Thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, chất lượng luôn là mục tiêu hướng đến của tỉnh Sơn La. Ngoài việc đưa các giống mới vào sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, các doanh nghiệp, HTX và nhà nông luôn quan tâm việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao số lượng, chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, muốn tạo sự bứt phá trong nông nghiệp, nông dân phải là chủ thể, là trung tâm trong mọi hoạt động, phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Sơn La bày bán tại siêu thị Big C - Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: PV

Sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Sơn La bày bán tại siêu thị Big C - Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: PV

Sản xuất theo nhu cầu thị trường

Mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch của anh Đặng Đình Thùy, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, được xem là điển hình trong việc thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Hơn 4 ha cam, từ năm 2019 đến nay, gia đình anh đã kết hợp mở dịch vụ cho khách du lịch tham quan, trải nghiệm, đầu tư trang trí điểm “check in” không thu phí. Du khách đến chụp ảnh, hái và thưởng thức cam ngay tại vườn. Sau khi trải nghiệm, du khách có thể tổ chức thêm các hoạt động vui chơi, tổ chức tiệc ngoài trời. Nếu muốn mua về, khách sẽ tự chọn, hái tại vườn với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, tùy loại cam.

Nông sản Sơn La được bày bán tại siêu thị WinMart Trung Hòa, Hà Nội.

Nông sản Sơn La được bày bán tại siêu thị WinMart Trung Hòa, Hà Nội.

Anh Thùy chia sẻ: Để khách du lịch có thể quay trở lại trải nghiệm nhiều lần, chúng tôi đặc biệt quan tâm chất lượng sản phẩm. Vì vậy, toàn bộ diện tích cam của gia đình được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá trên mạng xã hội để du khách biết về địa điểm, sản phẩm, thời vụ, giá cả.

Tại xã Phiêng Khoài, “thủ phủ” mận hậu của huyện Yên Châu. Nhiều năm nay, HTX nông sản bản địa Noọng Piêu là điểm sáng trong việc thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Sau hơn 3 năm thành lập, đến nay, HTX có 11 thành viên, với 46 ha trồng mận hậu, trung bình thu nhập 600-700 triệu đồng/ha. Chị Bùi Phương Thanh, Phó Giám đốc HTX, thông tin: Tham gia HTX, các thành viên được tập huấn kỹ thuật cắt tỉa cành, giảm số lượng quả để chăm sóc kỹ hơn về dinh dưỡng; phân thành từng vùng sản xuất khác nhau, như: Vùng mận VIP, quả size 10-12 quả/kg, 18-20 quả/kg; vùng mận chín sớm; vùng mận chín muộn. Quan trọng, sản phẩm sản xuất ra được ký hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng với giá cao hơn 6-8 lần loại thông thường. Cùng với đó, nông dân tuân thủ các quy trình, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Phát triển nông nghiệp hiện đại

Việc sản xuất nông nghiệp đáp ứng theo nhu cầu thị trường ngày càng chứng minh hiệu quả kinh tế, tạo tâm lý hứng khởi cho người sản xuất. Câu chuyện ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng quả mận của thành viên HTX nông sản bản địa Noọng Piêu hay cách của nông dân xã Chiềng Ban, phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm, đã và đang phát triển ở nhiều xã, bản của tỉnh. Nhiều mô hình mới, cách làm hay đang được nhân lên, tạo phong trào rộng khắp.

Mô hình trồng mận cho quả trái vụ của nông dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu.

Mô hình trồng mận cho quả trái vụ của nông dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu.

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Nội dung cốt lõi nhất của chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp là chuyển từ mục tiêu sản lượng sang mục tiêu giá trị, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Trước đây, coi trọng chỉ tiêu tăng diện tích, tăng năng suất để có sản lượng nông sản lớn trên một đơn vị canh tác, hoặc lấy chỉ tiêu số lượng đầu gia súc, gia cầm, thì nay năng suất, sản lượng vẫn quan trọng, nhưng giá trị thu được trên 1 ha canh tác hoặc trên một đơn vị chăn nuôi mới quan trọng nhất.

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp và PTNT đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, HTX; phổ biến các sáng kiến, cách làm hay, các mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản tiêu biểu. Đồng thời, triển khai các đề án phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao; phát triển vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, bảo vệ môi trường; phát triển lĩnh vực trồng trọt theo hướng an toàn và bền vững.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin: Ngành đã tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, HTX, nông dân tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp; hỗ trợ triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; hỗ trợ tem mác truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm; xây dựng và hỗ trợ chứng nhận các mô hình nông nghiệp an toàn; quản lý, cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

Đến nay, tỉnh Sơn La có trên 84.700 ha cây ăn quả; có 110 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; được cấp 281 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, diện tích trên 4.600 ha.

Lĩnh vực chăn nuôi, dần chuyển đổi từ chăn nuôi truyền thống sang phát triển theo quy mô trang trại, mô hình công nghiệp và bán công nghiệp; phát triển gia súc, gia cầm chất lượng cao. Người nông dân bước đầu nắm bắt những tín hiệu của thị trường, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Nhất là, ý thức hợp tác được nâng lên khi tự nguyện liên kết thành HTX, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp... mở rộng cơ hội phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, chất lượng, có trách nhiệm và đủ sức cạnh tranh, xuất khẩu sản phẩm.

Tăng trưởng bền vững

Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp còn tồn tại một số bất cập, như tăng trưởng chưa bền vững; ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp chưa nhiều; diện tích, sản lượng cây trồng, vật nuôi áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương được cấp có thẩm quyền công nhận chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số diện tích, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Các HTX nông nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ, năng lực quản trị nhiều hạn chế...

Nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn áp dụng hệ thống tưới ẩm cho vườn na.

Nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn áp dụng hệ thống tưới ẩm cho vườn na.

Để đạt những mục tiêu: Tổng sản phẩm ngành nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh tăng 5%; diện tích gieo trồng nông nghiệp áp dụng quy trình sản xuất an toàn tăng từ 10% trở lên so với năm 2022; sản lượng hàng nông sản xuất khẩu trên 200.000 tấn; có 64 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023... Tỉnh Sơn La đang tập trung rà soát, ban hành cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp các quy định mới và tình hình thực tiễn của tỉnh. Chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”. Gắn kết các tác nhân trong chuỗi theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị. Tăng cường liên kết 6 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà băng (ngân hàng) - nhà khoa học - nhà phân phối) với nòng cốt là liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm: Nhiệm vụ của ngành nông nghiệp năm 2023 là thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, quan tâm, ưu tiên thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng mã số vùng trồng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, chất lượng an toàn thực phẩm đúng quy định. Phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, từng bước chuyển đổi số sản xuất nông sản, thủy sản chủ lực của tỉnh. Số hóa các dữ liệu thuộc ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, nông thôn mới, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng khoa học công nghệ, mang lại hiệu quả cao vào sản xuất.

Sản xuất nông nghiệp phải tạo ra những giá trị gia tăng, không chỉ dừng lại ở gia tăng sản lượng. Để làm được điều đó, cần phải thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân và của chính những nhà lãnh đạo, quản lý. Tiếp đó là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục có những cơ chế, chính sách đồng bộ hơn, kích hoạt nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/phong-su/thay-doi-tu-duy-tu-san-xuat-nong-nghiep-sang-kinh-te-nong-nghiep-bN98VLsVR.html