Thầy dòng lừng danh tìm kiếm tri thức
Dù sống trong thời đại kinh viện, Roger Bacon để lại câu nói mà nhân loại muôn đời nhớ ơn: 'Mọi tri thức đều bắt nguồn từ kinh nghiệm thực tiễn'.
Mặc dù sống trong thời đại kinh viện, khi mọi người xem kinh sách là chân lý tối thượng, Roger Bacon (1214 – 1294) để lại câu nói mà nhân loại muôn đời nhớ ơn: “Mọi tri thức đều bắt nguồn từ kinh nghiệm thực tiễn”. Bất chấp bị ngăn trở, tù đày, ông trở thành nhà chủ nghĩa duy nghiệm, tìm kiếm tri thức và chân lý bằng phương pháp khoa học.
Thầy dòng nổi loạn
Bacon chào đời ở Ilchester, Somerset (Vương quốc Anh), sớm được gia đình cho vào Viện Oxford danh giá học hành và trở thành thầy giáo. Năm 1237, ở tuổi 23, Bacon đã được Viện Paris (Pháp) mời sang giảng dạy.
Chuyên môn của thầy là Triết học Aristotle nhưng, ngoài nó ra, học giả trẻ này còn quan tâm và thông thạo rất nhiều lĩnh vực khác như: Số học, Hình học, Ngữ pháp tiếng Latinh, Thiên văn học…; thậm chí cả Văn học, Âm nhạc.
Khoảng 10 năm kế tiếp, Bacon dạy học tại Viện Paris và được tiếp xúc với nhiều học giả lừng danh. Năm 1247, Bacon nghỉ việc, không rõ đi đâu và làm gì nhưng, vào năm 1256, thầy xuất hiện trở lại với tư cách tu sĩ của Dòng Phanxicô.
Có vẻ như, trong gần một thập kỷ vắng bóng, Bacon đã tập trung nghiên cứu về quang học dựa trên các sách vở của người Hy Lạp và Ả Rập cổ đại. Những năm tiếp theo, thầy chuyên chú nghiên cứu tôn giáo.
Khác với các thầy dòng bình thường chuyên tâm vào giáo lý, Bacon chỉ hứng thú với những thứ bị cấm như thuật giả kim, phù thủy, phép gọi hồn… Chưa hết, tu sĩ này còn tập hợp các phát hiện của mình, xuất bản sách.
Giáo hội không hài lòng với những gì thầy dòng Bacon làm, liên tục ngăn cản và bắt phạt. Thập niên 1260, vì muốn phổ biến các nghiên cứu của mình, Bacon nỗ lực tìm kiếm người bảo trợ. Năm 1266, thầy có được sự ủng hộ ngầm của Giáo hoàng Clêmentê IV. Chỉ trong vòng một năm, Bacon viết một loạt sử thi, trở thành nhà văn năng suất bậc nhất.
Năm 1268, Giáo hoàng Clêmentê IV qua đời. Mất đi sự bảo trợ của ông, Bacon bị Giáo hội kết tội phỉ báng và dị giáo, bỏ tù và quản thúc tại gia 2 năm.
Nhà nghiên cứu khoa học
Một năm dưới sự che chở của Giáo hoàng Clêmentê IV, Bacon viết khoảng một triệu từ, tạo nên 4 tác phẩm sử thi “Opus Majus”, “Opus Minus”, “De Multiplicatione Specierum” và “De Speculis Comburentibus”. Trong đó, nổi bật nhất là “Opus Majus”.
Không như các sử thi thông thường, “Opus Majus” là tổng tập các nghiên cứu, nhận định của Bacon về Toán học, Quang học, Thuật giả kim và Thiên văn học. Nó thay mặt tác giả, đề cập đến các lĩnh vực mà học thuật đương thời chưa chú trọng, đặc biệt là những lĩnh vực có lợi cho đời sống như nông nghiệp, y học, thực nghiệm…
Thời trung đại, các ghi chép tôn giáo được xem như bách khoa toàn thư. Nhà thờ kìm hãm và không công nhận các ghi chép mang tính chất khoa học hoặc dị giáo. Với 10 năm nghiên cứu quang học, Bacon phát hiện ra khúc xạ, tốc độ ánh sáng, quang sai hình cầu… mở đường cho các khám phá về sau, góp phần phát triển kính mắt, kính hiển vi và kính thiên văn.
Sau chuyến công du Đế chế Mông Cổ cùng với đoàn tu sĩ Dòng Phanxicô, ông mang về công thức chế tạo thuốc súng bao gồm diêm tiêu, than củi và lưu huỳnh. Tuy Bacon không tự tay làm thuốc súng, nhưng công thức ông viết đã được phổ biến khắp châu Âu, đóng vai trò nền tảng cho các phát minh đột phá trong tương lai về vũ khí như đại bác, súng đạn…
Suốt cuộc đời, Bacon say mê thuật giả kim. Ông thích thú sự biến đổi của kim loại và tham vọng chế được thuốc tiên chữa khỏi mọi bệnh tật, kéo dài tuổi thọ. Thay vì bí mật luyện chế như các phù thủy, pháp sư đương thời, Bacon công khai thực hiện. Ông tin tưởng, thuật giả kim là quy trình khoa học có hệ thống bao gồm thử nghiệm, quan sát, ghi chép, chứ không phải nhờ cậy vào sự giúp đỡ của thần thánh hay ma quỷ.
Nhờ chăm chỉ thử nghiệm, quan sát và ghi chép, Bacon ngày càng phát hiện nhiều điều mới mẻ. Ông nhận ra tầm quan trọng của việc đo lường, độ chính xác và lưu giữ hồ sơ của các thí nghiệm. Dần dà, Bacon còn phát triển thành công phương pháp chưng cất mới. Quy trình thực nghiệm hóa học của ông vẫn được các phòng thí nghiệm ngày nay tin dùng.
Bậc thầy ngôn ngữ học
Càng nghiên cứu sâu, Bacon càng tin tưởng sức mạnh của việc thử nghiệm. Ông tuyên bố, nguồn gốc của tri thức chính là kinh nghiệm, cái được đúc rút qua nhiều thử nghiệm. Cho dù là bất cứ điều gì, con người cũng chỉ có thể đưa ra kết luận gần đúng nhất dựa trên kinh nghiệm. Ngày nay, chúng ta gọi kiểu tư duy này của ông là chủ nghĩa duy nghiệm.
Theo Bacon, phương tiện truyền tải kinh nghiệm hiệu quả nhất chính là ngôn ngữ. Ông đặc biệt quan tâm chức năng của câu, nhấn mạnh quy tắc ngữ pháp là chuẩn mực cần thiết nhất để viết văn bản, giải thích các sự vật, sự việc và đã để lại một chuyên luận về ngữ pháp Latinh.
Bacon cũng là người phát hiện một từ có thể có nhiều nghĩa và ngữ nghĩa của từ còn phụ thuộc vào hoàn cảnh sử dụng. Ông đề cao việc sử dụng từ chính xác, rõ nghĩa, ghét kiểu lập lờ.
Nghiên cứu ngôn ngữ của Bacon khiến Giáo hội cảm thấy bị đe dọa. Suốt nhiều thế kỷ, kiểm soát chữ viết là một trong các phương pháp duy trì quyền lực của nhà thờ.
Bên cạnh việc phổ biến cách thức đọc hiểu văn bản, Bacon còn vạch trần khía cạnh lợi dụng sự lập lờ về ngữ nghĩa trong nhiều văn bản tôn giáo, lật tẩy các chiêu bài đánh lừa và tẩy não tín đồ. Vì thế, ông bị nhà thờ ghét bỏ và các tu sĩ thù địch.
Ngoài thách thức tư duy truyền thống, tư tưởng của Bacon còn mở đường cho các ý tưởng, phương pháp tiếp cận mới. Đòi hỏi “lý trí và bằng chứng” của ông mạnh mẽ bác bỏ mê tín, giáo điều, đặt nền móng cho việc thiết lập các nguyên tắc nghiên cứu theo phương pháp khoa học mà nhân loại về sau áp dụng mãi mãi.
Theo ancient-origins
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-dong-lung-danh-tim-kiem-tri-thuc-post667475.html