Nhà nước cần tiếp tục trợ giá phân bón, còn doanh nghiệp cần xem xét nâng giá thu mua lúa gạo lên.
Kịp thời nắm bắt những vướng mắc cũng như yêu cầu từ thực tiễn, mới đây, Nghị quyết số 32/2022/ NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025 được ban hành. Đây được kỳ vọng là cú huých, giải quyết các nút thắt trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa hiện nay khi xác định việc hỗ trợ sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đồng bộ là một trong những chính sách trọng tâm. Cụ thể, hỗ trợ một lần 50% kinh phí để mua giống, phân bón hữu cơ, tối đa không quá 10 triệu đồng/ha/ vụ, hỗ trợ 3 vụ liên tiếp nhằm tạo thói quen cho người dân sử dụng phân bón hữu cơ. Hỗ trợ một lần 50% kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị; mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/máy, thiết bị, công nghệ, không quá 600 triệu đồng/đối tượng hỗ trợ.
Ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Cùng với Nghị quyết 32 của HĐND tỉnh, triển khai thực hiện các chính sách từ Nghị định 35, Nghị định 62 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, năm nay, tỉnh dự kiến hỗ trợ 5.000 ha lúa sử dụng giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ. Như vậy, đến hết năm 2023, Ninh Bình sẽ có khoảng 15 - 20% diện tích lúa sử dụng phân bón hữu cơ và áp dụng hệ thống cơ giới hóa đồng bộ.
Là một doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, gắn bó với nông nghiệp Ninh Bình nhiều năm nay, không đứng ngoài công cuộc cải tổ lại hoạt động sản xuất lúa gạo, ngay từ vụ mùa năm 2022, Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Hồng Quang đứng ra xây dựng chuỗi liên kết với các HTX để sản xuất 600 ha lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ. Ông Phùng Văn Quang, Giám đốc Công ty chia sẻ: Chúng tôi rất phấn khởi vì tỉnh đã có chính sách tiếp sức kịp thời cho sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ. Tiếp nối thắng lợi ở vụ Mùa năm 2022, vụ Đông Xuân 2023 này, đơn vị tiếp tục triển khai trên diện tích 2.000 ha, chủ yếu là ở các huyện Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh và một phần của hai huyện Gia Viễn, Nho Quan. Theo đó, Công ty cung ứng toàn bộ giống và phân bón hữu cơ, thuốc BVTV, đồng thời cuối vụ sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường. "Cứ đà này tôi tin rằng Ninh Bình sẽ dẫn đầu các tỉnh đồng bằng Sông Hồng về sản xuất lúa theo hướng hữu cơ" - ông Quang hào hứng.
Theo ý kiến của cơ quan chuyên môn, để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và công nghệ thông minh vào sản xuất lúa, nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị thu nhập của người nông dân, ngoài các cơ chế, chính sách cần có sự vào cuộc tích cực của các địa phương, HTX, tổ hợp tác, đơn vị sản xuất, dịch vụ nông nghiệp để xúc tiến liên kết các đơn vị có điều kiện làm dịch vụ và các đơn vị có nhu cầu sử dụng dịch vụ. Trong đó, đặc biệt chú trọng về khâu tổ chức sản xuất.
Địa phương cần quy hoạch gọn vùng, bố trí mặt bằng cho việc tổ chức gieo, chăm sóc mạ. Cần có các tổ hợp tác chuyên sản xuất mạ khay và cấy máy, cung cấp dịch vụ từ giống, gieo mạ tại địa phương, tổ chức cấy và bàn giao ruộng cho người nông dân, với mức chi phí hợp lý, đảm bảo lợi ích của cả người nông dân và đơn vị tổ chức làm dịch vụ.
Các doanh nghiệp tăng cường liên kết, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu để hạ giá thành sản phẩm; có cơ chế rõ ràng hơn, đa dạng các hình thức liên kết, liên kết chặt chẽ, bền vững với người sản xuất từ khâu cung ứng vật tư đầu vào cũng như bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền hiệu quả của mô hình điểm, xây dựng các điểm nhân rộng thành các chương trình sản xuất quy mô lớn để nâng cao hiệu quả và tăng tính bền vững trong sản xuất lúa gạo.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu