Thay đổi về hoạt động thanh tra ngành công thương
Nghị định quy định về thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành giới hạn hàm lượng cho phép của hóa chất độc hại trong một số sản phẩm điện, điện tử, dệt may...
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 54/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2015/NĐ-CP ngày 14.12.2015 về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành công thương.
Nghị định số 54/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 4 về các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Công thương; sửa đổi, bổ sung điều 13 về “Nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành”. Theo đó, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 07/2012/NĐ-CP. Nhiệm vụ, quyền hạn bao gồm xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; cử công chức có đủ điều kiện chuyên môn tham gia các đoàn thanh tra của thanh tra bộ và các cơ quan khác khi được yêu cầu; quyết định phân công công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
Đối với nội dung thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực hóa chất, nghị định nêu rõ, thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về giới hạn hàm lượng cho phép của hóa chất độc hại trong một số sản phẩm điện, điện tử, dệt may, phân loại hóa chất theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất GHS và phiếu an toàn hóa chất; phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp; sản xuất, sử dụng hóa chất bảng 1, 2, 3. Một số chuyên ngành khác cũng nằm trong danh sách như điều kiện sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ, hóa chất cấm, hóa chất thuộc danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện...
Đối với nội dung thanh tra chuyên ngành về hoạt động thương mại, nghị định quy định thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, hoạt động thương mại biên giới, môi giới thương mại, ủy thác mua bán hàng hóa, đại lý thương mại, gia công trong thương mại, giám định thương mại, nhượng quyền thương mại thuộc phạm vi quản lý.
Thanh tra đột xuất đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc gian lận nguồn gốc, xuất xứ khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm khác trong hoạt động thương mại thuộc phạm vi quản lý hoặc do thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại tổng cục và tương đương, cục thuộc Bộ Công thương, cục thuộc tổng cục có quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính và hưởng các chế độ bồi dưỡng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quy định.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 7.7.2020.